Bạn cũ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đồng hành trong cuộc sống của mỗi chúng ta là những người bạn. Từ lúc biết giao tiếp, con người bắt đầu biết kết bạn. Có những người bạn từ lúc chập chững biết đi, bạn hàng xóm, bạn cùng lớp cùng trường thời mẫu giáo, tiểu học, trung học, đại học và trong cuộc sống sau này. Có những người bạn vẫn bên nhau dù năm tháng đi qua, nhưng cũng có những người vì lý do nào đó mà không còn liên lạc trong một thời gian dài. Họ trở thành bạn cũ. Bạn cũ nhưng kỷ niệm thì không cũ. Và trong thời đại ngày nay, khi mạng xã hội, các phương tiện liên lạc ngày càng phổ biến thì những người bạn cũ trong một lớp học, một xóm nhà xưa thường có khuynh hướng tìm về bên nhau để ôn lại chuyện buồn vui thời trẻ dại.
Khi ta lớn dần lên thì những mảng ký ức, những kinh nghiệm sống cũng dày dặn theo. Trong vùng ký ức được lưu giữ ấy có ngày thơ bé mong mẹ đi chợ về để được nhận quà vặt; những ngày lang thang cùng bạn bè hàng xóm bắt chuồn chuồn, châu chấu hay hái cây trái quanh nhà. Ký ức tuổi học trò thường rõ nét nhất với những ngày cùng bạn đến trường, cùng học, cùng chơi bao nhiêu là trò tinh nghịch. Nhớ cô bạn ngồi gần bên vẽ rất đẹp, cứ mỗi giờ vẽ lại giúp mình họa những nét chính để mình chỉ việc đồ lại và tô màu. Nhớ đám bạn trai trong lớp hay xé giấy làm máy bay hay lén chơi ca rô khi thầy cô không để ý.
Những kỷ niệm ấy tưởng đã ngủ yên thì sau bao nhiêu năm lại trở về sống động khi những đứa trẻ ngày nào giờ đã lên tuổi ông bà được gặp lại nhau. Ngỡ ngàng nhận ra bao vết tích thời gian đã làm thay đổi diện mạo những người bạn năm nào. Có những ngập ngừng, ngờ ngợ, nhưng chỉ cần nhắc đến chuyện xưa là mọi thứ quen thuộc lại trở về. Bạn cũ mà không cũ, mọi kỷ niệm vẫn còn tươi nguyên như thể chưa hề có một khoảng thời gian dài ngăn cách. 
 
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Ảnh minh họa (nguồn: INTERNET)
Có một thời gian khó, cơm không đủ ăn, chăn không đủ ấm. Có những người bạn đã cùng nhau đi qua những ngày nhọc nhằn ấy. Dù thời gian đem đến tuổi già, bệnh tật, nhiều thứ mới xảy ra thì quên ngay mà “chuyện ngày xưa” thì không thể nào quên được. Bạn cũ của tuổi học trò còn gắn với một thời vô tư, trong sáng nhất khi ta có người cùng những chí hướng, cùng chia sẻ ước mơ, hoài bão tương lai. Tình bạn tuổi học trò vì vậy thường gắn với những kỷ niệm đáng yêu, đáng nhớ, theo ta đến suốt cuộc đời.
Bạn cũ, trường xưa. Những phút giây họp mặt ngắn ngủi rồi cũng qua nhưng trong tim mỗi người, những tình cảm gắn bó ấy sẽ còn mãi, để người ta thấy rằng những ngày mình đã sống thật tuyệt vời biết bao. Những cuộc gặp gỡ trong cuộc sống thường được gọi là “hữu duyên”.
Người xưa thường nói, tu trăm năm mới được đi chung trên một chuyến đò. Vậy nên, nếu có cơ duyên để gặp nhau một lần nào đó trong đời, đi cùng nhau một quãng đường tươi đẹp hẳn là điều vạn hạnh. Nếu có một ước muốn thiết tha, nhiều người sẽ mong được trở về cái thời hoa mộng ấy. Thời gian không thể trở lại, nhưng những kỷ niệm vẫn đong đầy là bằng chứng cho một thời rực rỡ đã qua.
NGUYỄN THỊ THÚY ÁI

Có thể bạn quan tâm

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

Gương mặt thơ: Phạm Thùy Vinh

(GLO)- Thường thì người Nghệ hay đi làm ăn xa và họ thành đạt ở đấy. Văn nghệ sĩ lại càng thế. Là tôi nhận ra điều này từ những người bạn văn của mình, tất nhiên, vẫn có ngoại lệ hoặc có thể tôi sai.
Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.