Tuyển quân năm 2022: Chú trọng chất lượng chính trị và sức khỏe

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo dự báo, năm 2022, công tác tuyển quân sẽ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Để đảm bảo chỉ tiêu tuyển quân, các địa phương đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị.
Nhiều khó khăn
Năm 2021, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự tỉnh phân công các thành viên trực tiếp phụ trách địa bàn để chỉ đạo công tác giao-nhận quân. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động để công dân hiểu được trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia nghĩa vụ quân sự. Theo đó, toàn tỉnh đã đăng ký lần đầu cho 12.592 công dân nam đủ 17 tuổi. Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các cấp đã phát lệnh gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cho 8.717 chỉ tiêu, đạt tỷ lệ 3,8 người/chỉ tiêu; công dân đủ điều kiện sức khỏe để nhập ngũ là 3.795 người. Hội đồng Nghĩa vụ quân sự đã chốt quân số, phát lệnh gọi nhập ngũ 2.359 công dân, đạt 104,6% kế hoạch (trong đó dự phòng 4,6%).
Mặc dù việc giao quân đảm bảo đủ chỉ tiêu theo quy định nhưng vẫn còn một số khó khăn vướng mắc. Về vấn đề này, Đại tá Lê Kim Giàu-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh-cho biết: Năm 2021, tỷ lệ công dân gọi nhập ngũ có sức khỏe loại 1 và loại 2 còn thấp, chưa đạt 70%. Trong đó, thị xã An Khê giao quân không có sức khỏe loại 1; thị xã Ayun Pa sức khỏe loại 1 và 2 chỉ chiếm 31,1%, huyện Chư Păh 46,08%... Cùng với đó, tỷ lệ phúc tra ở các địa phương không quá 2% so với quy định, vẫn còn tình trạng bù, đổi quân với tỷ lệ 0,49%.
Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện Đức Cơ khám sức khỏe cho thanh niên thị trấn Chư Ty năm 2020. Ảnh: Huy Bắc
Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện Đức Cơ khám sức khỏe cho thanh niên thị trấn Chư Ty năm 2020. Ảnh: Huy Bắc
Hơn nữa, tỷ lệ công dân người dân tộc thiểu số tham gia nghĩa vụ quân sự cao hơn người Kinh. Lý giải về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Ia Grai Lê Ngọc Quý cho biết: Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều công dân người Kinh trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự có trình độ học vấn cao, đang đi làm ăn xa, có thu nhập ổn định không muốn về quê để thực hiện nghĩa vụ quân sự. Cùng với đó, nhiều công dân lợi dụng việc đi học ở các trường dân lập, chuyển hộ khẩu để tránh việc đăng ký nghĩa vụ quân sự.
Vào cuộc quyết liệt
Để công tác tuyển quân năm 2022 đạt được kết quả cao, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự tỉnh yêu cầu các địa phương thực hiện công tác rà soát, nắm chắc thực lực công dân trong độ tuổi nhập ngũ tại cơ sở. Trên cơ sở đó, chính quyền và các đoàn thể địa phương tích cực vận động thanh niên tham gia sơ tuyển. Công tác xét duyệt đối với thanh niên nhập ngũ được triển khai chặt chẽ từ cấp cơ sở. Ban Chỉ huy Quân sự các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế tiến hành sơ khám tuyển công dân nhập ngũ.
Nữ công dân huyện Đức Cơ lên đường nhập ngũ năm 2021. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Công dân huyện Đức Cơ chuẩn bị lên đường nhập ngũ năm 2021. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Tiến Đông: Các địa phương cần khắc phục những tồn tại để công tác giao quân năm nay đạt kết quả cao. Hội đồng Nghĩa vụ quân sự các cấp cần lên phương án khám, tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ trong tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cả hệ thống chính trị cần vào cuộc để tuyên truyền, vận động công dân lên đường nhập ngũ. Các công dân nhập ngũ phải được tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19. 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội đồng Nghĩa vụ quân sự tỉnh, năm 2022, việc tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ sẽ gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19. Đặc biệt, toàn tỉnh có hàng ngàn thanh niên trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đang bị kẹt lại ở các tỉnh phía Nam do dịch Covid-19. Ông Vũ Đình Hạnh-Chủ tịch UBND huyện Chư Prông-thông tin: Toàn huyện có hơn 600 công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự đang làm việc tại các tỉnh phía Nam. Chính vì thế, huyện phải đề ra phương án gọi công dân thay thế.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Đức Cơ Vũ Mạnh Định cho hay: Nhiều công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ đang làm việc và sinh sống tại các tỉnh phía Nam. Chính vì thế, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự của tỉnh có thể linh hoạt khám tuyển vào 2 đợt. 
Để công tác giao quân năm 2022 đạt kết quả, Đại tá Lê Kim Giàu cho rằng: Các địa phương khi tiến hành khám tuyển cần chú ý đến chất lượng chính trị của công dân nhập ngũ. Đối với những công dân nếu nghi ngờ về sức khỏe phải tổ chức khám tổng quát, khám chuyên sâu, không để khi giao cho các đơn vị phải trả về do sức khỏe không đảm bảo.
VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.