Rơ Chăm Phiang-Giọng ca vàng của Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngoài Nghệ sĩ Nhân dân Y Moan, Siu Black... Tây Nguyên vẫn còn một giọng ca vàng nhưng dường như chưa được nhiều người biết đến, đó là Đại tá, thạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Rơ Chăm Phiang, hiện đang là giảng viên Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội.

Với cách ăn mặc vô cùng giản dị, cách nói chuyện thật hồn nhiên, dễ thương, chị đem đến cho người đối diện cảm giác dễ gần, thân thiết; trò chuyện lần đầu mà như câu chuyện của những người thân lâu ngày gặp lại. Ngồi cùng chị trong một buổi sáng Pleiku còn đẫm sương, lắng nghe những giãy bày tâm sự và đắm mình trong những ca khúc chị hát, tôi cảm thấy mình thật may mắn khi được trực tiếp lắng nghe những giọt thanh âm thánh thót đang vang lên từ một giọng ca opera hiếm có trong dòng nhạc thính phòng Việt Nam.

 

Đại tá, thạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Rơ Chăm Phiang (bên phải).           Ảnh: B.H
Đại tá, thạc sĩ, Nghệ sĩ Ưu tú Rơ Chăm Phiang (bên phải). Ảnh: B.H

Đóa pơ lang tươi sắc thắm

Nhìn chị, tôi không nghĩ chị đã ngoài 50 tuổi. Vẻ mặn mà, thanh thoát của gương mặt; nét trong sáng, hút hồn của ánh mắt và nụ cười tươi mới luôn thường trực trên môi khiến chị trẻ hơn so với tuổi của mình. Nhìn chị, tôi nghĩ đến những ca từ rất hay trong bài hát “Đôi mắt Pleiku” của nhạc sĩ Nguyễn Cường. Nhìn chị, tôi nghĩ đến những giai điệu đẹp trong ca khúc “Em là hoa pơ lang” của nhạc sĩ Đức Minh. Nghe tôi bày tỏ suy nghĩ này của mình, chị cười: “Cũng có người nói về mình như thế. Nói thật lòng, mỗi lần hát “Em là hoa pơ lang” mình đều có cảm giác ca khúc  ấy được viết là để dành cho mình, hát lời mà luôn cảm thấy như đang tâm sự với người yêu. Mình sinh ra ở làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ; nhờ giọng hát mà được đi nhiều nơi, được nhiều người biết đến và yêu mến, đặt cho nhiều tên gọi dễ thương, lại được khán giả thương quý mà ví như bông pơ lang mùa này đang khoe sắc bên mái nhà rông của các buôn làng Tây Nguyên. Với mình, đó đã là hạnh phúc rồi”.

Rồi không cần tôi hỏi, chị tiếp tục kể về mình trong tiếng cười vui: “Hồi nhỏ, mình hay hát cho bạn bè và bà con trong làng nghe, khi 9 tuổi (năm 1972-N.V) thì được sinh hoạt trong đội văn nghệ xung kích của huyện Đức Cơ, hồi đó chủ yếu là hát tiếng Jrai-là những bài dân ca, nhiều hơn là những bài ca ngợi Đảng, Bác Hồ và cách mạng. Năm 1978, mình được chọn đi học ở Trường Trung cấp Nghệ thuật Quân đội, rồi tiếp tục theo học tại khoa Thanh nhạc của Nhạc viện, chủ yếu là học hát nhạc thính phòng. Sau một thời gian đi tu nghiệp tại Nhạc viện Tchaikovski, Liên Xô cũ (năm 1993-1995), mình về công tác tại Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội từ năm 1996 tới nay. Dồn tất cả tâm huyết, tình yêu ca hát cho công tác giảng dạy nên mình có rất ít những khoảng thời gian, những cơ hội để bước lên những sân khấu lớn thể hiện giọng ca, có thể vì lý do này mà mình ít được công chúng trong cả nước biết đến chăng…”.

Giọng ca opera hiếm có trong dòng nhạc thính phòng Việt Nam

Chị bảo, để hát được opera, ca sĩ phải mất rất nhiều thời gian. Ngoài năng khiếu âm nhạc tốt, tai nghe tinh thì ca sĩ phải sở hữu một chất giọng khỏe, tốt, có kỹ năng xử lý và đặc biệt là phải có sức khỏe cũng như niềm đam mê. Được đào tạo bài bản, công phu, trong những lần biểu diễn ở trong nước và lưu diễn ở nước ngoài, các tác phẩm chị lựa chọn trình diễn thường là những bản nhạc kinh điển của các nhà soạn nhạc nổi tiếng thế giới như Mozart, Tchaikovski, Verdi...

 

Vì thế, những tràng vỗ tay không dứt, những đóa hoa cẩm chướng thắm đỏ mà chị nhận được khi vừa mới cất lên tiếng hát như lần biểu diễn ở Sochi (Nga) năm 19 tuổi đến với chị ngày một nhiều, là những kỷ niệm đẹp trong chặng đường ca hát của chị. Cũng bởi vậy, chị cũng là một trong số những ca sĩ Việt Nam gặt hái nhiều giải thưởng quốc tế: giải 3 “Hoa cẩm chướng đỏ”, cuộc thi hát thính phòng ở Nga, năm 1982; giải nhất cuộc thi âm nhạc mùa thu ở Triều Tiên năm 1990, giải nhất giọng hát Hà Nội-Asean năm 1996. Ở trong nước chị từng đạt 9 giải thưởng khác nhau, trong đó có cả huy chương vàng toàn quốc (1980-1992).

Sau khi liệt kê những giải thưởng mình đã nhận được cho tôi nghe, chị thốt nhiên ngồi trầm lặng rồi nói bằng một giọng nhẹ như không: Không biết có phải vì gặt hái được nhiều thành công, nhiều giải thưởng như thế nên mình đã được đưa về để làm giảng viên thanh nhạc ở Trường Đại học Nghệ thuật Quân đội. Gần 20 năm qua, giọng ca của mình cũng chỉ bó hẹp trên giảng đường, qua việc truyền dạy kỹ năng cho các thế hệ học trò; thế nhưng tự sâu thẳm trái tim mình, mình luôn muốn được đem tiếng hát được núi rừng Tây Nguyên ban cho đến với mọi người nhiều, thật nhiều…”.

Còn khi chia sẻ với tôi về những dự định trong tương lai, giọng chị như vui hơn một chút: “Năm 2006, mình ra album đầu tay, đó là album “Cánh chim báo tin vui” gồm 12 bài hát về Tây Nguyên… Năm 2014, mình sẽ ra một CD nữa, hiện đã hoàn thành xong phần thu âm. Cũng trong năm 2014 này, vào khoảng cuối năm, mình dự định sẽ tổ chức một liveshow tại Pleiku, số tiền thu được sẽ dành để giúp đỡ những em nhỏ còn chịu nhiều thiệt thòi của Gia Lai”.

Tuệ Nguyên

Có thể bạn quan tâm