Mùa mưa trên chốt tuần tra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tây Nguyên đang vào mùa mưa dầm. Dù khó khăn, vất vả nhưng cán bộ, chiến sĩ bộ đội Biên phòng tỉnh vẫn miệt mài bám biên để canh gác, tuần tra và phòng-chống dịch Covid-19.
1. Ăn vội bữa cơm tối, Thượng tá Nguyễn Đức Hùng-Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) đưa chúng tôi lên các chốt tuần tra. “Trên này mưa bất chợt lắm”-Thượng tá Hùng nói. Chiếc xe của đơn vị chạy vòng vèo qua những con dốc theo đường tuần tra biên giới. Mưa bắt đầu nặng hạt, hành trình hơn 7 km rồi cũng kết thúc khi chúng tôi có mặt tại chốt tuần tra số 1. Đưa tay gạt những giọt nước mưa lăn trên gò má, Thượng úy Ksor Thun-Chốt trưởng-chia sẻ: “Đêm nay trời mưa lớn quá, ngập hết đường đi. Một số anh em đang tuần tra phải bám trụ ở các đường mòn, lối tắt chắc ướt hết cả rồi. Dù mưa nhưng anh em vẫn phải bám địa bàn, đường mòn, lối tắt, quyết không để có người xuất-nhập cảnh trái phép”. Chốt phòng-chống dịch số 1 nằm giáp ranh địa bàn huyện Ia Grai, có 6 cán bộ Biên phòng, 1 cán bộ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tăng cường và 1 dân quân. Hàng ngày, đội ngũ này chia thành từng tổ vừa trực chốt, vừa tuần tra, canh gác.
Mặc dù đã có nhà bán kiên cố do Bộ Chỉ huy xây dựng, nhưng trước cơn mưa mù mịt, gió rít lên từng hồi, căn nhà trở nên nhỏ bé giữa rừng sâu. Bỏ thêm ít que củi vào bếp lửa, Thượng úy Ksor Thun chậm rãi: “Với người lính Biên phòng chúng tôi thì mưa lớn chừng nào cũng vậy thôi, vẫn phải canh trực, sẵn sàng xử lý mọi tình huống xảy ra. Nhiều đêm mưa lớn, anh em phải bám trụ ở các đường mòn, lối tắt vì sợ kẻ xấu lợi dụng thời tiết để xuất-nhập cảnh trái phép”. Đêm về khuya, chúng tôi đành gác lại câu chuyện với những người lính trực chốt để anh em nghỉ ngơi mai làm nhiệm vụ. Nằm trên giường tôi vẫn nghe tiếng gió rít, nhìn qua ô cửa sổ ngoài kia mưa trắng trời, giữa rừng sâu thăm thẳm mới thấu hiểu được những khó khăn, gian khổ mà những người lính miền biên viễn đang ngày đêm chống chọi.
Cán bộ, chiến sĩ chốt Cota (Đồn Biên phòng Ia Mơr) trên đường tuần tra. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Cán bộ, chiến sĩ chốt Cota (Đồn Biên phòng Ia Mơr) trên đường tuần tra. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Đại tá Trần Tiến Hải-Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh: Tỉnh hiện duy trì 27 tổ, chốt tuần tra bảo vệ biên giới và phòng-chống dịch Covid-19. Gần 2 năm nay, cán bộ, chiến sĩ đã kiên cường bám trụ với bao vất vả, gian lao nhưng họ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Vừa qua, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã đầu tư xây dựng 20 nhà bán kiên cố để cán bộ, chiến sĩ ở các chốt có chỗ nghỉ ngơi, đảm bảo sức khỏe yên tâm công tác.

2. Những ai đã từng đến xã biên giới Ia Mơr (huyện Chư Prông) đều biết đây là một trong những địa bàn vô cùng khó khăn, khi mùa mưa về thường xuất hiện lũ quét, sạt lở đất. Với những người lính ở Đồn Biên phòng Ia Mơr thì không chỉ thực hiện “nhiệm vụ kép” vừa bảo vệ biên giới, vừa phòng-chống dịch Covid-19 mà họ còn luôn sẵn sàng để cứu hộ, cứu nạn, giúp người dân khi có thiên tai xảy ra. Ngồi tại phòng trực chỉ huy, chuông điện thoại của Thiếu tá Nguyễn Trường Giang-Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ia Mơr reo lên: “Báo cáo thủ trưởng, trên chốt Cota trời đang mưa lớn, nước ngập một số đoạn đường, trang-thiết bị và quân số đều an toàn. Chúng tôi tiếp tục quan sát, tuần tra. Báo cáo hết!”. Gương mặt người chỉ huy Đồn có chút đăm chiêu, nhưng nhanh chóng trở về trạng thái bình thường, với khẩu lệnh dứt khoát: “Các đồng chí chú ý an toàn, tiếp tục theo dõi tình hình, kịp thời báo cáo chỉ huy mọi diễn biến. Chỉ huy Đồn sẽ có mặt tại chốt cùng các đồng chí”. Vừa đặt điện thoại xuống, anh vội yêu cầu trực ban bố trí xe để lên chốt. “Mùa này, mưa bất thường lắm. Ở đơn vị mưa nhỏ nhưng trên chốt mưa rất lớn, luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp”-Thiếu tá Giang chia sẻ. Đường lên chốt Cota thi thoảng có những đoạn dốc, nước ngập nhưng chiếc xe bán tải của đơn vị vẫn ì ạch vượt qua. Chốt Cota-nhiều người thường gọi vui là chốt “3 không”: không điện, không nước, không sóng điện thoại. Thiếu tá Nguyễn Văn Đại-Chốt trưởng-cho biết: “Anh em vừa ăn cơm trưa xong thì mưa ào ào đổ xuống, nước suối dâng lên. Chúng tôi phải chia ra nhiều hướng để kiểm tra, quan sát ở các con suối vì sợ bà con đi làm rẫy không về kịp. Ở đây, chúng tôi không những trực chốt, canh gác các đường mòn, lối tắt để bảo vệ biên giới mà còn sẵn sàng các phương án cứu hộ, cứu nạn vì địa hình này nhiều suối, đồi dốc đan xen trong rẫy của bà con. Nếu người dân đi làm rẫy bị kẹt lại do mưa lũ, mình phải có phương án cứu nạn kịp thời. Những năm trước, đơn vị nhiều lần triển khai lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn khi có mưa, lũ”.
Vừa tạnh mưa, những cán bộ chiến sĩ Chốt Cota lại ra canh gác ở đường mòn, lối tắt. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Vừa tạnh mưa, cán bộ, chiến sĩ chốt Cota (Đồn Biên phòng Ia Mơr) tiếp tục thực hiện nhiệm vụ canh gác. Ảnh: Vĩnh Hoàng
Kết thúc chuyến hành trình thăm các chốt phòng-chống dịch trong mùa mưa, trở về phố thị, trong tôi lại ùa về những ca từ trong bài hát “Một đời người một rừng cây” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai?”. Và thật đáng tự hào khi có những người lính Biên phòng chấp nhận gian khổ để bám trụ nơi tuyến đầu chống dịch. 
VĨNH HOÀNG

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.