Nghiên cứu của Đức báo động thời điểm virus SARS-CoV-2 lây mạnh nhất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

"Phóng thích virus" - quá trình các tế bào virus nhân lên và lan rộng - xảy ra nhiều hơn trong những ngày đầu bị nhiễm virus SARS-CoV-2.
 

Virus SARS-CoV-2 lây mạnh nhất trước khi người bệnh phát triệu chứng. Ảnh: Sky.
Virus SARS-CoV-2 lây mạnh nhất trước khi người bệnh phát triệu chứng. Ảnh: Sky.


Những người nhiễm virus SARS-CoV-2 lây mạnh nhất trong giai đoạn đầu nhiễm virus và có khả năng là trước khi phát các triệu chứng, Sky News dẫn một nghiên cứu mới của Đức cho biết.

Nghiên cứu chỉ ra tại sao sự bùng phát virus SARS-CoV-2 và dịch COVID-19 do virus này gây ra lại lây lan nhanh khắp thế giới kể từ khi các ca nhiễm đầu tiên được phát hiện hồi cuối tháng 12 năm ngoái ở Trung Quốc cho tới nay đã có gần 120.000 ca nhiễm và 4.290 ca tử vong trên phạm vi toàn cầu.

Các nhà khoa học ở Berlin và Munich, Đức tiến hành nghiên cứu này bằng cách phân tích các dữ liệu lâm sàng từ các bệnh nhân được chẩn đoán mắc COVID-19 và kiểm tra bằng dịch họng của bệnh nhân.

Nghiên cứu của các nhà khoa học Viện Vi sinh học Bundeswehr cho thấy, lây lan có khả năng bị thúc đẩy bởi tốc độ phóng thích virus cao của virus SARS-CoV-2.

Điều này cho thấy, ngay từ khi bắt đầu nhiễm bệnh, virus tự nhân lên và sau đó lan sang các bộ phận khác trên cơ thể vật chủ hoặc môi trường nơi chúng có thể tiếp tục tiến trình lây lan.

Mức độ virus cao nhất được tìm thấy trong họng của các bệnh nhân ở giai đoạn nhiễm bệnh sớm nhất và trước khi họ cảm thấy không khỏe. Đây cũng chính là lúc người nhiễm virus có khả năng đi lại và ho, khiến virus lây lan.

Một loạt các mẫu được lấy từ bệnh nhân, gồm đờm, máu, nước tiểu và phân để xem liệu có khả năng phát triển virus trong môi trường nuôi cấy không bởi đây là dấu hiệu mạnh cho thấy liệu bệnh nhân có còn lây nhiễm không.

Các nhà khoa học nhận thấy rằng, với các ca bệnh nhẹ, phóng thích virus thường ngưng lại ở hầu hết các bệnh nhân vào ngày thứ 5 khi nhiễm bệnh nhưng phần lớn việc lây lan đã xảy ra cho tới thời điểm ngày thứ 5 này.

Trong phần lớn các ca nặng, khi bệnh nhân bị viêm phổi do virus SARS-CoV-2, họ tiếp tục biểu hiện mức độ phóng thích virus cao cho tới ngày thứ 11.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đặc biệt nhận ra rằng, với những người chỉ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 ở mức độ trung bình, họ có thể không tái phát triển bất cứ tế bào virus nào sau ngày thứ 8 nhiễm virus, theo kết quả kiểm tra mẫu đờm từ họng của người bệnh.

Theo một nghiên cứu khoa học lớn mới công bố, mất trung bình 5 ngày để bệnh nhân phát các triệu chứng mắc COVID-19.

Các nhà khoa học cảnh báo, ngay cả khi việc lây lan virus SARS-CoV-2 giảm bớt khi chuyển từ mùa xuân sang mùa hè, việc giảm không có nghĩa là đã chấm dứt bùng phát bởi dịch có thể đạt đỉnh vào mùa đông tới.

Các nhà nghiên cứu ở Berlin và Munich lưu ý rằng, phương pháp lây lan virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 rất khác với virus gây dịch SARS. Với SARS, virus chỉ lây lan sau khi virus đã lây nhiễm đến phổi của người bệnh.

Bởi việc phát tán virus SARS-CoV-2 đang diễn ra ở cổ họng cho thấy việc kiềm chế lây lan khó khăn hơn. Bệnh nhân đang lây lan các tế bào virus hơn khoảng 1.000 lần so với thời kỳ đỉnh điểm của dịch SARS, vốn lây nhiễm cho khoảng 8.000 ca.

Theo nghiên cứu mới này, các nhà khoa học cho rằng, tự cách ly sớm là hợp lý.

 

Theo Thanh Hà (LĐO)

Có thể bạn quan tâm