Phật giáo với sứ mệnh kiến tạo hòa bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- “Chúng ta cùng tưởng niệm, tôn vinh Đức Phật, suy ngẫm về chân lý hòa bình, tinh thần khoan dung, lòng từ bi, phát huy chân lý đó vào cuộc sống, giải quyết xung đột, để góp phần giúp các quốc gia, dân tộc phát triển”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu như vậy tại lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019. Thủ tướng cũng cho rằng, Vesak là dịp để mỗi người cùng tĩnh tâm chiêm nghiệm lời Phật dạy, cùng nhau tìm ra giải pháp ngăn ngừa chiến tranh, kiến tạo thế giới hòa bình.
Chiến tranh được hiểu theo nhiều góc độ khác nhau, nhưng hiểu một cách đơn giản là đánh nhau, là việc kẻ mạnh dùng bạo lực để khuất phục kẻ yếu, gây ra bao khổ đau, chết chóc và bất hạnh cho người vô tội. Đó là điều mà những người yêu cuộc sống yên bình không bao giờ mong muốn. Lịch sử nhân loại đã ghi nhận nhiều cuộc chiến tranh khốc liệt mà không ít quốc gia đã trải qua. Ngăn ngừa chiến tranh để nhân loại được sống hòa bình đâu chỉ là việc của những nhà tư tưởng, những lãnh tụ quốc tế mà còn là của tất cả các tổ chức xã hội, tôn giáo và những người yêu chuộng hòa bình.
Chiến tranh, cướp đoạt khởi nguồn từ tâm lý bất an của kẻ gây chiến. Từ đó gây ra sự bất an cho người bị xâm lược, bị cướp đoạt. Để giải quyết tận gốc, từ hơn 2 ngàn năm trước, một trong những vấn đề cốt lõi mà Đức Phật để lại cho hậu thế là những lời khuyên con người xóa bỏ vô minh, nỗ lực tu học để nâng cao nhận thức và thực hành từ bi, trân trọng con người, thương yêu chúng sinh, thực hiện cuộc sống bất bạo động để ngăn ngừa chiến tranh, kiến tạo hòa bình. Thế giới Phật giáo hướng tới là thế giới của sự đoàn kết, hòa bình, phát triển bằng nỗ lực lao động của mỗi người trong sự tự giác và khả năng của họ để góp phần xây dựng, phát triển một xã hội an lạc cho mọi người.
Đó chính là lý do vì sao Liên hợp quốc công nhận ngày Tam hợp của Đức Phật (ngày sinh, ngày thành đạo, ngày nhập Niết bàn vào ngày trăng tròn tháng 5, tương đương ngày Rằm tháng 4 Âm lịch-Vesak) là ngày hội văn hóa tôn giáo của thế giới. Đó là sự vinh danh Đức Phật, khẳng định tư tưởng giáo lý của Đức Phật phù hợp với đường lối của Liên hợp quốc, phù hợp xu hướng phát triển của nhân loại tiến bộ, chung tay xây dựng thế giới hòa bình-hữu nghị-cùng phát triển.
Nhân loại hiện vẫn hàng ngày, hàng giờ đối mặt với những cuộc xung đột lãnh thổ, sắc tộc, tôn giáo. Nhiều dân tộc vẫn tiếp tục hứng chịu những đau thương mất mát do chiến tranh gây ra. Lòng tham và sự ham muốn của một bộ phận những người sân hận là nguyên nhân của nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu, gieo rắc hậu quả tang thương khôn lường cho người vô tội. Trước bối cảnh ấy, thế giới có nhiều cách tác động để ngăn ngừa, giải quyết xung đột, chiến tranh. Một trong những giải pháp đó là đề cao tư tưởng hòa bình, hữu nghị của đạo Phật, giáo dục và hướng con người hành động vì sự bình yên, hạnh phúc của đồng loại, lấy đó làm mục tiêu phấn đấu chung cho xã hội văn minh. Chỉ có xây dựng thế giới hòa bình an lạc mới mong con người hết sân hận, tham lam. Cội nguồn của chiến tranh cũng không còn đất để phát tác.
Tiếp tục truyền thống nhập thế, đồng hành cùng dân tộc của Phật giáo Việt Nam trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng quốc tế, sau 2 lần đăng cai tổ chức vào năm 2008 và 2014, năm nay, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2019 với chủ đề: “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.
Một lần nữa, cái tên Việt Nam được tỏa sáng, được đón nhận trân trọng từ những người yêu chuộng hòa bình. Vesak 2019 đã truyền đi thông điệp hướng con người đến suy nghĩ, việc làm thân thiện, thương yêu, trân trọng giá trị tốt đẹp của đạo đức. Cách tiếp cận của Phật giáo trong việc lãnh đạo toàn cầu đồng nghĩa với việc mọi phật tử trên khắp thế giới cùng hành động vì hòa bình. Một khi cùng hành động, cùng chia sẻ tức là chúng ta đang phát triển một cách bền vững. Phật giáo không chỉ đưa con người đến với sự tĩnh tại, an nhiên ngay trong lòng mình mà còn có thể lan tỏa, giúp người khác tìm thấy sự an nhiên. Khi một quốc gia chia sẻ giáo lý của Phật giáo thì loài người sẽ mạnh mẽ hơn và hòa bình sẽ được gìn giữ tốt hơn.
 NGUYỄN VÂN

Có thể bạn quan tâm

Chọn chất thay vì lượng

Chọn chất thay vì lượng

Cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học ra đời với xuất phát điểm là tạo một sân chơi dành cho những học sinh có đam mê và khả năng nghiên cứu từ sớm. Nhưng lâu nay, các cuộc thi này khiến dư luận muộn phiền vì không biết sản phẩm nghiên cứu có thực sự là của học trò.
'Lên dây cót' cho điện

'Lên dây cót' cho điện

"Không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh, trường hợp nào, nhất là vì lý do chủ quan từ công tác điều hành", đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong cuộc họp cuối tuần qua.
Dạy bơi trên… giấy

Dạy bơi trên… giấy

Chống đuối nước hiệu quả không chỉ là mệnh lệnh, nhưng phải bằng hành động, trong đó dạy bơi và trang bị các kỹ năng chống đuối nước cho trẻ là điều rất cần phải làm.
Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Quán nướng vỉa hè: Nhỏ mà không nhỏ!

Văn minh đô thị là gì, bắt đầu từ đâu? Không cần phải có cái nhìn quá vĩ mô, những lời hô hào, kêu gọi "đao to búa lớn". Hãy bắt đầu xử lý ngay từ những việc tưởng nhỏ bé nhưng diễn ra mỗi ngày, làm nhức mắt, khó chịu bao người.