Nhà vệ sinh công cộng, mối nguy dịch bệnh Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Nắm cửa, bệ bồn cầu tồn tại rất nhiều virus gây ra dịch bệnh, đặc biệt là dịch Covid-19, nên việc tẩy rửa, làm sạch nhà vệ sinh là rất quan trọng.

 

Rửa sạch tay thường xuyên là một trong những cách phòng Covid-19 hữu hiệu Ảnh: Duy Tính
Rửa sạch tay thường xuyên là một trong những cách phòng Covid-19 hữu hiệu Ảnh: Duy Tính



Liên quan đến lây nhiễm Covid-19 trên chuyến bay số hiệu VN0054 của Vietnam Airlines từ Anh về Hà Nội, ngày 9.3, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của TP.Hà Nội, ông Dương Trí Thành, Tổng giám đốc Vietnam Airlines cho biết các khu vực công cộng sử dụng chung thường có nguy cơ lớn nhất trong lây lan virus gây dịch Covid-19, đặc biệt là nhà vệ sinh.

Nhà vệ sinh là một trong những nghi vấn lây lan dịch bệnh nói chung và Covid-19 nói riêng. Tiến sĩ, bác sĩ Phùng Mạnh Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ với PV Thanh Niên về các nguy cơ lây nhiễm bệnh khi sử dụng nhà vệ sinh công cộng nếu không được vệ sinh kỹ.

Nhà vệ sinh... đảm bảo vệ sinh

Theo bác sĩ Thắng, nhà vệ sinh ở các khu công cộng, bệnh viện, nhà ga, bến tàu xe… phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện, vật dụng, như bồn cầu (có thêm bồn tiểu càng tốt), có bồn rửa tay, xà phòng rửa tay và khăn giấy dùng một lần. Ngoài ra, còn phải có bảng biểu kiểm tra thời khóa biểu làm vệ sinh của nhân viên vệ sinh.

Một nhà vệ sinh, tùy tần suất người sử dụng mà thực hiện vệ sinh bồn cầu, bồn tiểu, bề mặt… ở các mức độ khác nhau. Nếu tần suất sử dụng ít thì một ngày vệ sinh 2 lần. Nếu tần suất sử dụng nhiều thì phải làm sạch nhà vệ sinh thường xuyên. Như tại Bệnh viện Chợ Rẫy, số lượng người sử dụng đông nên phải cắt cử một nhân viên vệ sinh thường trực, khi có mùi là làm ngay, bệnh viện có 3 công ty vệ sinh phụ trách. Ngoài ra, bệnh viện còn thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn nhân viên vệ sinh sử dụng hóa chất phù hợp liều lượng, đúng cách.

Tuy nhiên, việc vệ sinh nhà vệ sinh phải đảm bảo đúng. Đó là sử dụng đúng hóa chất để diệt vi khuẩn, virus. Theo khuyến cáo của Bộ Y tế là sử dụng Cloramin B pha để lau bề mặt bồn rửa tay, kệ, sàn, nếu có người sử dụng nhiều thì lau nhiều lần như bến tàu xe. Đối với những nơi ô nhiễm nhiều như trong bồn cầu thì cần tăng thêm lượng Cloramin B.

Những vi khuẩn, vi rút có mặt trong nhà vệ sinh

Theo bác sĩ Thắng, các tác nhân gây bệnh do virus, vi khuẩn bệnh hiện diện ở khắp nơi, thường trú trên tay và trên bề mặt nhà vệ sinh như vi khuẩn gram âm, vi khuẩn gram dương, tụ cầu trắng, tụ cầu vàng… và các loại virus như nhóm đường ruột, đường tiểu, hô hấp hay virus Covid-19 tồn tại trên bề mặt rất nhiều.

“Do vậy, đối với các loại bồn cầu ngồi, cần vệ sinh bệ ngồi bằng Cloramin B, hóa chất sát khuẩn… nếu không lau bệ ngồi thì có nguy cơ lây nhiễm bệnh rất cao. Sau khi đi xong thì phải rửa tay”, bác sĩ Thắng nói.

Theo bác sĩ Thắng, một người vào nhà vệ sinh, nếu không có ý thức giữ gìn vệ sinh, gây văng vãi ra ngoài, không rửa tay nhưng sờ nắm cửa, khạc nhổ bừa bãi… thì sẽ gây lây nhiễm cho người khác. Do đó cần có ý thức giữ vệ sinh chung, nhất là trong thời điểm có đại dịch Covid-19 như hiện nay.

“Các nghiên cứu ở nước ngoài (Singapore) cho thấy nắm cửa, bệ bồn cầu tồn tại rất nhiều virus SARS-CoV-2 gây nên dịch Covid-19, nên tẩy rửa, làm sạch nhà vệ sinh là rất quan trọng”, bác sĩ Thắng chia sẻ.

 

Theo Duy Tính (thanhnien)

Có thể bạn quan tâm

Đức Cơ chú trọng chăm sóc sức khỏe người dân

Đức Cơ chú trọng chăm sóc sức khỏe người dân

(GLO)- Cùng với đầu tư về cơ sở vật chất và trang-thiết bị y tế, Trung tâm Y tế huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) còn tạo điều kiện cho y-bác sĩ được học tập nâng cao trình độ chuyên môn nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân.
Gia Lai: Kỳ tích nuôi sống trẻ sinh non chỉ nặng 500 gram

Gia Lai: Kỳ tích nuôi sống trẻ sinh non chỉ nặng 500 gram

(GLO)- Mang thai 27 tuần, chị N.T.D.L (thôn Kê, thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) đã chuyển dạ và sinh non. Bé gái chỉ nặng 500 gram được chuyển qua Bệnh viện Nhi Gia Lai để chăm sóc đặc biệt. Qua hơn 60 ngày chăm sóc, điều trị, cháu bé bước đầu đã có chuyển biến đáng mừng.