Phó tổng tham mưu trưởng nói về việc 'điều động quân đội lớn nhất sau chiến tranh'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Trung tướng Ngô Minh Tiến cho rằng việc quân đội, công an đã điều động một lực lượng lớn chưa từng có kể từ sau chiến tranh là quyết định bước ngoặt để giúp kiểm soát dịch Covid-19 ở miền Nam một thời gian ngắn sau đó.

Câu chuyện này được trung tướng Ngô Minh Tiến, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Phó trưởng Ban chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía nam, chia sẻ tại buổi tọa đàm "Nhìn lại 2021 - Những chuyển hướng chiến lược" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều nay 4.1.
 

Trung tướng Ngô Minh Tiến. Ảnh: Nhật Bắc
Trung tướng Ngô Minh Tiến. Ảnh: Nhật Bắc


Tướng Tiến kể trước tình hình dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 tại TP.HCM và các tỉnh phía nam diễn biến phức tạp, biến chủng Delta lây lan rất nhanh và sâu trong cộng đồng, đặc biệt là số ca tử vong ngày càng tăng nhanh, các địa phương phía nam có đề nghị Chính phủ ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh nhằm kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía nam.

“Đây là đề nghị hết sức cân não, không chỉ cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ mà còn cho các cơ quan, bộ, ngành, chức năng”, ông Tiến nhớ lại, và kể tiếp, khi ấy Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ nhận thấy có mấy vấn đề cần phải quan tâm, sau nhiều lần họp và làm việc trực tiếp với các địa phương, chuyên gia, các cơ quan quản lý nhà nước về công tác phòng chống dịch, và thực tế trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía nam.

Đó là, thứ nhất, nếu áp dụng Chỉ thị 16 tăng cường trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh phía nam thì sẽ rất khó khăn cho công tác kiểm soát, ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh, bởi với thành phố đông dân như thế, không có lực lượng nào bảo đảm được việc giãn cách xã hội, phường giãn cách phường, nhà giãn cách nhà.

Vấn đề thứ hai là bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là nhu yếu phẩm cho người dân.

Thứ ba là hệ thống y tế của TP.HCM và các tỉnh phía nam không đủ sức để bảo đảm phân tầng điều trị và giải quyết các vấn đề về xét nghiệm và chữa trị cho các bệnh nhân theo phân tầng điều trị như hướng dẫn của Bộ Y tế.

“Tôi thấy đề nghị của các địa phương cũng có lý do của họ. Nhưng trên cơ sở cân nhắc và phân tích các yếu tố, sự tham mưu của Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng, bám sát vào mục tiêu đặt ra là tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, Thủ tướng đã ra quyết định rất kịp thời, quyết đoán là sử dụng một lực lượng có lựa chọn, chủ yếu là y tế, quân đội, công an để chi viện cho các tỉnh phía nam tham gia phòng chống dịch”, ông Tiến nói, và cho rằng đó là lần điều động lực lượng, phương tiện lớn chưa từng có kể từ sau chiến tranh.

Theo Phó tổng tham mưu trưởng, đây chính là quyết định có tính bước ngoặt để sau đó một thời gian ngắn (khoảng 3 tháng), chúng ta đã kiểm soát, ổn định tình hình dịch bệnh.

 

Hạn chế quyền công dân không phải vì chính quyền mà vì người dân trước hết

Ông Tiến cũng cho hay có rất nhiều ý kiến hỏi ông tại sao không ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh. “Mình không áp dụng biện pháp khẩn cấp, nhưng mình vẫn thành công bởi xuất phát từ mục tiêu nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta, là đặt tình mạng, sức khỏe của người dân trên hết, trước hết. Tất cả các biện pháp áp dụng để kiểm soát dịch, mặc dù có hạn chế ở quyền con người, quyền công dân thì người dân thấy mục đích này không phải vì chính quyền, Nhà nước, hệ thống chính trị mà trước hết vì người dân. Cho nên người dân đồng lòng ủng hộ”, ông nhận định.

Chia sẻ thêm trước câu hỏi “ấn tượng nhất điều gì trong nhiều tháng trực tiếp chỉ đạo các đơn vị Quân đội chi viện cho TP.HCM, các tỉnh phía nam” của TS Nguyễn Sỹ Dũng, trung tướng Ngô Minh Tiến nói "3 tháng đi từng khu phố, đến từng người dân, chúng tôi mới cảm nhận được một điều là lòng yêu nước, sự đoàn kết".

“Lúc ấy không kể phân biệt giàu nghèo, không kể là người ở TP.HCM hay các tỉnh, đều có lòng nhân ái tương trợ giúp đỡ lẫn nhau. Lòng tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn là một truyền thống của dân tộc mà tôi cho rằng vừa rồi đã thể hiện rất sinh động ở TP.HCM, địa bàn các tỉnh phía nam”, ông Tiến bày tỏ.

 

Hồi tháng 9.2021, trả lời câu hỏi của báo chí ở Họp báo Chính phủ, thiếu tướng Nguyễn Văn Đức, Cục trưởng Cục Tuyên huấn Bộ Quốc phòng, cho hay tính đến đợt dịch thứ 4, Bộ Quốc phòng đã điều hơn 120.000 cán bộ, dân quân để tăng cường cho phía nam.

Còn trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an cho biết lực lượng công an vào hỗ trợ chống dịch các tỉnh phía nam là 100.000 lượt.

Theo CHÍ HIẾU (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.