Cung ứng phân bón trả chậm: Cơ hội cho nông dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp sản xuất phân bón và bà con nông dân, thời gian qua, Hội Nông dân các cấp của tỉnh Gia Lai đã đứng ra tín chấp mua hàng chục ngàn tấn phân bón theo hình thức trả chậm, góp phần hỗ trợ nông dân sản xuất, ổn định cuộc sống.

  Ông Đồng Mạnh Hùng cung ứng phân bón cho nông dân. Ảnh: H.T
Ông Đồng Mạnh Hùng cung ứng phân bón cho nông dân. Ảnh: H.T

Bắt đầu tham gia mua phân bón theo hình thức trả chậm từ năm 2012, mỗi năm, gia đình bà Hoàng Thị Thúy (thôn An hòa, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) mua 2 tấn phân bón của Công ty phân bón vi sinh Cao Nguyên Hà Nội. Mỗi đợt mua, bà trả 50% số tiền, số còn lại bà đợi đến lúc thu hoạch cà phê mới trả. Không những thế, bà còn đứng ra đăng ký mua giúp cho các hộ nghèo trong thôn. Bà chia sẻ: “Mấy năm gần đây, giá cà phê, tiêu, điều, mì liên tục rớt giá khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều nông dân găm hàng cà phê, tiêu đợi giá lên mới bán nên số vốn đầu tư vào vụ tiếp bị hạn hẹp. Vì vậy, khi dịch vụ cung ứng phân bón trả chậm được triển khai trên địa bàn đã giúp được nhiều nông dân khắc phục khó khăn về vốn đầu tư để yên tâm hơn vào chăm sóc cây trồng”.

Đối với nhiều nông dân, việc được mua phân bón trả chậm giúp họ thoát được tình cảnh phải vay nợ ngân hàng để mua phân bón hoặc mua phân tại đại lý theo hình thức “vay nặng lãi”. Bà Đinh Thị Bầu (thôn Hiệp Hòa, xã Ia Drăng, huyện Chư Prông) cho biết: Nhà tôi trồng 8 sào cà phê, 200 cây điều, 100 trụ tiêu. Trước đây, để có tiền đầu tư mua giống, phân bón chăm sóc cây trồng, mỗi năm, gia đình tôi vay ngân hàng 100 triệu đồng với lãi suất 0,9%. Từ khi sử dụng dịch vụ mua phân bón trả chậm, số tiền vay ngân hàng được gia đình giảm xuống và cũng đỡ áp lực khi phải trả lãi.

Trực tiếp đi tuyên truyền, phối hợp đưa phân bón về cho hội viên, nông dân, ông Đồng Mạnh Hùng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Drăng, huyện Chư Prông cho biết: 4 năm nay, người dân trong xã chủ yếu mua phân bón trả chậm của Công ty phân bón vi sinh Cao nguyên Hà Nội. Qua quá trình dùng thử, nhận thấy không chỉ chất lượng phân bón tốt, phân có thể bón được vào mùa khô, hạn chế được ve sầu đục, cắn rễ cây trồng mà giá cả phân bón phù hợp, không tăng (từ năm 2010 đến nay, giá phân bón vẫn giữ mức 4,6 triệu đồng/tấn) và không phải trả tiền một lần nên người dân khá phấn khởi. Số lượng phân bón mua theo hình thức trả chậm vì thế tăng từ 18 tấn năm 2013, lên 587 tấn năm 2016.

Không chỉ riêng nông dân xã Ia Drăng, huyện Chư Prông mà nông dân nhiều địa phương trong tỉnh đều hài lòng về dịch vụ cung ứng phân bón trả chậm. Bà Niê Bích Đào-Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai cho biết: Dịch vụ này bắt đầu được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm 2009 tại 2 huyện Chư Prông và Đức Cơ nhưng đến nay, đã mở rộng ra TP. Pleiku và 6 huyện: Chư Sê, Chư Pah, Chư Pưh, Ia Grai, Đak Đoa và Mang Yang. Theo đó, Hội Nông dân tỉnh Gia Lai đứng ra tín chấp với các doanh nghiệp cho hội viên, nông dân mua phân bón trả chậm; đồng thời, tuyên truyền và cam kết đảm bảo chất lượng phân bón để người dân yên tâm sử dụng. Về hình thức mua, nếu nông dân trả trước 50% tiền mua phân bón và 50% số tiền còn lại trả sau khi thu hoạch nông sản sẽ không tính lãi còn nếu nợ 100% tiền phân bón sẽ tính lãi theo lãi suất ngân hàng. “Dịch vụ này đã giúp nông dân chủ động được nguồn vốn đầu tư nên đã thu hút được nhiều người tham gia. Số lượng phân bón mua theo dịch vụ này vì thế tăng lên theo từng năm. Đến năm 2015, tổng phân bón mua theo hình thức trả chậm là trên 6.000 tấn. Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh sẽ tiếp tục tín chấp với doanh nghiệp và tuyên truyền nhằm giúp nông dân được tiếp cận với dịch vụ này, qua đó giúp nông dân tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn và nâng cao hiệu quả sản xuất”-bà Niê Bích Đào cho biết.

 Hồng Thương

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

Gia Lai: Vụ lúa Đông Xuân 2023-2024 thắng lợi

(GLO)- Nhờ chủ động nguồn nước tưới từ các công trình thủy lợi, cộng với việc đưa các giống lúa mới chất lượng cao vào sản xuất nên năng suất lúa vụ Đông Xuân 2023-2024 tăng đáng kể. Với giá lúa tăng 2-3 ngàn đồng/kg so với vụ trước, bà con nông dân trong tỉnh đã có một vụ sản xuất “thắng lợi kép”.

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

Phú Thiện: Cơ hội quảng bá, tiêu thụ nông sản địa phương

(GLO)- 

Bên cạnh nhiều hoạt động văn hóa hấp dẫn tại Lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui năm 2024 được UBND huyện Phú Thiện tổ chức trong dịp lễ 30-4 và 1-5, Phiên chợ nông sản cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản vật đặc trưng của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.

Năm nay, thời tiết khắc nghiệt quá, nắng nóng kéo dài khiến ao, hồ cạn trơ đáy. Ảnh: Gia Hưng

Gia Lai thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng

(GLO)-

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh: Tính đến ngày 24-4, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận thiệt hại do hạn hán gần 10 tỷ đồng, với 379,6 ha cây trồng các loại bị thiệt hại.