Món nợ ân tình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi vẫn thường nghĩ về ý nghĩa của tình yêu thương và lòng biết ơn. Yêu thương mang con người đến gần nhau và lòng biết ơn giúp con người sống tốt đẹp hơn. Một trong những câu nói mà tôi tâm đắc là: “Hãy biết ơn những gì đang có và bạn sẽ nhận được nhiều hơn. Nếu luôn luôn nhìn thấy những gì mình không có thì bạn sẽ không bao giờ có đủ được”. 
Mọi người sinh ra trên cuộc đời này đều có những ràng buộc, tương tác với gia đình và với mọi người xung quanh. Tôi vẫn thường nghĩ mình là người may mắn khi được nhận quá nhiều trong đời từ những người thân yêu nhất trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Có những tình cảm quá lớn mà sự đáp đền không bao giờ là đủ. Có cả những tình cảm và sự giúp đỡ đến từ những người không có cơ hội gặp lại làm mình cứ áy náy một món nợ ân tình không thể đáp đền. Tôi đã nhận được rất nhiều những tình cảm như vậy. Cảm ơn những ân tình lớn lao tôi có được trong cuộc đời này.
Trong ký ức của tôi vẫn còn rõ nét ngôi nhà nhỏ của chú thím đồng hương mà tôi đã trọ học trong những ngày trung học. Nó nằm trong một con hẻm bé tẹo và ngôi nhà cũng nhỏ bé không kém. Nhà bằng gỗ ghép tạm bợ được ngăn thành 3 phòng theo chiều dọc. Ngoài cùng là phòng khách khoảng 8 m2, chú kê một chiếc giường nhỏ sát vách nhà cho 2 chị em tôi nằm ngủ. Cả nhà chú gồm 6 người ở trong phòng ngủ cũng chỉ rộng hơn phòng khách một chút. Cuộc sống càng khó khăn khi chú mất việc, nhưng chú thím và các em luôn vui vẻ tạo điều kiện cho chúng tôi đến ở lại và học hành trong những lúc cần thiết, có khi kéo dài cả tháng.
Tốt nghiệp trung học, tôi cũng có ghé thăm chú vài lần rồi không còn giữ liên lạc nữa. Sau này, tôi tìm đến thì được biết cả nhà chú thím đã chuyển vào Nam và tôi cũng không có được địa chỉ. Một nỗi ân hận, day dứt cứ theo tôi mãi. Tôi mong có thể một lần gặp lại chú thím để nói một lời cảm ơn cũng như xin lỗi vì những vô tâm của mình trước đây.
Chuyện ân nghĩa ở đời thường được coi là bình thường vì con người sống với nhau trong xã hội luôn có sự gắn kết và tương tác qua lại. Người giúp đỡ có thể không mảy may suy nghĩ chuyện mình đã làm và cũng không mong chờ sự trả ơn nhưng người nhận sự giúp đỡ, nhất là từ một người xa lạ trong những tình huống khó khăn, sẽ ghi mãi những nghĩa tình ấy trong lòng.
Ngày tôi sinh cháu thứ ba, vì cháu đau yếu nên vợ chồng tôi phải đưa vào một bệnh viện ở TP. Hồ Chí Minh khi cháu mới mười mấy ngày tuổi. Chồng tôi mấy ngày chăm con quá vất vả nên nằm vùi trên xe. Thấy tôi mới sinh ngồi ẵm con, một bác gái đi cùng xe đã bồng giúp cháu và bảo tôi nằm nghỉ một chút. Qua câu chuyện, tôi biết bác tới Pleiku thăm người nhà và chỉ vậy thôi. Tôi không còn cơ hội nào để gặp lại bác nữa. Con trai tôi giờ đã bước sang tuổi 14. Hơn 13 năm rồi, tôi cứ canh cánh mãi bên lòng. Mong bác vẫn khỏe mạnh, bình an.
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Những ân tình tôi đã nhận mà không thể đáp đền trên đời này còn nhiều lắm. Từ người chị hàng xóm ngày xưa cứ trời mưa là cõng tôi chạy về nhà cho đỡ ướt đến một người qua đường bơm giúp tôi chiếc xe xẹp lốp. Những nghĩa cử ấy giúp tôi luôn cố gắng để sống tốt hơn.
Có những lần tôi cũng thầm trách ai đó khi họ không thể hiện lòng biết ơn. Nhưng rồi lại chợt nhớ một câu nói: Hành động vô ơn nhất là vội vã trả ơn. Nghĩ lại những câu chuyện của đời mình, tôi biết mình không nên có một kết luận vội vàng. Người được giúp đỡ có thể vẫn giữ trong lòng sự biết ơn sâu sắc mà chưa có cơ hội đáp đền.
Tôi vẫn hay nghĩ về cuộc đời và luôn cảm ơn những gì mình đã có được. Tôi thường không thích nợ nần trong mua bán hàng ngày, trong nhiều việc của cuộc sống. Nhưng tôi thật sự đang mắc nợ. Tôi nợ ba má tôi một cuộc đời, nợ những người thân yêu sự chăm sóc, sẻ chia và biết mấy ân tình giữa cuộc đời này. Tôi mắc nợ cuộc sống này rất nhiều và tôi mong muốn mình có thể đem lại điều gì đó tốt đẹp cho ai đó. Khi làm một điều tốt, dù nhỏ bé thôi thì chính người làm là người hạnh phúc. Thời gian cứ vun vút trôi qua, khi tuổi đời mỗi lúc một thêm dày, niềm mong ước chỉ là đủ sức khỏe để tận hưởng cuộc sống. Có thể đó là một cách để biết ơn cuộc đời này.
Tôi vẫn thường đọc thầm hai câu thơ của Tố Hữu: “Có gì đẹp trên đời hơn thế/Người yêu người sống để yêu nhau”. Chính lòng yêu thương làm cho cuộc đời trở nên đáng sống và trái tim mỗi người sẽ được sưởi ấm để nhìn cuộc đời bao dung hơn, thương mến hơn. Những món nợ ân tình không thể nào trả hết làm người ta thêm yêu thương nhau và trân quý hơn những ngày được sống.
NGUYỄN THỊ THÚY ÁI

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…