Xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP: Bắt đầu từ những câu chuyện

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong 3 năm qua, Chương trình OCOP đã từng bước tạo dựng niềm tin về chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, để sản phẩm OCOP có chỗ đứng trên thị trường đòi hỏi các chủ thể phải chú trọng nâng cao chất lượng, từng bước xây dựng sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Và cách để làm được điều này dễ dàng, hiệu quả nhất chính là từ những câu chuyện về sản phẩm.

Câu chuyện hay dễ chạm đến cảm xúc khách hàng

Khi tham gia Chương trình OCOP, ngoài được ngành chức năng hướng dẫn quy trình hồ sơ thủ tục tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm như: tư vấn hoàn thiện phương án sản xuất kinh doanh, xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường, bản tự công bố chất lượng sản phẩm, thiết kế nhãn mác, bao bì, nâng cấp cải tiến sản phẩm thì viết “câu chuyện về sản phẩm” là phần khá quan trọng. Câu chuyện về sản phẩm thể hiện sự nỗ lực, niềm tự hào của chủ thể trong quá trình làm ra sản phẩm. Nếu hấp dẫn, độc đáo, câu chuyện về sản phẩm sẽ là thông điệp truyền tải, chạm đến cảm xúc của khách hàng.

Nhiều sản phẩm OCOP đã tạo được chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Vũ Thảo
Nhiều sản phẩm OCOP đã tạo được chỗ đứng trên thị trường. Ảnh: Vũ Thảo


Việc xây dựng câu chuyện về sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) là một ví dụ. Năm 2019, khi lập hồ sơ tham gia đánh giá sản phẩm OCOP đối với 3 sản phẩm gồm: tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí, tiêu đen hữu cơ Lệ Chí và tiêu sọ hữu cơ Lệ Chí, ông Nguyễn Tấn Công-Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã đã cùng cộng sự tiến hành viết câu chuyện dựa trên cảm nhận về vùng hồ tiêu Lệ Chí ngày trước (nay là xã Nam Yang). Ông Công chia sẻ: “Tôi lấy ý tưởng từ câu chuyện của bà ngoại kể vì sao xã được đặt tên là Lệ Chí, vì sao có sự hiện diện của cây hồ tiêu và vì sao sau này người dân lại từ bỏ phương pháp canh tác tự nhiên chuyển qua sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật để rồi dịch bệnh tràn lan, nhiều vườn hồ tiêu bị xóa sổ, nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về, nguồn nước và không khí bị ô nhiễm... Là một người sinh ra và lớn lên tại xã Lệ Chí cũ, tôi muốn khôi phục những sản phẩm đặc trưng tại địa phương đã có từ 60 năm trước. Vì vậy, tôi đã tập hợp những người con đất Lệ Chí yêu nông nghiệp sạch cùng lập nên Hợp tác xã để tìm hướng đi mới, học hỏi những mô hình canh tác hữu cơ. Năm 2018, Hợp tác xã tự chứng nhận 6,5 ha theo tiêu chuẩn hữu cơ của Mỹ (USDA) và châu Âu (EU), xây dựng lại thương hiệu Tiêu Lệ Chí với các sản phẩm chế biến sâu đạt chất lượng nhất trong ngành hồ tiêu là tiêu đỏ, tiêu sọ, tiêu đen, tiêu xanh. Câu chuyện tôi viết ra đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đánh giá rất cao về mặt nội dung cũng như thông điệp muốn truyền tải”.

Hộ kinh doanh Lê Thị Cẩm Như (huyện Kbang) cũng có câu chuyện về sản phẩm mắc ca do mình chế biến. Câu chuyện kể về một lần ra Hà Nội thăm người bác, chị Như được mời ăn thử hạt mắc ca của Úc. Chị ngạc nhiên vì loại quả này đang trồng rất nhiều ở vùng đất Kbang nhưng chủ yếu bán thô cho thương lái. Một số hộ cũng tham gia chế biến nhưng chưa được nhiều người biết đến. Vì vậy, chị đã nảy ra ý tưởng chế biến và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này. Sản phẩm hạt mắc ca nghe có vẻ xa xỉ chỉ có tận bên Úc thì nay đã gầy dựng được thương hiệu ở Gia Lai, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế của chị Như và nhiều hộ người dân.

Đó là 2 trong số hàng trăm câu chuyện về sản phẩm đặc trưng của Gia Lai được các chủ thể truyền tải đến khách hàng. Nói về tầm quan trọng của câu chuyện về sản phẩm, ông Bùi Quang Cường-CEO Công ty TNHH Giải pháp phát triển doanh nghiệp iViet-chia sẻ: “Khi khách hàng mua sản phẩm OCOP để tiêu dùng hoặc làm quà tặng, ngoài chất lượng, họ còn quan tâm đến câu chuyện về sản phẩm. Vì vậy, chủ thể cần cho người tiêu dùng thấy rõ vì sao sản phẩm đó lại sản xuất ở Gia Lai, có đặc điểm gì nổi bật và khác biệt so với những sản phẩm tương tự ở các nơi khác”.

Khẳng định niềm tin về chất lượng

Đến nay, toàn tỉnh có 214 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 25 sản phẩm đạt 4 sao và 189 sản phẩm đạt 3 sao. Nhiều sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao đã dần xây dựng được thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Tham gia Chương trình OCOP, các chủ thể đã đổi mới tư duy, cách thức sản xuất, mạnh dạn đầu tư máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ để làm ra sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao. Bên cạnh đó, chương trình đã giúp chủ thể thay đổi nhận thức từ nâng cao chất lượng sản phẩm đến hoàn thiện bao bì, nhãn mác, logo, tem truy xuất nguồn gốc...

 Các chủ thể đang từng bước xây dựng sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Ảnh: Vũ Thảo
Các chủ thể đang từng bước xây dựng sản phẩm OCOP trở thành thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Ảnh: Vũ Thảo


Sản phẩm đạt chất lượng thì vấn đề tiêu thụ cũng mở ra nhiều cơ hội hơn. Chị Nguyễn Thị Phương Nhung-Quản lý cửa hàng trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP Biển Hồ thuộc Hợp tác xã Nông nghiệp Liên hiệp Gia Lai-chia sẻ: “Lúc trước, đa phần người dân chưa biết sản phẩm OCOP là gì, tiêu chuẩn để ngành chuyên môn đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP ra sao. Còn giờ đây, họ đã hiểu được giá trị và hình thành thói quen tiêu dùng sản phẩm OCOP. Nhiều người đã trở thành khách quen của cửa hàng. Sản lượng tiêu thụ từ đó tăng lên đáng kể”.

Đánh giá về hiệu quả Chương trình OCOP, ông Y Nguyên Ênuôl-Chi cục trưởng Chi cục PTNT (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh) cho biết. Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh tập trung nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ nâng thứ hạng sao cho các sản phẩm OCOP trên địa bàn. Hạng sao của sản phẩm OCOP là thước đo về chất lượng, sức cạnh tranh và định hướng xuất khẩu. Vì vậy, các địa phương cần rà soát lại từng tiêu chí để hỗ trợ chủ thể nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao, từ 4 sao lên 5 sao. Hiện tỉnh cũng đang mời các đơn vị tư vấn có uy tín và kinh nghiệm về hỗ trợ làm sản phẩm 5 sao trực tiếp hướng dẫn cho chủ thể thực hiện. Bên cạnh đó, tỉnh cũng hỗ trợ công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Châu-giảng viên cao cấp Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), chuyên gia tư vấn quản trị doanh nghiệp của Trường Đại học Ngoại thương, thương hiệu là sự kết hợp logic giữa tên gọi, logo, slogan. Đó là sự kết hợp giữa trí óc, tiềm thức và cảm xúc của khách hàng khi nhắc đến thương hiệu. Thương hiệu không chỉ định hình phong cách, hình ảnh mà còn tạo dựng uy tín cho sản phẩm, từ đó thúc đẩy việc tiêu thụ hàng hóa. Việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sẽ giúp người tiêu dùng có niềm tin, yên tâm sử dụng sản phẩm, giúp sản phẩm có vị trí vững chắc trên thị trường.

 

VŨ THẢO 

Có thể bạn quan tâm

'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.