Mái tranh quê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Có một thời, hầu như những mái nhà ở làng quê đều được lợp bằng tranh. Mái tranh rất gần gũi, thấm đẫm mồ hôi của người nông dân, gắn bó với làng quê từ bao đời, đã ăn sâu trong tâm thức người Việt.
Tấm tranh ở quê tôi được vắt từ rạ, vì cỏ tranh rất hiếm. Sau mùa gặt, nhà nào cũng lựa những bó rạ tốt nhất đem phơi, không để mắc mưa vì có nước vào rạ mau mục và mất màu. Khi rạ khô, sau khi giũ rạ xả rơm, còn lại thân rạ thẳng thớm màu vàng nhạt, người ta chặt tre chẻ nhỏ thành những cái hom dài khoảng 1,2 m rồi “đánh” tranh.
Đừng nghĩ rạ mềm sẽ mau hư! Độ bền của mái tranh phụ thuộc nhiều vào việc vắt tranh và lợp nhà. Để có một tấm tranh chắc và đẹp đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của người vắt tranh. Người ta bốc những lọn rạ rất đều đặn theo cảm giác của nắm tay, không được lọn to lọn nhỏ, vỗ gốc cho bằng, đưa vào hom thắt chặt thành tấm tranh cứng cáp, dựng lên có thể “đứng chững” được. Khi lợp, xỏ lạt cột chỗ hom tranh vào những cây mè trên mái cho kín, từng lớp tranh gối lên nhau không để lại kẽ hở, nếu không khéo sẽ bị dột. Khoảng cách giữa những cây mè càng ngắn thì mái tranh càng dày, có “tuổi thọ” lên đến chục năm.
 Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Mái tranh đi qua thời gian với nhiều trạng thái khác nhau. Buổi sớm mùa xuân, hạt sương li ti trên mái. Khi mặt trời lên, trông mái nhà như đang thở ra làn hơi trong biếc. Trưa mùa hạ nắng gắt, từng cọng tranh trở mình lách tách. Chái bếp là nơi làn khói nép mình đi qua lớp rạ, từng sợi uốn lượn nhạt dần rồi tan theo mây gió trong ánh hoàng hôn. Những đêm trăng sáng, mái tranh mềm mại là nơi ánh trăng trải lòng. Dưới trăng, mái tranh im lìm, trầm mặc như đầy ắp suy tư về cuộc sống làng quê!
Nhà tranh vách đất khí ôn hòa, mùa hè mát, mùa đông ấm áp ngay cả lúc còn tươi mới đến khi cũ kỹ, bạc màu. Vì thế, người già, trẻ con đều cảm thấy dễ chịu. Chim chóc cũng thường về làm tổ trên nóc nhà. Dù mưa to, gió lớn vẫn âm thầm chịu đựng! Tranh “lành tính” nên hứng nước mưa từ giọt tranh uống liền không sao. Nghe người già bảo đun sôi, pha trà uống rất ngon, tranh càng cũ cho ra hương vị nước trà càng đặc biệt? Nhớ có lần, trời mưa to, tôi hứng nước từ mái tranh nấu cơm, khi cơm chín có màu vàng.  Sau này mới biết là không được lấy nước từ những cơn mưa đầu mùa.
Mái tranh ôm ấp, che chở cuộc sống của người dân quê từ bao đời. Dưới mỗi mái tranh là một gia đình. Dù nhiều vất vả, có thể có cả khổ đau nhưng bầu không khí hàng ngày vẫn đầy ắp tình nghĩa, đầm ấm, yêu thương.
PHAN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.