Màu khói

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Màu khói thường gợi một cái gì man mác, tĩnh lặng, mơ màng và hơi buồn. Ví như màu trong đôi mắt buồn u uẩn của ai đó, màu trên mái tóc của ông bà, cha mẹ hay trên chính mái tóc mình sau biết bao năm tháng ngược xuôi giữa cuộc đời. Còn màu khói bảng lảng trong cái gió chiều trên cánh đồng quê hay một nếp nhà, thôn xóm lại là hình ảnh đi vào ký ức của tất cả những ai từng lớn lên ở miền quê.
Tôi lớn lên ở một làng quê thanh bình. Sáng nào cũng vậy, má tôi thường dậy sớm nhen lên những ngọn lửa bếp trước khi những chú gà trống kịp ra khỏi chuồng. Làn khói len qua mái bếp đơn sơ quyện cùng hơi sương la đà trên mái nhà, hòa vào nhau tạo nên một màn khói sương ấm áp, đặc biệt vào buổi sáng đông lạnh. Những làn sương khói ấy tan dần theo ánh mặt trời, làng quê lại rộn rã khi nhịp sống của một ngày mới bắt đầu. Với người dân quê tôi, nhất là khi vào mùa, bữa trưa thường được đem theo và ăn trên cánh đồng, những đứa trẻ đủ lớn thường giúp ba mẹ nấu cơm, trông em và tự lo cho nhau suốt ngày.
Chiều nơi làng quê luôn là những hình ảnh đẹp, gợi bao xúc cảm. Từ khắp cánh đồng, người người lũ lượt kéo nhau về, cười nói rôm rả. Từng đàn bò đủng đỉnh trở về sau một ngày no cỏ trên các gò đồi. Những em bé chăn bò theo sau, cười đùa hớn hở, trêu chọc nhau. Buổi chiều, gian bếp lửa mỗi gia đình lại được đốt lên để làn khói ấm lại lan tỏa ấm áp. Màu khói từ các bếp củi, bếp rơm vấn vít bay vào không trung. Từ quanh xóm, khói từ những đống lá rụng được đốt lên tạo thành những cột khói lớn mà tụi con nít thường nhìn theo, tự hỏi không biết nó có bay tới trời không.
Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Từ những nếp nhà nhỏ bé nép mình dưới những vườn cây trái xanh um, những làn khói bếp vương vấn theo các mái lá đơn sơ của những gian bếp rồi tỏa ra xung quanh một mùi hương nồng nồng, một hình ảnh êm đềm bình dị. Vui nhất là vào những ngày gặt lúa. Sau một ngày cắt, đập, lúa chắc được dồn vào bao đem về để chuẩn bị phơi. Những đống lúa lép được dồn lại và chờ dịu nắng để đốt. Đống lúa lép vẫn còn sót hạt chắc, và tụi nhỏ lại thích thú đứng xung quanh chờ những hạt thóc chắc bung ra thành những hạt nổ ngon lành. Mùi thơm của rơm mới, của mùi lúa cháy, tiếng nổ lép bép vui tai từ những đống lép tạo nên một khung cảnh đồng quê êm ái, tạo trong lòng những đứa trẻ thơ một tình cảm thiết tha với nơi mình lớn lên.
Năm tháng trôi qua. Những bếp rơm, bếp củi ngày nào giờ đã thay bằng bếp gas, bếp điện. Nhưng chiều nay, trên vùng đất mới có những cánh đồng rộng lớn mênh mông, tôi lại bắt gặp màu khói ấy, mùi hương cay nồng ấy. Lẫn trong những đám ruộng xanh rì sóng lúa, rập rờn cò trắng bay là những thửa ruộng đã gặt xong, những đụn rơm đang được dọn dẹp lại và đốt. Khói chỉ bảng lảng xa xôi thôi mà sao mắt bỗng cay xè. Màu khói như gọi về từ một miền cổ tích những ngày thơ dại êm đềm bên mái nhà quê nép giữa ruộng vườn. Màu khói chiều quê, lãng mạn và thân thương biết chừng nào!
NGUYỄN THỊ THÚY ÁI

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...