Nghệ sĩ Nhân dân Rơchăm Phiang: "Mong một lần hát giữa Phố núi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sống và làm việc tại Hà Nội nhưng Nghệ sĩ Nhân dân Rơchăm Phiang vẫn thường xuyên về thăm quê hương Đức Cơ (tỉnh Gia Lai). Ở tuổi 57, nghệ sĩ khiến nhiều người bất ngờ khi giữ được chất giọng cao vút, đầy kỹ thuật và vô cùng truyền cảm. Trong cuộc trò chuyện mới đây với P.V Báo Gia Lai, “họa mi của núi rừng” đã chia sẻ nhiều dự định và cảm xúc chân tình.
Nghệ sĩ Nhân dân Rơchăm Phiang. Ảnh: Phương Duyên
Nghệ sĩ Nhân dân Rơchăm Phiang. Ảnh: Phương Duyên
P.V: Cảm xúc của bà như thế nào mỗi lần có dịp về lại Phố núi, về lại quê hương Đức Cơ?
- Nghệ sĩ Nhân dân RƠCHĂM PHIANG: Tôi rời Gia Lai đến nay cũng đã hơn 40 năm rồi. Thi thoảng, tôi mới về. Gần đây thì về thường xuyên hơn, mỗi năm khoảng 1, 2 lần. Mỗi lần trở lại, tôi thấy quê hương có nhiều thay đổi, thành phố đẹp hơn, buôn làng khang trang và thanh bình. Thích nhất là được thưởng thức những món ăn rất ngon, hợp khẩu vị. Dịp này, tôi về cũng đúng thời điểm tiết trời rất đẹp, se lạnh, dễ chịu lắm.
P.V: Khán giả cả nước mến mộ Nghệ sĩ Nhân dân Rơchăm Phiang với nhiều ca khúc nổi tiếng như: “Cánh chim báo tin vui”, “Tháng ba Tây Nguyên”, “Lời ru trên nương”, “Bóng cây kơ nia”, “Em là hoa pơ lang”, “Người lái đò trên sông Pô Cô”… Với bà, bài hát nào trong số đó gợi nhiều cảm xúc nhất?
- Nghệ sĩ Nhân dân RƠCHĂM PHIANG: Ngay từ nhỏ, âm nhạc đã ngấm vào tâm trí tôi qua những bài dân ca, những bài hát ru của dân tộc mình. Khi được theo Đoàn văn công Quân giải phóng Tây Nguyên, sau đó về Đoàn văn công Quân khu 5, tôi bắt đầu thể hiện những ca khúc về Tây Nguyên như: “Cánh chim báo tin vui”, “Người lái đò trên sông Pô Cô”, “Tháng ba Tây Nguyên”… Đây là những bài rất hay và bài nào tôi cũng thích vì chúng giúp người nghệ sĩ khoe được chất giọng mạnh mẽ nhưng cũng đầy truyền cảm. Chúng buộc người nghệ sĩ không được hát hời hợt.  
Tôi vẫn nhớ mãi cảm xúc khi thể hiện ca khúc “Người lái đò trên sông Pô Cô”. Dòng sông đó tôi đã từng qua những ngày chiến tranh, nơi có những cổ thụ đổ bóng xuống dòng nước xanh biêng biếc. Khi hát, tôi hồi tưởng khung cảnh ấy và hoàn toàn nhập tâm vào ca khúc. Có lẽ vì tôi sinh ra và lớn lên ở Tây Nguyên nên có người đã nhận xét rằng, không ai qua được Rơchăm Phiang khi thể hiện những ca khúc cách mạng viết về Tây Nguyên.
Cuối năm 2019, tôi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Khi nhận danh hiệu này, tôi thầm cảm ơn khán giả luôn theo dõi, động viên mình, đó là điều làm tôi rất hạnh phúc.
P.V: Nếu nói một câu ngắn gọn về sự nghiệp của mình, bà sẽ nói gì?
- Nghệ sĩ Nhân dân RƠCHĂM PHIANG: Ngẫm lại, tôi thấy mình đến với nghề như một duyên nợ. Nhờ đó mà tôi được đào tạo bài bản, được đi biểu diễn ở nhiều nước, tham gia và đạt giải cao tại các cuộc thi âm nhạc quốc tế. Tôi cũng tự hào vì đã dìu dắt nhiều thế hệ học trò thành đạt. Vậy là mãn nguyện rồi.
P.V: Có điều gì vẫn làm bà tiếc nuối?
- Nghệ sĩ Nhân dân RƠCHĂM PHIANG: Ở Tây Nguyên, tôi là giọng opera hiếm hoi. Opera là thể loại âm nhạc hàn lâm, rất khó thể hiện nhưng tôi vẫn lao vào học. Năm 1993, tùy viên Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đã rất ngạc nhiên khi nghe tôi hát bài “Alleluia” của Mozart với dàn nhạc lớn. Sau đó, chính ông đề nghị Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cử tôi đi học tại Nhạc viện Tchaikovsky (Liên Xô) 2 năm.
Thật lòng, tôi cũng có lúc nuối tiếc vì sao không theo đuổi những dòng nhạc phổ biến, dễ nghe hơn. Nhưng nghĩ lại, chính opera đã mang lại cho tôi nghị lực mạnh mẽ cùng vẻ đẹp của trí tuệ. Cô giáo của tôi, cô Hồ Mộ La (Nghệ sĩ, Nhà giáo Ưu tú Hồ Mộ La-P.V) là người đã phát hiện, đào tạo, định hướng tôi theo dòng nhạc này và đánh giá tôi rất cao. Cô tự hào về tôi, một người con Tây Nguyên mà hát được các tác phẩm nổi tiếng thế giới. Tôi chỉ tiếc là đến giờ vẫn chưa có điều kiện tổ chức được một chương trình riêng dành cho opera.
P.V: Bà từng chia sẻ dự định tổ chức liveshow 40 năm ca hát. Dự định này khi nào sẽ được thực hiện, thưa bà?
- Nghệ sĩ Nhân dân RƠCHĂM PHIANG: Tôi mong muốn tổ chức được 2 liveshow trong năm 2021 nhằm kỷ niệm 40 năm ca hát. Tại Pleiku, tôi dự tính làm liveshow về nhạc Tây Nguyên vào khoảng tháng 3-mùa đẹp nhất trong năm. Tôi sẽ hát khoảng 12 bài, xen kẽ là tiết mục của những học trò thành đạt. Còn tại Hà Nội, chương trình sẽ đa dạng hơn, gồm cả opera, nhạc Tây Nguyên, nhạc trữ tình nước ngoài… có thể tổ chức vào cuối năm. Chỉ sợ “nói trước bước không qua” do tôi vẫn còn gặp khó khăn về kinh phí, nhưng mong sẽ làm được. Vì chỉ cần vài năm nữa thôi là tôi có thể không hát được như bây giờ…
P.V: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này và chúc cho những dự định trên sớm thành hiện thực!
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.