Điều bình dị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chưa khi nào mà con người phải ở yên một chỗ lâu như thế này. Hơn một nửa dân số thế giới đang thực hiện giãn cách xã hội để bảo vệ cộng đồng và cũng là tự bảo vệ chính mình.
Những ngày nghỉ kéo dài, khái niệm thứ-ngày-tháng thoắt trở nên mơ hồ đến nỗi nhiều khi không còn nhớ được. Buổi sáng bắt đầu ngày mới bằng những thói quen mới. Có lẽ gần như thứ mà mỗi sớm mai ai cũng quan tâm là những thông tin về dịch bệnh, cùng đó là sự hồi hộp, lo lắng, xót thương đồng loại...
Sớm mai, không còn cảm giác tất bật chuẩn bị cho trẻ con đến trường, chúng nghỉ học cũng đã sang đến tháng thứ 3. Nếp sinh hoạt thường nhật bị đảo lộn, thấy ngày dài thật là dài. Cuộc sống quẩn quanh từ phòng khách xuống bếp, vào phòng ngủ. Hết đọc sách, xem phim, nghe nhạc đến tập thể dục, nấu ăn…, ai may mắn hơn thì có thêm một khoảnh vườn nhỏ để mở rộng không gian sống. Những việc trước đây không đủ thời gian thực hiện thì nay thỏa chí để làm. Có nhiều thời gian, người ta mới khám phá được nhiều điều ở bản thân trước đây chưa có dịp phát huy. Nhiều người tự nhiên thấy mình nấu ăn rất ngon, người thấy mình cắm hoa thật đẹp, người lại phát hiện ra ở mình khiếu hội họa, âm nhạc, may vá, thêu thùa… Tất cả mọi năng khiếu, sở trường đều được đem ra ứng dụng. Cuộc sống không phải chậm lại nữa, mà có cảm tưởng như thời gian cứ đặc quánh lại, trôi đi một cách rất từ từ.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Mỗi sớm, vẫn tự tay pha một tách cà phê thơm để duy trì thói quen cũ cho một ngày dài mải mê cùng công việc. Ngồi bên cửa sổ nhấp từng ngụm cà phê, ngắm nhìn những đóa hoa đang đượm sắc hương, chợt vu vơ nhớ một góc phố quen mùa này đang độ rực rỡ. Lưng chừng tháng tư rồi nhỉ! Cái khoảng giao mùa này luôn ẩn chứa điều gì đó thật đặc biệt, giữa hạ và xuân, giữa mưa và nắng, thứ gì cũng lưng lửng nửa như có, nửa như không. Những cơn mưa đầu mùa đã đổ xuống, hoa bằng lăng bên phố đã tím ngát một khoảng trời. Những cây muồng hoàng yến cũng bâng khuâng thả những chùm hoa như mây vàng lơ lửng bên những con dốc nhỏ. Vẫn hương vị cà phê ấy nhưng sớm nay sao như nhạt hẳn? Có lẽ là vì hương vị ấy phải được hòa vào với buổi mai thành phố ríu rít người xe qua lại. Vỉa hè còn ngái ngủ bởi những hạt sương đêm vẫn đang co mình dưới tán lá. Đôi chim nhỏ lích rích chuyền cành. Những hương vị, âm thanh ấy nhất định phải được hòa quyện cùng nhau mới nâng đỡ nhau thành những buổi sớm mai quen thuộc. Thành phố này bao giờ cũng chan chứa những khoảng lặng bình yên dành cho những người hướng nội như tôi. Và tôi đã nhận ra điều gì làm thành nỗi nhớ vu vơ của mình, khi nhấp ngụm cà phê nhàn nhạt sớm nay, dù vẫn là thứ đồ uống thân quen tôi hằng uống.
Đường phố chìm trong tĩnh lặng, chỉ khi có việc chẳng đừng, người ta mới ra khỏi nhà. Tôi gần như chỉ ra chợ mua thức ăn, vài ngày một lần. Cả người bán lẫn người mua khẩu trang kín bưng, chỉ có thể nhận ra người quen đang cười chào nhau khi nhìn thật sâu vào mắt. Ở góc chợ có người bán hàng cùng quê, tính tình xởi lởi, mọi khi thấy tôi đi từ xa đã cất tiếng chào mời. Nay thấy bà vắng bóng, có điều gì đó cứ lằng lặng đè lên ánh nhìn khuyết vắng khi nhìn về nơi này…
Rồi nhịp sống chắc chắn sẽ trở lại sự bộn bề thường nhật. Có lẽ, rồi sẽ có nhiều điều khác đi. Nhưng tôi vẫn tin chắc một điều rằng, mỗi chúng ta sẽ biết trân quý hơn những điều thật bình dị xung quanh cuộc sống của mình. 
ĐÀO AN DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

(GLO)- "Tự khúc" của tác giả Hà Hoài Phương là những chiêm nghiệm rất thực về cuộc đời. Sau cơn mưa trời lại sáng, không có điều gì tồn tại mãi, dù đó có là những niềm vui, hạnh phúc hay khổ đau...
Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...