Nông nghiệp Tây Nguyên: Phá sản trên ngôi vị số 1

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cách làm nông ăn xổi cuốn theo vòng luẩn quẩn trồng-chặt… khiến hàng loạt nông dân ở Tây Nguyên lâm vào tình trạng phá sản, nợ nần chồng chất.
Nông nghiệp, nông dân Tây Nguyên đang chìm trong khó khăn khi những ngành hàng chủ lực bị giảm sâu về giá trị. Là vùng cà phê robusta và hồ tiêu lớn nhất cả nước, thậm chí đứng nhất, nhì thế giới về năng suất và sản lượng, nhưng những sản phẩm nông nghiệp chủ lực không còn giúp được nông dân nâng cao đời sống.
Cách làm nông ăn xổi cuốn theo vòng luẩn quẩn trồng-chặt… khiến hàng loạt nông dân phá sản, nợ xấu ngân hàng lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Điều này đòi hỏi cần phải nhìn rõ thách thức, tồn tại, tạo động lực cho nông nghiệp Tây Nguyên trong giai đoạn cạnh tranh quốc tế, để ngành này cạnh tranh thành công, xác lập được vị trí tương xứng với lợi thế.
Nhiều tỷ phú nông dân ở Tây Nguyên bị phá sản.
Nhóm phóng viên VOV thực hiện loạt phóng sự "Nông nghiệp Tây Nguyên - Tìm động lực cho giai đoạn mới", với bài mở đầu "Phá sản trên ngôi vị số 1", đề cập tình thế khủng hoảng của 2 ngành chủ lực nhất Tây Nguyên.
Những chuyến xe bốc chở trụ tiêu ở vùng đất thủ phủ hồ tiêu số 1 Tây Nguyên là Chư Pứh-Chư Sê, tỉnh Gia Lai ngày càng tăng nhanh. Nhưng đó không phải là nụ cười mà là nước mắt của nông dân, bởi những trụ tiêu ấy không phải để trồng tiêu mà để bán. Một ha trụ tiêu bằng xi măng, cần đầu tư 300 triệu đồng, nay tiêu chết, dân phải nhổ trụ bán cho người xứ khác làm cọc rào, được 60 - 70 triệu đồng. Hình ảnh ấy như lời tuyên cáo những tỷ phú nông dân ở đây chính thức phá sản.
Ông Mai Liệu, ở thôn Thủy Phú, xã Ia Blứ huyện Chư Pứh cho biết, vùng hồ tiêu nổi tiếng nay hoàn toàn kiệt quệ. Những tỷ phú ngày trước, giờ nợ trên cơ nghiệp, bán đất, bán nhà, bỏ xứ đi làm thuê.
"Xóm tôi đêm đi, ngày đi. Tôi có 9 đứa con, thì 1 đứa phải bán đất, bán nhà trả ngân hàng. 2 đứa cháu ngoại học lớp 12 phải bỏ đi làm nghề, còn mấy đứa cháu nội về quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh làm thuê", ông Liệu chia sẻ.
Tỷ phú còn phá sản thì những nông hộ triệu phú càng ngập trong nợ nần, nhiều người đã phải tản cư trốn nợ, khiến các lĩnh vực kinh tế khác ở Ia Blứ lâm vào trầm lắng.
Ông Phan Văn Linh, Chủ tịch UBND xã Ia Blứ nhận định, với khó khăn chồng chất như hiện nay, kinh tế của xã chưa biết bao giờ mới có thể vực dậy.
"Muốn vay tiếp ngân hàng thì phải không có nợ xấu, nên bà con phải đi vay lãi nóng bên ngoài. Sau 1 năm lại tăng lên biết bao nhiêu nợ nữa. 2 năm nay là nợ nần chồng chất kiểu đó. Bà con nông dân địa phương hiện nay gặp rất nhiều khó khăn, không có nguồn thu thì không có tiền trả lãi", ông Linh kể.
Chung hoàn cảnh với Chư Pưh, ở huyện Đăk Song, tỉnh Đăk Nông, một thủ phủ hồ tiêu khác của Tây Nguyên, nông dân cũng mở mắt là thấy "bóng đen" nợ nần bao phủ.
Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, Trưởng thôn Đắk Kual 5, xã Đắk N’Drung, huyện Đắk Song, chưa bao giờ người dân ở đây lại nợ nhiều và mất khả năng chi trả như hiện nay.
"Bây giờ bà con nợ nần ngân hàng hộ nhiều nhất là 3,5 tỷ đồng, hộ ít là 100 triệu đồng. Bây giờ bà con không có chỗ nào để trả nợ", ông Thiện nói.
Những trụ tiêu ở Tây Nguyên nay trở thành... hàng rào.
Tây Nguyên hiện có 90.000 ha hồ tiêu, tổng chi phí đầu tư ít nhất 30.000 tỷ đồng. Khoảng 1 nửa diện tích này bước vào kinh doanh khi thị trường hồ tiêu xuống dốc không phanh, dịch bệnh lan tràn, khiến nông dân thua lỗ nặng, khó trả nợ đầu tư.
Trong 5 tỉnh Tây Nguyên, nông dân Gia Lai có mức nợ đầu tư hồ tiêu nghiêm trọng nhất. Theo thông tin UBND tỉnh cung cấp cho báo chí vào cuối tháng 3 vừa qua, nông dân hồ tiêu ở tỉnh đang nợ ngân hàng 4 nghìn 200 tỷ đồng, với 2.300 tỷ đồng là nợ xấu.
Với những bi đát của ngành hồ tiêu chiếm 2/3 sản lượng thế giới, đầu tháng 12/2018, trong một hội thảo tại TP HCM, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã phải nhấn mạnh: Từ nay cây tiêu không nên chạy theo số lượng mà phải là chất lượng.
Đáng lo là câu chuyện chạy theo số lượng, suy giảm giá trị, không phải là chuyện riêng của cây hồ tiêu mà nhiều loại nông sản khác ở Tây Nguyên. Ông Lê Viết Hùng, Tổng Giám đốc Simexco Đăk Lăk, nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 Việt Nam cho biết, tình hình sản xuất-kinh doanh cà phê, nông sản chủ lực số 1 của khu vực cũng đang rất khó khăn vì giá liên tục xuống thấp. Khó khăn này cũng có nguyên nhân từ việc không kiểm soát được quy mô ngành hàng, các con số thống kê không theo kịp thực tế.
"Niên vụ vừa qua, theo thống kê của Bộ NN-PTNT, sản lượng của cả nước là 1 triệu rưỡi tấn cà phê nhân. Nhưng thực tế là vượt rất xa, phải đến 1,8 triệu tấn. Việc thống kê không chính xác đã khiến cho các hoạch định về chiến lược kinh doanh không đạt được tính thiết thực của ngành hàng", ông Hùng cho hay.
Cùng chung lo lắng về sự suy giảm giá trị ngành hàng, ông Nguyễn Minh Đường, Giám đốc Công ty TNHH Xuất khẩu nông sản Tây Nguyên cho rằng, cứ tiếp tục tình trạng hiện nay, ngành cà phê sẽ bước sang giai đoạn khó khăn vì giảm phát.
"Giai đoạn này cà phê không có lãi nên tôi tin thời gian không xa nữa nông dân chuyển qua ngành hàng cây khác. Ngành cà phê sẽ gặp khó khăn cung ứng sản lượng cho thị trường", ông Đường nhận định.
Chạy theo số lượng, phá vỡ quy hoạch hàng chục nghìn, hàng trăm nghìn héc ta chỉ trong thời gian ngắn, là con đường dẫn tới khủng hoảng của nông nghiệp Tây Nguyên. Hay nói cách khác, chính việc Tây Nguyên nhanh chóng vươn lên vị trí dẫn đầu về năng suất và sản lượng ở một số ngành hàng, là nguyên nhân dẫn tới đổ vỡ đáng tiếc sau đó.
Thực tế này đòi hỏi phải phải nghiêm túc trả lời câu hỏi: Tại sao quy hoạch nông nghiệp ở đây luôn bị phá vỡ? Từ đó có tác động phù hợp, đưa nông nghiệp Tây Nguyên phát triển vừa linh hoạt vừa bài bản, đem lại những lợi ích thỏa đáng.
Tây Nguyên, vùng đất thuận lợi nhất cả nước về sản xuất nông nghiệp, nhưng nông nghiệp ở đây liên tục khủng hoảng và hiện đang chìm trong khó khăn. Nông dân Tây Nguyên phá sản trên ngôi vị số 1 có nguyên nhân lớn từ việc phá sản về quy hoạch nông nghiệp. Câu chuyện này sẽ được đề cập trong những phóng sự tiếp theo cùng chủ đề "Nông nghiệp Tây Nguyên - Tìm động lực cho giai đoạn mới".
Nhóm PV (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

Điều chuyển hơn 57 tỷ đồng trồng rừng thay thế

(GLO)- Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và PTNT) vừa có công văn đề nghị UBND các tỉnh, TP. Hà Nội và đơn vị liên quan chỉ đạo, thông báo các chủ dự án nộp hơn 57,3 tỷ đồng tiền trồng rừng thay thế để điều chuyển cho tỉnh Gia Lai kịp thời trồng rừng.
Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu giống mì và lúa

(GLO)- Công tác khảo nghiệm, xây dựng các mô hình trình diễn giống mì và lúa năng suất chất lượng cao, kháng bệnh tốt là bước đột phá trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Gia Lai nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản theo hướng bền vững.
Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

Khó khăn trong tiêm phòng vắc xin bệnh dại ở Gia Lai

(GLO)-   Gia Lai đang trải qua cao điểm nắng nóng gay gắt, thời điểm này dễ phát sinh  dịch bệnh động vật trong đó bệnh dại trên đàn chó, mèo là nỗi lo lớn nhất hiện nay.  Giải pháp đẩy mạnh tiêm phòng vắc xin bệnh dại là ưu tiên của các địa phương hiện nay.
Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Liên kết phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

(GLO)- Sau khi thành lập năm 2022, Hợp tác xã (HTX) Kén tằm Gia Lai (thôn Hà Lòng 2, xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) đã liên kết với người dân phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Mối liên kết này góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.