Pleiku: Xa nhau mãi nhớ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dân Phố núi thường nói đùa đầy chất “hăm dọa” với người phương xa đến đây rằng: “Pleiku đi dễ khó về...”, tất nhiên là chỉ đùa thôi, ai đến cứ đến, ai đi cứ đi, Pleiku dường như chẳng níu chân ai cả, nhưng một lần ghé thì không thể quên. Thành phố nhỏ này, từ khi nào và có điều gì để luôn lưu giữ trong ký ức mỗi người, diết da đến vậy?
Ngày trước, một cô gái mới quen qua công việc ở Sài Gòn hỏi tôi ở đâu, nghe tôi nhắc đến địa danh Pleiku, cô bày tỏ sự ngạc nhiên đến lạ lẫm. Cũng đúng thôi, khách quan thì xứ sở này không có gì nổi trội để quảng bá nhằm gây sự chú ý, thuở xưa có chăng là vài địa danh chiến trường khốc liệt, phố nắng bụi mưa bùn. Thế nhưng, sau hơn 40 năm, mọi thứ đã phát triển vượt trội, xa Pleiku lâu rồi giờ về lại cũng ngỡ ngàng vì sự thay đổi. Và thật lạ, cứ một lần đến là sẽ khó quên.
Đâu chỉ những ai đã sinh ra và lớn lên hay có một thời gian dài trong đời đã gắn liền với thành phố này mới có tấm lòng cư xử với Pleiku ăm ắp tình cảm như thế mà cả khi nơi này chỉ là một nơi ghé qua bất chợt cũng gây nhớ đến lạ.
Một thầy giáo đã từng dạy học chỉ 2 năm tại một trường tư thục trước năm 1975, đều đặn năm nào cũng trở lại, ông bảo: “Chuyện này nó lạ lắm, cứ đến mùa Noel là phải thu xếp, Pleiku đi được, về được, nhưng bỏ Pleiku thì không thể...”.
Một nhà thơ nổi tiếng đã từng sống và làm việc ở xứ hoa dã quỳ này, sinh thời sống xa Việt Nam, nhưng lần hồi hương nào cũng phải dành cho mình một quãng thời gian thích đáng để trở lại Pleiku. Ông giải thích rất thơ rằng lỡ yêu rồi, làm sao quên được! Cô bạn tôi nói ở phần trên, sau này có dịp đến và đã nói với tôi “Chỗ anh sống hay quá!”, tôi hỏi lại “Hay như thế nào” thì bạn không tả được.
Còn tôi, mỗi lần có việc, thăm con thăm cháu phải vào Sài Gòn, ra Đà Nẵng; nhưng những nơi ấy không bao giờ giữ chân tôi quá một tuần. Tất cả những lý giải về chuyện tại sao phải lòng thành phố nhỏ rất đỗi bình thường này đều rất không cụ thể, nó như phải lòng một cô gái rất duyên, mà người ta có thể tả cái đẹp một cách rất rõ nét, chi tiết rất tượng hình, nhưng nói về cái duyên xem chừng gần như cực kỳ khó.
 Một góc TP. Pleiku. Ảnh: PHAN NGUYÊN
Một góc TP. Pleiku. Ảnh: Phan Nguyên
Người Pleiku vì cuộc sống riêng và bởi nhiều lý do khác phải xa nơi này thường quây quần chia sẻ về Pleiku trong những hội nhóm, hội viên gặp nhau hàng tuần, tương trợ khó khăn, hiếu hỉ rất có ý nghĩa, kể cả ở nước ngoài cũng không ít các hình thức gặp mặt định kỳ. Không phải thành phố nào cũng có được tình cảm về nơi chốn cũ như vậy.
Chị H.-người chỉ có 1 năm học ở Trường nữ trung học Pleime, sinh hoạt tích cực trong Hội Cựu học sinh Pleiku ở Sài Gòn-thổ lộ: Có thể tình thân và chân thật của người Pleiku khiến tôi gắn bó với Hội cả mười mấy năm nay, dù rằng 1 năm sống ở Pleiku thật quá ngắn so với những nơi khác tôi đã từng sống trong đời mình...
Lại nhớ, nhà thơ Vũ Hữu Định phần nào có giải thích tình thân của Phố núi: “Phố núi cao phố núi trời gần/Phố xá không xa nên phố tình thân” cũng chưa hoàn toàn là thế. Cái “phố xá không xa” đâu chỉ riêng Pleiku ngày ấy, bây giờ người ta đi hàng nửa tiếng chưa hết phố chứ đâu còn “đi dăm phút lại về chốn cũ” nữa, nhưng Phố núi vẫn nguyên cái duyên đã nói.
Vậy nên, đừng hỏi tôi Pleiku có gì mà khiến biết bao người phải lòng như thế, bạn hãy cứ đến nơi này một lần rồi sẽ cảm nhận được...
NGUYỄN SƠN

Có thể bạn quan tâm

Phú An chuyển mình

Phú An chuyển mình

(GLO)- Từ vùng quê nghèo đói ngày nào, Phú An trở thành một trong những xã đầu tiên của huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) “về đích” nông thôn mới.
Pleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

E-magazinePleiku hướng đến đô thị hiện đại, giàu bản sắc-Kỳ 1: “Đất lành chim đậu”

(GLO)-Sau ngày giải phóng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân thị xã Pleiku đã chung sức, đồng lòng vượt qua khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ để kiến thiết, xây dựng quê hương. Từ một thị xã hoang tàn sau chiến tranh, Pleiku đã phát triển mạnh mẽ và trở thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh.
Anh Nay Thuế (buôn Chư Jut) vui vẻ khi mùa đầu tiên trồng cây thuốc lá thành công cho thu nhập cao hơn so với trồng cây mì. Ảnh: Lê Nam

Chư Gu chú trọng công tác giảm nghèo bền vững

(GLO)- 

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương và Mặt trận, hội đoàn thể xã Chư Gu (huyện Krông Pa) đã triển khai nhiều giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

Mùa vàng trên đồng làng Ia Pết

(GLO)-Những ngày này, người dân làng Ia Pết (xã Ia Pal, huyện Chư Sê) đang tất bật bước vào vụ thu hoạch lúa Đông-Xuân tại cánh đồng bậc thang của làng. Đây được xem là cánh đồng đẹp nhất của người Jrai tại xã Ia Pal vào mùa gặt. 

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.