Bắp nếp của mẹ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Một buổi sáng bình yên đến lạ giữa mùa mưa, tôi bị đánh thức bởi mùi thơm ngòn ngọt quen thuộc, mùi khói bếp cay nồng thoang thoảng bay vào phòng.
Nhớ sao những sáng trời buốt sương, gió đầu mùa mưa cứ rít lên từng hồi, tôi ngồi co ro bên bếp lửa, vừa sưởi tay cho ấm vừa ăn bắp luộc. Ngày ấy, bữa sáng của cả nhà triền miên là món bắp, nó ám ảnh đến mức tôi đã gọi nó là “món bắp nếp huyền thoại”.
Bắp nếp nù quả căng tròn mây mẩy, hạt xếp khít nhau, thẳng đều tăm tắp, vừa dẻo lại vừa ngọt. Lúc còn non có thể bào nhỏ rồi xay, vắt lấy sữa đun sôi lên uống. Lúc chững hạt hơn chút thì xào với mỡ hành và tép. Đơn giản hơn thì luộc ăn ngay lúc nóng rồi lấy nước uống. Bắp nếp luộc chín tới vừa dẻo dính lại vừa thơm như cơm nếp đầu mùa, cái vị nước luộc ngọt thanh mà dịu mát. Có lẽ đó là lý do mà mẹ chọn bắp làm bữa sáng thường ngày cho cả nhà. Là tôi cố nghĩ như thế!
Trong ký ức của những ngày khốn khó theo cha mẹ vào đất Tây Nguyên lập nghiệp, tôi vẫn nhớ mình đã thèm khát được ăn một ổ bánh mì kẹp thịt mỗi sáng như thế nào. Điều ấy tôi chẳng bao giờ dám nói ra hay đòi hỏi, cảm giác mỗi bữa sáng cứ nghèn nghẹn trong cuống họng mà vẫn giả vờ ăn ngon lành để đi học. Có lẽ tôi là đứa trẻ hiểu chuyện từ ngày ấy.

Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Một hôm, tôi thấy mình chẳng còn hứng thú với cái thơm ngọt, cái vị dẻo được kết tinh trong từng hạt bắp. Tôi chỉ thấy mùi bắp luộc và mùi khói bếp làm lồng ngực mình tưng tức, ngột ngạt. Tôi hỏi mẹ: “Ngày ấy, sao bố mẹ bỏ làm cán bộ để vào Tây Nguyên?”. Mẹ tôi thẫn thờ đáp: “Ui chao, nói cán bộ rứa chứ ngoài quê mình đất thì cằn, thời tiết thì khắc nghiệt, cực lắm con ơi”. Ánh mắt mẹ nhìn vào không trung, nơi sương trắng mờ mịt và khói bếp tan lẫn vào nhau. Cái nhìn ấy xa xăm lắm, đến nỗi bây giờ khi đã ba mươi tuổi rồi tôi vẫn nhớ.
Tôi đáp lời mẹ kèm chút giận dỗi: “Dù sao con nghĩ làm cán bộ vẫn hơn làm nông chứ mẹ”. Giọng mẹ bỗng trầm lại, tôi cảm giác như làn sương dày đặc ngoài kia đang bóp nghẹt lấy từng lời mẹ nói: “Cái ngày bỏ quê hương mà ra đi, đau như cắt ruột, xé gan. Bà con chòm xóm, họ hàng can ngăn, nói Tây Nguyên là chốn rừng thiêng nước độc, đi là bỏ quê cha đất tổ. Hồi nớ vô đây, thấy toàn rừng là rừng, chim kêu vượn hú, tay thì cuốc đất mà nước mắt rớt thấm theo từng nhát cuốc. Cũng không nghĩ là có thể ở đây mà lập nghiệp được”.
Tôi hỏi thêm câu cuối: “Mà sao lại ở đến giờ hả mẹ?”. “Đó là nhờ mùa bắp đầu tiên. Từ nhỏ đến lớn mẹ chưa khi mô thấy cây bắp có được quả to mà hạt đầy như rứa nên bàn với cha mi là đất ni sống được”-mẹ hồi nhớ.
Tôi im lặng xách cặp đi học. Từ ngày ấy, mỗi sáng thức dậy, tôi nhủ lòng mình phải biết ơn vì vẫn có cái ăn, phải nỗ lực học thật giỏi. Câu chuyện vu vơ trong buổi sáng mù mịt sương ấy mãi khắc sâu trong ký ức tôi, đồng hành cùng tôi trong suốt những ngày tháng đi học, đi làm xa nhà.
Mãi đến tận bây giờ, khi trưởng thành, tôi vẫn ngẫm ngợi câu chuyện về hạt bắp đã nảy mầm xanh, tạo quả ngọt trong từng lớp đất bazan thấm đẫm mồ hôi của bậc sinh thành. Đó là sự tưởng thưởng xứng đáng cho hành trình vượt thoát khỏi những lời đàm tiếu, vượt lên nỗi đau giằng xé của những người con tha hương với khát vọng đổi thay. Mỗi khi mệt mỏi trước những áp lực, tôi lại nghĩ về câu chuyện ấy, tự nhủ lòng mình phải cố gắng thật nhiều.
Tôi ra vườn bẻ thêm mấy quả bắp non còn ưng ức sữa để làm vài món cho bữa trưa sum họp gia đình. Những quả bắp non căng tròn mây mẩy. Từng đường dao cắt đến đâu là dòng sữa bắp tứa ra thơm nức đến đó, như dòng sữa trắng ngọt lành mẹ nuôi tôi khôn lớn. Tôi háo hức vào bếp nấu ăn, lòng đầy khấp khởi, tự hào như khi tôi khai lý lịch lúc đi làm. Tôi đã đặt bút viết vào mục nghề nghiệp bố mẹ hai chữ “làm nông” bằng tất cả tình yêu và sự kính trọng.
Những món bắp sau này tôi nấu chẳng bao giờ được như vị bắp mẹ luộc. Bởi vị bắp ấy không chỉ dẻo ngọt, đậm đà mà còn chất chứa cả giọt nước mắt thương nhớ của mẹ những ngày đằng đẵng xa quê, xa ngoại. Vị bắp ấy còn thoang thoảng mùi ký ức của cô bé năm xưa.
TRÚC PHÙNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Ngọc Phú: Tấm áo Điện Biên

Thơ Nguyễn Ngọc Phú: Tấm áo Điện Biên

(GLO)- Tấm áo trấn thủ đã trở thành biểu tượng gắn liền với người chiến sĩ Điện Biên trong suốt 56 ngày, đêm "đánh lấn từng thước đất". Ngắm nhìn tấm áo ấy được trưng bày trong bảo tàng, tác giả Nguyễn Ngọc Phú bồi hồi, tưởng như được sống lại phút giây chiến đấu hào hùng của cha anh.
Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

(GLO)- "Tự khúc" của tác giả Hà Hoài Phương là những chiêm nghiệm rất thực về cuộc đời. Sau cơn mưa trời lại sáng, không có điều gì tồn tại mãi, dù đó có là những niềm vui, hạnh phúc hay khổ đau...
Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...