Những quy định mới về bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 được tổ chức bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật và thật sự là ngày hội của toàn dân, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật Bầu cử (BC) đại biểu Quốc hội (QH) và đại biểu HĐND, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-9-2015.

Cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội.
Cử tri bầu cử đại biểu Quốc hội. Ảnh: T.N

Luật BC đại biểu QH và HĐND bao gồm 10 chương và 98 điều, quy định về nguyên tắc BC; tuổi bầu cử; tuổi ứng cử; tiêu chuẩn của người ứng cử; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong công tác BC; dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bố đại biểu QH, đại biểu HĐND, đơn vị BC và khu vực bỏ phiếu, Hội đồng BC Quốc gia và các tổ chức phụ trách BC ở địa phương; danh sách cử tri, ứng cử và hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu QH và đại biểu HĐND; danh sách người ứng cử; tuyên truyền, vận động BC; nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu; việc kiểm phiếu, kết quả bầu cử ở đơn vị BC; việc BC thêm, BC lại, BC bổ sung, tổng kết bầu cử; xử lý vi phạm về BC…

Trước hết, Luật nêu rõ việc BC đại biểu QH và đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Bên cạnh đó, Luật BC đại biểu QH và đại biểu HĐND năm 2015 quy định Hội đồng BC Quốc gia do QH thành lập có nhiệm vụ tổ chức BC đại biểu QH; chỉ đạo, hướng dẫn công tác BC đại biểu HĐND các cấp. Tại Khoản 1 Điều 4 của Luật quy định: “QH quyết định ngày BC toàn quốc đối với cuộc BC đại biểu QH, BC đại biểu HĐND các cấp, quyết định việc BC bổ sung đại biểu QH trong thời gian giữa nhiệm kỳ; quyết định, thành lập Hội đồng BC quốc gia”. Điều 5 của Luật quy định: “Ngày BC phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày BC”.

Khoản 2, 3 Điều 8 của Luật đã quy định cụ thể về tỷ lệ phải có ít nhất 18% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu QH là dân tộc thiểu số và ít nhất 35% là phụ nữ. Số lượng phụ nữ được giới thiệu ứng cử đại biểu QH do Ủy ban thường vụ QH dự kiến trên cơ sở đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Về dự kiến cơ cấu, thành phần và phân bổ số lượng người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND, Thường trực HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã dự kiến cơ cấu, thành phần, phân bổ số lượng người được giới thiệu để ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã trong đó bảo đảm có ít nhất 35% tổng số người trong danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu HĐND là phụ nữ; số lượng người ứng cử là dân tộc thiểu số được xác định phù hợp với tình hình cụ thể của từng địa phương.

Mặt khác, Luật BC đại biểu QH và đại biểu HĐND năm 2015 chú trọng hơn về quy định tiêu chuẩn của đại biểu QH và đại biểu HĐND so với luật cũ. Các tiêu chuẩn này đều được liên hệ với Luật Tổ chức QH và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Trong đó như yêu cầu về trình độ chuyên môn, có sức khỏe, có kinh nghiệm công tác và uy tín... Như vậy, trên cơ sở các quy định về tiêu chuẩn của đại biểu QH và đại biểu HĐND, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được quyền giới thiệu người ra ứng cử đề cao trách nhiệm, giới thiệu những ứng cử viên tiêu biểu, có độ tuổi thích hợp, có đủ đức, đủ tài để cử tri có điều kiện lựa chọn những người thật  sự xứng đáng làm đại biểu nhân dân, bảo đảm từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng và năng lực của đại biểu.

Bên cạnh đó, Luật còn quy định cụ thể việc vận động BC của người ứng cử được tiến hành bằng các hình thức gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử, thông qua phương tiện thông tin đại chúng... Điều 67 nêu rõ: Người ứng cử đại biểu QH trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu QH khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương nơi mình ứng cử và trên trang thông tin điện tử về BC đại biểu QH của Hội đồng BC quốc gia. Người ứng cử đại biểu HĐND trình bày với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nếu được bầu làm đại biểu HĐND khi trả lời phỏng vấn trên các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương và trên trang thông tin điện tử về bầu cử của Ủy ban BC.

Một điểm đáng lưu ý nữa là tại khoản 5 Điều 29 quy định những người đang bị tạm giam, những người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc cũng được ghi tên vào danh sách cử tri để BC đại biểu QH và đại biểu HĐND cấp tỉnh nơi người đó đang bị tạm giam, đang được giáo dục, cai nghiện bắt buộc. Như vậy, theo Luật BC đại biểu QH và đại biểu HĐND năm 2015, chỉ  những người đang bị tước quyền BC theo bản án, quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật, người đang phải chấp hành hình phạt tù và người mất năng lực hành vi dân sự thì mới không được ghi tên vào danh sách cử tri để BC đại biểu QH và đại biểu HĐND. Đây cũng là bước phát triển mới về nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền con người trong luật pháp nước ta hiện nay.

Thanh Nhật

Có thể bạn quan tâm

Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Đặng Phan Chung tặng quà cho bà Nguyễn Thị Sự (dân công hỏa tuyến, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện). Ảnh: Vũ Chi

Thăm, tặng quà thân nhân, chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa

(GLO)- Ngày 2-5, đoàn công tác do ông Đặng Phan Chung-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai làm trưởng đoàn đã đến thăm, tặng quà gia đình thân nhân, chiến sĩ Điện Biên trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đang sinh sống tại các huyện Ia Pa, Phú Thiện và Krông Pa.