Cần quảng bá và đầu tư Di tích quốc gia Plei Ơi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Pơtao Apui hay Vua Lửa là một hiện tượng tín ngưỡng độc đáo ở Tây Nguyên và Đông Nam Á. Năm 1993, làng Vua Lửa (Plei Ơi, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) được Bộ Văn hóa-Thông tin (nay là Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia. Tuy nhiên, đến nay, không nhiều người biết về di sản lịch sử-văn hóa này.
Nói một cách chính xác thì phần lớn những người quan tâm đều từng nghe hoặc biết Gia Lai là quê hương của Vua Lửa. Nhưng hiểu sâu hơn chút nữa, như có bao nhiêu đời vua, tên họ là gì, đời sống của từng người ra sao, họ đã làm gì trong những năm tháng “tại vị”... thì dường như sự hiểu biết vẫn còn bị bao phủ bởi một màn sương ít nhiều bí ẩn.
Hào quang rực rỡ
Qua tài liệu, chúng ta được biết: Năm 1471, sau khi chinh phạt Champa, Vua Lê Thánh Tông đã nhắc đến Nam Bàn, Vua Lửa và Vua Nước. Đến thời Nguyễn, sử sách viết về Tây Nguyên càng không thể không nhắc đến vùng đất được cai quản bởi các Hỏa Xá (Pơtao Apui/Vua Lửa), Thủy Xá (Pơtao Ia/Vua Nước). Nhưng có lẽ giai đoạn thực dân Pháp rồi đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, Vua Lửa được biết tới nhiều hơn cả. Đối với người Pháp và Mỹ có mặt tại Việt Nam thời kỳ đó, sau cái chết của quan binh Prosper Odend’hal dưới tay của Ơi At và những người Jrai trung thành, năm 1904, các Vua Lửa vừa là nỗi khiếp sợ vừa là đối tượng để họ tìm cách lợi dụng.
Gần đây, các cuốn sách của Jacques Dournes được dịch sang tiếng Việt, giúp người đọc có cái nhìn phong phú hơn về những vị “vua không ngai” này. Bao trùm lên cuộc đời thực của các Vua Lửa là những huyền thoại, kiểu như: sở hữu gươm thần tạo nên sức mạnh vô song, có tài gọi mưa hoặc khi các ông đi qua làng không ai dám nhìn, vì sợ hỏng mắt… Những người Jrai, Bahnar mà tôi đã hỏi đều thể hiện sự kính trọng, nể sợ đối với Vua Lửa, dù ngày nay họ có còn tin hay không. Theo họ, trong xã hội có nhiều biến động trước năm 1975, các Vua Lửa chính là một giá trị mang tính truyền thống, một điểm tựa để các cộng đồng tại chỗ và xung quanh có thể vượt qua nhiều khó khăn, thử thách.
Nhà trưng bày trong Khu di tích Plei Ơi. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Nhà trưng bày trong Khu di tích Plei Ơi. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Hào quang của các Vua Lửa được hình thành qua hàng trăm năm nên không dễ mất đi ngay. Là người hỗ trợ cố Bí thư Tỉnh ủy Ksor Krơn (Nguyễn Văn Sỹ) thực hiện hồi ký “Lớn lên nhờ cách mạng”, tôi đã hơn một lần nghe ông bày tỏ lòng thành kính đối với các Vua Lửa. Vậy nên, tôi cho rằng, trong sâu thẳm lòng mình, những người Jrai yêu quê hương vẫn dành cho các Vua Lửa một sự tôn trọng đúng mực.
Vì sao di sản Vua Lửa phôi pha?
Xã hội thay đổi đã có những ảnh hưởng rất đáng kể đến vị thế của huyền thoại Vua Lửa. Từ chỗ được các cộng đồng dân tộc thiểu số trong và ngoài buôn làng trọng vọng, Vua Lửa bỗng chốc trở nên lạc lõng với đời sống mới. Kinh tế khó khăn, hoạt động cúng bái, tế lễ, sinh hoạt cộng đồng hết sức hạn chế, nếu không muốn nói là ít được khuyến khích. Cùng với đó, sau khi vị vua chính thức mất một cách lặng lẽ (khoảng năm 1976), người kế nhiệm-Siu Luynh (đã mất) không đủ điều kiện và cũng không còn cơ hội để “đăng quang”, theo tục xưa.
Một nguyên nhân khác nữa khiến hiện tượng Vua Lửa hao mòn theo năm tháng là sự chuyển đổi từ tín ngưỡng truyền thống sang tôn giáo mới của các cộng đồng cư dân Jrai nơi đây trong những năm qua. Tại Plei Ơi hiện nay, số gia đình tin theo Yàng (thần linh) với các biểu hiện “vạn vật hữu linh” chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Năm 2015, khi tổ chức đón nhận danh hiệu Lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia do Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch công nhận, địa phương đã không thể huy động được số lượng người dân Plei Ơi ra tham dự sự kiện như mong muốn.
Làm gì để vực dậy di sản Vua Lửa?
Không thể nói khác, Di tích cấp quốc gia Plei Ơi đang phôi pha theo thời gian. Các yếu tố gốc của di tích không còn nhiều, quan trọng hơn, các hộ gia đình trong khu vực phần lớn đã chuyển từ tín ngưỡng đa thần sang tôn giáo mới, là những tác động trực tiếp và đáng kể nhất đến sự biến đổi này. Nguồn lực (kinh phí và con người) địa phương dành cho Plei Ơi chưa đáng kể so với tầm vóc của di tích. Ngoài ra, vì nhiều lý do, công tác quản lý di tích thời gian qua cũng còn những bất cập. Chẳng hạn, vắng khách tham quan, thiếu người hướng dẫn, thiếu cả danh sách các vị Vua Lửa trong nhà trưng bày... Nhưng dù thế nào, vẫn phải chung tay vực dậy di sản văn hóa độc đáo này.
Tại Quyết định số 380/QĐ-UBND ngày 29-6-2021 về việc ban hành Kế hoạch phát triển du lịch địa phương giai đoạn 2021-2025, UBND tỉnh đã nhắc đến Phú Thiện và Plei Ơi. Tôi cũng vừa đọc một văn bản liên quan của UBND huyện Phú Thiện. Theo đó, chính quyền địa phương đề nghị: Để bảo tồn, phát huy các giá trị của di tích nêu trên, từ nay đến năm 2025, Plei Ơi cần được đầu tư đối với các “dự án cấp bách” như: làm đường vào di tích (37 tỷ đồng), tái hiện 33 ngôi nhà sàn (33 tỷ đồng), bảo tàng văn hóa (14,5 tỷ đồng), không gian nhà mồ Vua Lửa (4,46 tỷ đồng), hồ sen (4 tỷ đồng), tái hiện lễ hội qua tượng bê tông cốt thép (3,4 tỷ đồng)…
Một góc nhà trưng bày trong Khu di tích Plei Ơi. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Một góc nhà trưng bày trong Khu di tích Plei Ơi. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ
Các dự án kể trên thể hiện tâm huyết và tầm nhìn của lãnh đạo địa phương. Tuy vậy, cá nhân tôi cho rằng, trong điều kiện cơ chế, chính sách và nhất là khả năng tài chính eo hẹp thì cần có thêm thời gian. Nhưng một việc địa phương có thể làm ngay cho di tích này, lại không tốn kém nhiều, đó là trồng thêm cây xanh.
Người viết bài này đã thường xuyên đến Plei Ơi trong nhiều chục năm qua. Có khá nhiều sách báo, phim ảnh về Vua Lửa được thực hiện cả ở trong và ngoài nước. Tuy vậy, vấn đề này ở Phú Thiện vẫn chưa được cập nhật. Thiếu tài liệu, công tác truyền thông yếu và chưa thực sự hướng đến những người trẻ là một trong những nguyên nhân khiến Plei Ơi không được nhiều người biết. 2 năm trước, Phú Thiện đã đầu tư làm truyện tranh “Huyền thoại Vua Lửa” song ngữ Jrai-Việt, có cả phần tóm tắt tiếng Anh, nhưng tiếc là số lượng in chỉ có 2 ngàn bản, trong khi toàn huyện có khoảng 16 ngàn học sinh, từ bậc tiểu học trở lên.
Nhìn từ góc độ dân gian, Vua Lửa là huyền thoại nhưng trên thực tế, các vị vua thần quyền này cũng là một phần của lịch sử địa phương. Trong ý nghĩa đó, sau gần 30 năm được công nhận, ngày nay, Di tích cấp quốc gia Plei Ơi cần tiếp tục được đầu tư, tôn tạo đúng cách.
NGUYỄN QUANG TUỆ

Có thể bạn quan tâm

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.