Khúc chớm hạ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mùa hạ năm nay đến với tôi chừng như sớm hơn. Có lẽ, một phần bởi ánh đèn qua ô cửa sổ nhà bên có cô bé học sinh năm cuối cấp thức tận khuya dùi mài kinh sử. Có lẽ, bởi tiếng ve ngân từng hồi dội vào không gian làm tăng thêm vẻ nóng bức, ngột ngạt, oi nồng. Có lẽ, bởi cuộc gọi từ nơi xa khi cô bạn gái thuở học trò hỏi thăm về mùa hạ…
Hạ về, mọi thứ như rực lên. Đã bắt đầu có mưa. Mưa nhẹ thôi, chưa kéo dài, vào một buổi chiều chỉ đủ ướt mặt đường, làm cho không gian bớt phần bụi bặm. Đã bắt đầu có mưa rào khu vực nào đó không xa. Qua làn gió mát ùa về mấy chiều nay mà đoán vậy. Thế mà tâm trí tôi trở nên lãng đãng cùng ánh đèn khuya qua ô cửa sổ, từng hồi ve ngân, làn gió mát, trời chiều bảng lảng gió mây… 
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Tôi đi trên những con đường vừa quen, vừa lạ. Buổi chớm trưa, đầu chiều gió đưa mây che bớt mặt trời nên nắng dịu màu. Lắng nghe bước chân mình đổ dồn lên hiu hiu bóng nắng, miên man trôi về bến mộng bến mê từng mải miết đi tìm, mải miết ưu tư, khao khát mơ mộng. Chợt giật mình bắt gặp từng đàn bướm cánh vàng nhạt, mỏng mảnh, chập chờn gọi nắng tháng tư.
Đã đi qua tôi tuổi thơ đuổi chim bắt bướm mà vẫn thoáng gợi chút liêu trai trước đàn bướm chập chờn trong nắng gió, tụ rồi tan, tan rồi tụ khi cao khi thấp, chập chờn, chậm nhanh không theo quy luật với vũ điệu tập thể. Rồi tự hỏi, phải chăng chúng được sinh từ bát ngát không gian miền nắng gió, nơi đất bazan tơi vỡ bụi mờ có những thảm lá cỏ héo khô của bao loài thảo mộc ngủ yên. Chúng đến từ đêm sâu suối khe tỏa hơi nước vô hồi khắp nẻo không gian. Chúng là gió, là sương. Chúng nương theo gió, theo hơi sương tựa hồ như phát tán. Chúng tụ lại gọi mưa đầu mùa để rồi sau đó trả mình về lại gió mưa, tan hòa vào đất cho lớp lớp mầm sống cựa mình, bừng thức sau mưa.
Tôi đi qua tôi, hồn nghe nhoi nhói khi nghe hồi trống tan trường hay lúc dõi mắt trông theo các em đồng phục tinh khôi vỡ ùa từ khuôn cửa lớp, trên sân trường, trước cổng, tỏa ra khắp nẻo đường loang loáng nắng. Mùa hạ cũ đi qua cuộc đời đã tròn 35 năm mà như vừa mới đấy. Có hẹn hò gì đâu mà có lúc tim nhoi nhói tựa tan vỡ đầu đời, trốn chạy tin yêu. Mùa thi, ánh đèn dầu khuya, ước mơ giảng đường đại học cao vời chắp cánh tương lai hút tôi vào trang sách. 
Chợt nhớ dòng sông, con đò, bãi cát dài, bến lở ngày đến trường có tiếng gọi đò ơi!
Làm nghĩa vụ quốc tế chiến trường K, bạn tôi có đứa vĩnh viễn chia tay sau mùa hạ ấy. Không quên.
Chiều mơn man gió mang theo hơi nước, tôi miên man trôi cùng mải miết ưu tư. Chợt giật mình gặp loài hoa mùa hạ vàng mơ rũ dài, rực đỏ, tím ngắt lấp ló sau tán lá xanh đậm đợi cơn mưa rào cùng vươn mình khoe sắc. Nghe thoảng đâu đây hương trái chín thơm dịu, nồng nàn quyện với gió, tan dần vào nắng nhẹ…
Chớm hạ. Tháng tư. Có ai cũng như ta còn dõi mắt tìm, xốn xang cùng mùa hạ? Thời gian con nước qua cầu, sao lại muốn tìm dấu chân thuở trước, những dặm đường đã khuất, những phương trời đã qua…
 ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).