An cư cho hội viên cựu chiến binh nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, nhiệm kỳ 2017-2022, các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh đã hỗ trợ xây dựng mới 250 căn nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho hội viên nghèo (vượt 30 nhà so với chỉ tiêu đề ra), tạo điều kiện để hội viên an cư, từng bước ổn định cuộc sống.

Ông Lê Hữu Phong-Trưởng ban Kinh tế Hội CCB tỉnh-cho biết: Qua rà soát đầu nhiệm kỳ, toàn tỉnh còn 231 hộ hội viên đang ở trong những ngôi nhà tạm, nhà dột nát cần phải sửa chữa, xây mới. Trên cơ sở đó, Hội đã thống nhất chỉ tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ là xóa 95% nhà dột nát của gia đình hội viên (bình quân xóa 44 nhà/năm). Tuy nhiên, bằng nhiều chủ trương, biện pháp khác nhau, từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội đã vận động, hỗ trợ làm mới 250 ngôi nhà cho hội viên. “Hàng năm, số nhà dột nát cần sửa chữa, làm mới phát sinh khá nhiều. Nguyên nhân do nhà ở của hội viên được xây dựng lâu năm nên xuống cấp. Nhiều ngôi nhà ngay từ lúc xây dựng đã tạm bợ, không thể ở lâu”-ông Phong cho hay.

 Hội CCB huyện Mang Yang bàn giao nhà cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn ở xã Ayun. Ảnh: Kim Ngọc
Hội CCB huyện Mang Yang bàn giao nhà ở cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn tại xã Ayun. Ảnh: Kim Ngọc


Phần lớn kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà được trích từ nguồn Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” do cán bộ, hội viên đóng góp. Với hơn 34 ngàn hội viên, bình quân mỗi năm, nguồn quỹ thu về trên 600 triệu đồng. Hội CCB tỉnh căn cứ vào số lượng nhà cần xây mới ở từng địa phương để phân bổ nguồn kinh phí phù hợp và giao cho Hội cơ sở trực tiếp quản lý, theo dõi, hỗ trợ việc xây dựng, bàn giao nhà. Theo quy định, mỗi căn nhà phải đảm bảo kinh phí tối thiểu 50 triệu đồng, diện tích tối thiểu 32 m2 và đáp ứng tiêu chí “3 cứng”: nền cứng, khung cứng, mái cứng. Vì thế, ngoài số tiền do Hội hỗ trợ, gia đình còn đóng góp thêm.

Ngôi nhà sàn nhỏ trước đây của gia đình ông Siu Nhúc (làng Lân, xã Ia Kly, huyện Chư Prông) được quây bằng những tấm tôn lâu ngày hoen rỉ, rách lỗ chỗ. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình, Hội CCB xã đề xuất cấp trên xin kinh phí hỗ trợ và ngôi nhà 5 m2 đã hoàn thành, bàn giao cho gia đình sử dụng. Dọn vào ở trong ngôi nhà mới ngày 18-7, ông Nhúc phấn khởi cho biết: “Được tỉnh hỗ trợ 25 triệu đồng, con cái giúp thêm 30 triệu đồng và người làng góp công, góp sức, mình vui lắm! Cảm ơn các cấp, các ngành quan tâm; cảm ơn đồng chí, đồng đội giúp đỡ”.

Trong nhiệm kỳ 2017-2022, Hội CCB TP. Pleiku đã hỗ trợ kinh phí làm mới 20 ngôi nhà và sửa chữa 7 ngôi nhà cho hội viên khó khăn với tổng kinh phí 645 triệu đồng. Ông Nguyễn Kỳ Ngộ-Chủ tịch Hội CCB TP. Pleiku-cho hay: “Được sự đồng ý của Thường trực Thành ủy, từ năm 2019 đến nay, Hội không nhận kinh phí từ Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” do Hội CCB tỉnh phân bổ. Thay vào đó, Hội chủ động kêu gọi cán bộ, hội viên đóng góp thấp nhất là 15 ngàn đồng/hội viên/năm, đồng thời, huy động các nguồn lực khác. Từ năm 2021, Hội tăng khoản hỗ trợ lên 30 triệu đồng/nhà vì giá cả vật liệu tăng cao. Trong năm 2022, Hội đã hỗ trợ sửa chữa 2 nhà với số tiền 10 triệu đồng/nhà và dự kiến hỗ trợ làm mới 1 nhà với số tiền 40 triệu đồng trong tháng 10”.

Tương tự, hàng năm, Hội CCB huyện Ia Grai đều khảo sát, nắm bắt tình hình nhu cầu nhà ở của hội viên nghèo và lập phương án đề nghị Hội CCB tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng. Từ năm 2017 đến nay, tranh thủ nhiều nguồn hỗ trợ khác nhau, Hội CCB huyện đã xóa được 19 nhà dột nát cho hội viên khó khăn về nhà ở, giá trị thực hiện hơn 1 tỷ đồng. Hàng năm, Hội đều hỗ trợ kinh phí xóa nhà dột nát cho hội viên trong và ngoài huyện. Ông Nguyễn Ngọc Tuyến-Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ “CCB sản xuất-kinh doanh giỏi” tỉnh-chia sẻ: “Đi lên từ gian khó nên tôi hiểu rõ cái nghèo. Hiện tại, cuộc sống của tôi khá hơn một số đồng đội. Vì vậy, tôi muốn san sẻ, hỗ trợ anh em. Năm nay, tôi hỗ trợ làm 1 nhà cho gia đình hội viên ở xã Ia Krai. Hiện ngôi nhà đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng”.

Ngoài nguồn kinh phí do cán bộ, hội viên đóng góp, các cấp Hội còn vận động từ Câu lạc bộ “CCB sản xuất-kinh doanh giỏi” các cấp; các doanh nhân CCB trong và ngoài tỉnh; phối hợp với MTTQ và các đoàn thể chính trị-xã hội huy động. Đặc biệt, trong quá trình triển khai xây dựng nhà cho hội viên, để giảm chi phí, các cấp Hội huy động cán bộ, hội viên tham gia giúp đỡ ngày công lao động và nguyên vật liệu sẵn có.

Qua rà soát, toàn tỉnh hiện còn 107 nhà ở của hội viên CCB bị dột nát cần làm mới. Ông Nay Hứ-Chủ tịch Hội CCB tỉnh-cho biết: Hội phấn đấu mỗi năm xóa 40 nhà trở lên, kinh phí hỗ trợ 30-35 triệu đồng/nhà. Đến thời điểm hiện tại, Hội CCB tỉnh đã phân bổ nguồn kinh phí xây dựng 22/25 nhà từ Quỹ “Nghĩa tình đồng đội”. Đây là việc làm thiết thực, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của những người lính Cụ Hồ dành cho nhau. Ngoài việc giúp hội viên nghèo an cư, thông qua việc xây dựng nhà “Nghĩa tình đồng đội”, các cấp Hội còn góp phần chung sức cùng địa phương xây dựng nông thôn mới.

 

 ANH HUY

 

Có thể bạn quan tâm

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

Mô hình gắn kết hộ: Thiết thực, nhân văn

(GLO)- Năm 2006, Binh đoàn 15 bắt đầu triển khai thực hiện mô hình “gắn kết hộ” giữa hộ công nhân người Kinh và hộ công nhân người dân tộc thiểu số (DTTS). Đến nay, mô hình đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng-an ninh trên địa bàn biên giới.
Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

Kông Chro: Cộng đồng và hộ gia đình tích cực quản lý, bảo vệ rừng

(GLO)- Thời gian qua, huyện Kông Chro đẩy mạnh giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình quản lý, bảo vệ. Nhờ đó, huyện từng bước nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ rừng, đồng thời giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân sống gần rừng, nhất là hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Chiến trường xưa lưu dấu

Chiến trường xưa lưu dấu

(GLO)- Ngày 18-4, đoàn cựu chiến binh Ban Liên lạc truyền thông Đại đoàn Đồng Bằng (Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) trong chuyến về thăm chiến trường xưa đã tổ chức dâng hương tại Nghĩa trang liệt sĩ Đức Cơ và Nhà bia chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ.