Bên bến sông Yên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chị về nhà anh bằng lối cửa sau, khép nép trong tà áo dài hồng chật căng, ôm bó hoa vụng về che cái bụng đã mây mẩy, đi bên chồng mặt cứ cúi xuống giấu nỗi ngượng ngùng. Má chồng chị ngoài sáu mươi, vóc người nhỏ thó, gương mặt khắc khổ. Chồng chị kể, hơn bốn mươi năm làm vợ là hơn bốn mươi năm má tần tảo ở bến sông nuôi cả đàn con.

Đêm đầu tiên về làm dâu, trút hết mớ son phấn, áo quần trên người, chị xuống bếp đã thấy má xếp chồng chén bát vô cái mủng đem ra sau hè, thấy chị đứng xớ rớ, má xách vô xô nước, chỉ cây lau nhà gác bên hàng rào giọng chát ngầm: "Quơ cái nền nhà đi, làm chi cái tay cũng phải lẹ lẹ!". Má nói, không nhìn chị.

Cái thai đã bốn tháng còn hành, chị lau xong cái nhà quay qua thấy má đã rửa chén xong; chị ra hiên ngồi thở. Có tiếng anh gọi từ buồng trong: "Thôi nghỉ em, để đó mai làm!". Có cớ, chị sè sẹ đổ xô nước rồi vô buồng, chưa kịp ngồi xuống giường đã nghe tiếng má gọi giật: "Diệu à, đi ngâm lon nếp để còn nấu xôi ăn buổi mai, nhà ni không có cái lệ ăn hàng ăn quán".

Chị lẳng lặng xuống bếp, ngó trước ngó sau cũng không biết nếp má để ở đâu, má đứng gần đó nhưng chị không dám hỏi. Vừa xếp trứng gà vô vỉ, má vừa đẩy cái thùng sắt từ gầm chạn ra trước mặt chị: "Không biết phải hỏi, không hiểu phải học!". Chị xúc ba lon nếp vô cái nồi gang đem ra ảng nước sau nhà, bước đi mà nước mắt ứa ra. Đêm, lúc xung quanh đã yên ắng, chỉ còn tiếng con thằn lằn tắc lưỡi sau cánh cửa, chị mới đặt lưng xuống giường; chồng nằm bên cạnh ngáy khò khò từ lúc nào; chị ngồi cuối chân giường thầm thũi khóc. Đêm đầu tiên lạ nhà, chị không sao ngủ được, nhớ mẹ và đứa em ở nhà quay quắt.

Lúc đưa chị về nhà chồng, ra tới ngõ, mẹ dừng lại, kéo tay chị thủ thỉ "Mẹ không đưa con về bên đó được, nhà người ta chừ là nhà con...". Chị bịn rịn, nghe con mắt cay cay; quay đi, tay xách cái ống quần dài thượt lên cho khỏi vấp.

Thấy con gái ngày cưới không được đưa rước như người ta, mẹ dặm cái khăn vô con mắt đỏ hoe, quay đi còn dặn: "Về bên đó ráng sống cho tốt, đừng để người ta dắt về trả mẹ, mà… có trả thì về đây với mẹ".

Sáng sớm, chị thức giấc đã thấy má chồng xì xụp bên bếp lửa, nồi xôi đã chín từ bao giờ được ủ bên trên lớp lá chuối thơm lừng. Thấy chị, má không nhìn lên, lật đật sắp đôi quang gánh ra hiên, quay vô dặn: "Chợ làng sáu giờ là tan, mau ra kiếm con cá về kho, dưa muối trong khạp, đàn bà chửa không ai dậy quá năm giờ". Má quảy đôi gánh ra đầu ngõ còn quay nói vọng vô: "Trứng lấy ra xếp luôn vô vỉ, bà Sáu Khuê xóm trên dặn năm chục, coi đủ đem luôn cho bả".

Cái dáng gầy gầy của má khuất sau hàng chè tàu, chị nhìn theo khe khẽ thở dài, ngoài kia trời vừa hửng sáng, chị ngước nhìn rõ hơn căn nhà từ nay là nhà của chị. Cái mái đã mủn ra đen sì, tường vôi vữa loang lổ bạc phếch, trên rui mè, xà ngang, tiếng mối mọt kẽo kẹt, dưới nền đất một vệt mối dài đùn lên.

* * *

Chị bàn với chồng mở tiệm tạp hóa nho nhỏ trước nhà, chỗ này bên bến sông, đò ngang đò dọc qua lại dễ có khách, vừa cơm nước vừa chăn được đàn gà. Chị quay qua bàn với má, má không ư không hử gì, lát sau thủng thẳng: "Thì sức vóc chừng đó không mở tạp hóa làm chi ăn!". Chị lặng lẽ ra sau hè ngồi khóc.

Cuối ngày đi về, lúc nào trong gánh hàng của má cũng có gạo thơm, cá khô, nước mắm… Má lẳng lặng chất hết lên quầy cho chị, miệng lầu bầu: "Tạp hóa bên sông mà có cây kim sợi chỉ, cái bót đánh răng… mấy thứ nớ đói đâu ăn được".

Chị nghén, ngày hai dạo ói "mật xanh mật vàng". Người ta bầu bì ốm nghén mấy tháng đầu, đằng này chị còn nghén gần đến ngày đẻ; ngửi mùi nước mắm, mùi dầu phụng cũng nghén nhào đầu, nghe nồi cơm sôi trên bếp là ào ra sau hè ngồi ôm ngực thở, ăn thì chỉ rặt một thứ bắp luộc. Chị ăn bắp phải tính bằng chục, ăn thay cơm từ lúc mới cấn bầu tới lúc sắp đẻ. Thấy chị ốm nghén, má tỉnh rụi: "Nghén bắp còn đỡ, hồi xưa nghén thằng Thông tao còn bẻ cục gạch ra nhai, tối ngủ còn cạo luôn cái tường vôi bên giường ra nhấm". Chị khiêng bao gạo từ ghe ngoài ngõ vô tới hiên đã đứng thở, má lầm bầm: "Ngày xưa bầu thằng Thông, chiều đẻ, sáng tao còn gánh đất, gặt thêm sào ruộng chứ đâu như giờ".

 

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: Hoàng Đặng


Về nhà chồng bốn, năm tháng trời chị vẫn chưa quen nấu bếp củi, nồi cơm chỗ sống chỗ chín, nhìn chị mồ hôi mồ kê nhễ nhại, má đi qua thủng thẳng: "Cời tro bếp cho thoáng, lấy đũa sơ nồi cơm cái đã!". Ngày giỗ cha chồng, thấy chị run run cầm con dao không dám cắt cổ gà, má đi xuống cầm ba con gà vặn ngoéo cổ, vất ra sân tỉnh queo.

Gần đến ngày sinh con, chị xin về nhà mẹ đẻ để tiện bề chăm sóc, má lầm bầm: "Nhà nào cũng nhà, ở đây tao lo được hết!". Chị thầm thũi khóc, ở lại nhà chồng. Con Én được ba tháng má cũng chưa cho chị đụng tay vô nước: "Phải đủ ba tháng mười ngày, cứ đụng nước đi rồi già là biết, chân tay rớt ra hết, để đó tao giặt!". Ba tháng đầu, chị chỉ biết cá kho nghệ, thịt kho tiêu, thèm tô canh rau nhưng mới nói, má đã gạt đi: "Ăn vô cho mai mốt cái bụng ỏng ra, ai ngó cho được".

Mẹ con chị đủ ngày đủ tháng má mới cắt đặt việc nhà cho chị, vừa trông coi hàng tạp hóa vừa cơm nước. Mỗi sáng cất cái gánh lên vai, má quay lại dặn: "Bữa trưa nấu ba lon, má chưa về sắp bay cứ ăn trước". Má đi từ lúc tang tảng sáng, cái dáng lầm lũi trong sương, lần nào về cũng đã qua trưa, xới tô cơm ngồi ăn luôn dưới bếp, cơm còn lại trong nồi má xới vô cái âu đem đi cất.

Tưởng mình nấu hơi nhiều nên lần sau chị bớt gạo, má biết được nhảy lên la bai bải. Âu cơm má cất, chiều lại, chị lục lấy ra ăn nhưng không thấy, nhiều lần như vậy nên chị lấy làm lạ, bắt đầu để ý. Một lần, chị thấy má cho âu cơm vô quang gánh, gánh về bến dưới, chị tò mò đi theo, đến lều cỏ ven sông, thấy má dừng lại lấy âu cơm ra đưa cho thằng bé chừng mười lăm tuổi đang ngồi trong lều.

Hỏi người làng chị mới biết đó là thằng Đợi, từ lúc ra đời nó đã không được lành lặn như người ta, mặt mũi biến dạng, một bên mắt bị kéo sụp xuống tận gò má. Ông thằng Đợi làm nghề chèo đò, mất được hơn năm, giờ nó theo nghề ông, cả ngày ở bến sông, tối về lều cỏ. Những ngày sau đó ra bến, má đều đặn cho âu cơm vô gánh, chị đứng nhìn theo dáng má lầm lũi, tự nhiên nước mắt ứa ra. Từ lúc đó, đến bữa nấu cơm, chị đong gạo dư ra chút nữa. Có ai qua sông là mẹ đẻ nhắn chị bồng con Én về chơi nhưng từ bao giờ chị không còn muốn rời nhà chồng một bước, đi đâu cũng vội về.

Buổi chiều ngoài bến về, má than nhức đầu, chị ra vườn hái mớ lá xông nấu nước xông cho má. Má xông xong kêu khỏe ghê rồi đi nằm. Sáng sớm, chị thức dậy nhen lửa, khi nồi cơm đã sôi, quay qua thấy má vẫn chưa dậy, nghĩ má mệt nên chị để má ngủ. Bữa cơm dọn ra, con Én vô kêu bà nội. Má không còn dậy được nữa, má ra đi từ hồi đêm, nhẹ nhàng. Cầm bàn tay má lạnh ngắt, chị sụp xuống khóc còn hơn cái ngày cha mất. Ngày đưa má đi, thằng Đợi từ bến sông lao vô nhà khóc nấc. Má như linh tính sự ra đi đột ngột này, hôm chị đang đong dầu vô chai, má kêu chị vô buồng đưa cái túi rút: "Má còn nhiêu đây, con cất giùm má, riêng chỉ vàng ni má cho con Én sau lớn lấy chồng". Má lấy ra gói nhỏ đưa chị. Biết tính má, chị ngần ngừ rồi cũng cầm. Qua khe gỗ nứt của cánh cửa buồng, một vệt sáng lờ mờ rọi vô, bóng chị và má chìm trong bóng tối của gian thờ lập lòe hương.

***

Dỗ con Én ngủ, chị ra bến sông. Thằng Đợi vừa neo ghe bên cây sào, đi về phía lều cỏ, chân như lê trên cát, đầu gục xuống khiến mớ tóc rối xù lên như cái tổ quạ. Chị vô lều lấy âu cơm để lên cái giường tre. Thằng Đợi nhìn thấy âu cơm nó ôm mặt khóc nấc; chị xoa lên cái lưng gầy gò, an ủi nó mà mắt chị cay. Thằng Đợi ăn xong, chị lật đật ra về.

Buổi chiều, nhà ai đốt đồng khói rơm bay lên cay mắt, sương nhè nhẹ buông, chị kéo cái khăn trùm kín hai tai, chợt thấy nhớ má, thấy như bên bến sông dáng má đứng đó, gầy gò khắc khổ nhưng bền bỉ, dẻo dai, chèo chống cả gia đình đi qua bao năm tháng. Có tiếng gà nhói lên xa xa, trong màu chiều chập choạng, bến sông buồn hiu hắt, chị nghe gió từ sông đưa lên mùi tanh nồng, quyện trong gió mùi rạ đốt đồng ngún lên, ấm sực.

Truyện ngắn của VŨ NGỌC GIAO
(Dẫn nguồn NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...