Đình làng Việt và câu chuyện bảo tồn văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ra đời trên 6 năm trước, câu lạc bộ Đình làng Việt đã phát triển mạnh mẽ với số thành viên hiện lên tới 19.000 người đăng ký tham gia nhiều lĩnh vực, nhiều nhất là 25-34 tuổi và không chỉ ở Việt Nam, nhiều thành viên hiện sống ở Mỹ, Hàn Quốc, Đức… Họa sĩ Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm câu lạc bộ đã chia sẻ với Báo Lao Động về sự phát triển của Đình làng Việt gắn liền với câu chuyện bảo tồn văn hóa truyền thống.
 
Hát xẩm trong Lễ hội văn hoá dân gian trong đời sống đương đại 2020 diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: V.V
Hát xẩm trong Lễ hội văn hoá dân gian trong đời sống đương đại 2020 diễn ra tại Hà Nội. Ảnh: V.V
Tầm quan trọng của không gian văn hóa làng
Đình làng Việt được thành lập vào ngày 1.9.2014 tại Hà Nội, với mục đích chính ban đầu là trao đổi thông tin, nghiên cứu kiến trúc đình làng nhưng về sau khi nhu cầu tìm hiểu văn hóa truyền thống của mọi người tăng lên, các hoạt động của câu lạc bộ ngày càng mở rộng hơn. Hoạt động ảnh hưởng xã hội đầu tiên của Đình làng Việt là hưởng ứng việc thực hiện công văn 2662 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ngày 8.8.2014 về không sử dụng biểu tượng, sản phẩm linh vật không phù hợp thuần phong mỹ tục Việt Nam.
Đình làng Việt đã vận động mọi người, quyên góp tiền của để loại bỏ các con sư tử ra khỏi các di tích văn hóa và thay thế bằng linh vật Việt là con nghê và thực hiện thành công ở đình làng Trạch Xá (Ứng Hòa, Hà Nội), Hồi quan (Từ Sơn, Bắc Ninh) cuối năm 2014, đầu năm 2015. Những chuyến đi điền dã các đình làng ở miền Bắc được Đình làng Việt tổ chức định kỳ, hồi đầu duy trì 1 chuyến/tháng, nay đã được 40 chuyến đi để phục vụ việc nghiên cứu kiến trúc đình, tiếp cận văn hóa làng. Một số hoạt động giao lưu với Huế, một số tỉnh miền Tây Nam Bộ cũng được tổ chức. Một số thành viên trong đó có TS Trần Đoàn Lâm - Giám đốc Nhà xuất bản Thế giới đặc biệt quan tâm tới văn hóa dân gian, âm nhạc dân gian… Năm 2015, nhóm Đình làng Việt đã kết hợp cùng một số nhà báo tham gia công tác phản biện trong việc trùng tu, tu bổ di tích văn hóa trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng.
Cũng trong năm 2015, một triển lãm ảnh “Đình làng Việt: những điều còn mất” trưng bày loạt ảnh về giá trị kiến trúc, đình làng, giá trị không gian văn hóa đình từ lễ hội đến phong tục tập quán. Và cũng đề cập cả đến việc trùng tu sai, ẩu, làm biến dạng không gian văn hóa làng.
Phát hiện ra không gian văn hóa làng là rất quan trọng, có bảo tồn được phong tục tập quán, các lễ hội thì mới bảo vệ được đình làng, họa sĩ Nguyễn Đức Bình và nhà nghiên cứu, TS Trần Hậu Yên Thế cùng triển khai một dự án để quảng bá không gian văn hóa làng.
Cùng với đó, Đình làng Việt triển khai chiếu chèo sân đình là những buổi diễn xướng dân gian tại đình làng (hát chèo, hát xẩm, hát cửa đình - gốc hát ca trù), thành lập giáo phường Đình làng Việt do NSND Đoàn Thị Thanh Bình - Giảng viên trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội làm chủ nhiệm, cho lớp trẻ trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng biểu diễn trong không gian văn hóa đình làng.
Hiện nay, Đình làng Việt tập trung vào 3 mảng hoạt động chính: Nghiên cứu về kiến trúc điêu khắc đình làng; nghiên cứu văn hóa dân gian và âm nhạc dân gian; quảng bá và phát triển áo dài truyền thống.
Sự đặc biệt của áo dài nam
Khi Đình làng Việt tổ chức và duy trì tạo ra hoạt động hằng năm Tết Việt ở đình để gắn kết các thành viên và tạo ra hoạt động mới trong không gian đình thì vấn đề trang phục cho lễ hội trở nên một nhu cầu bức thiết. Năm nay đã là năm thứ 5, Tết Việt được tổ chức và ở các lần trước, địa điểm diễn ra là đình So (Quốc Oai), đình Lệ Mật (Long Biên) và đình Hàng Bạc ( phố cổ Hà Nội). Theo Thanh Bình thì áo dài cách tân theo kiểu Ấn Độ một số năm gần đây nở rộ nhưng nó không hề phù hợp với bản sắc văn hóa Việt Nam.
Trong khi đó, chiếc áo dài nam truyền thống của dân tộc Việt chứa đựng nhiều yếu tố thẩm mỹ. Chiếc áo dài nam thể hiện người đàn ông Việt khiêm tốn, giản dị. Vẻ đẹp thẩm mỹ thể hiện ở nhiều yếu tố về cách may, cách mặc và vấn đề tạo hình từ những đường lượn, từ cổ tay chẽn khác với các trang phục khác. Cách mặc rất tinh tế, mặc áo trắng bên trong hở cổ trắng ra để sáng mặt, mặc quần trắng, đầu phải quấn khăn đen. Áo dài đàn ông Việt nếu may đúng kiểu không luộm thuộm, màu sắc sang trọng nằm bên trong, không phô ra bên ngoài (áo đen, lớp lót bên trong đỏ).
Khi tôi hỏi Bình liệu chiếc áo dài nam truyền thống còn phù hợp trong thời đại hôm nay, khi có người cho rằng “phong kiến hay cổ hủ”, Bình lắc đầu: Đó là vì quan niệm của những người chưa tiếp cận chiếc áo dài ngũ thân may đúng truyền thống mà chỉ nhìn qua lăng kính các trang phục biểu diễn ví như trang phục Quan họ, Tuồng, Chèo, Cải lương mà những trang phc này đã được cải biên từ những năm 1950. Nếu may đúng truyền thống, chiếc áo dài nam mặc rất hiện đại.
Để bảo tồn áo dài, Đình làng Việt đã tạo ra các sự kiện văn hóa, vận động mọi người may và mặc áo dài. Nhóm đã vào làng may áo dài Trạch Xá (Ứng Hòa) để tìm các nghệ nhân còn may được áo dài đúng theo truyền thống và tìm được nghệ nhân Đỗ Minh Tám, thuyết phục anh sau trở thành người đồng hành cùng Đình làng Việt.
Về hướng phát triển tiếp theo của Đình làng Việt, Nguyễn Đức Bình nói: “Mong muốn của tôi là nhóm tiếp tục đi sâu vào nghiên cứu, tập hợp được những nhà nghiên cứu, sáng tạo để tạo ra những sản phẩm văn hóa, giáo dục quảng bá trong cộng đồng, đặc biệt là những người trẻ. Không phải lớp trẻ quay lưng với truyền thống, thậm chí thế hệ 9X, 0X (sinh năm 2000) còn khát khao truyền thống, nhưng họ cần một sự định hướng”.
VIỆT VĂN (LĐO)

https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/dinh-lang-viet-va-cau-chuyen-bao-ton-van-hoa-869179.ldo

Có thể bạn quan tâm

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

Lễ bỏ mả: Cuộc trình diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc của người Jrai

(GLO)- Trong các nghi lễ truyền thống của người Jrai thì lễ bỏ mả mang đậm nét văn hóa dân gian, là lễ hội nổi trội nhất, hấp dẫn nhất và được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Theo quan niệm của người Jrai, lễ bỏ mả là ngày vui cộng cảm, ngày hội của cộng đồng.
Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

Yêu t'rưng như yêu tâm hồn xứ sở

(GLO)- 

Tròn 70 năm kể từ khi cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (làng Ơi H'Briu, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) mang chiếc đàn t'rưng giới thiệu đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước, loại nhạc cụ độc đáo ấy đã được quảng bá không ngừng.

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.