Thiếu tá Vũ Đức Doanh: "Cầu nối" đối ngoại biên phòng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong vai trò phiên dịch ở Trạm Kiểm soát Biên phòng Cửa khẩu (Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), Thiếu tá Vũ Đức Doanh đã góp phần không nhỏ trong công tác đối ngoại biên phòng và quản lý, bảo vệ biên giới.
Gần 30 năm trước, công tác phiên dịch, nhất là phiên dịch tiếng Campuchia chưa thật sự phổ biến. Lúc đó, Vũ Đức Doanh-chiến sĩ của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã mạnh dạn đăng ký theo học tiếng nước bạn. Trước hết, anh học vì muốn gắn bó lâu dài với biên giới, góp sức mình cùng đồng đội bảo vệ vững vàng phên giậu của Tổ quốc. Xa hơn, anh muốn xóa bỏ rào cản ngôn ngữ, hiểu rõ hơn về phong tục, tập quán của đất nước có chung hơn 90 km đường biên giới với tỉnh để thực hiện nhiệm vụ ngày một tốt hơn. Sau 1 năm theo học, nhờ sự cần cù, cộng với năng khiếu vốn có, anh sớm thành thạo kỹ năng nghe, hiểu và nói lưu loát tiếng Campuchia. Tuy nhiên, để trở thành phiên dịch viên chính trong các buổi gặp gỡ, hội đàm giữa lực lượng bảo vệ biên giới hai nước, cũng như tham mưu lãnh đạo đơn vị, địa phương trong các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, anh ý thức bản thân phải không ngừng học hỏi, trui rèn. Tiếp tục 3 năm đèn sách, trong đó có 1 năm theo học ngay tại đất nước Chùa tháp đã giúp anh có nền tảng kiến thức và kỹ năng vững vàng.
Thiếu tá Vũ Đức Doanh (bên phải) nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích trong công tác phòng-chống dịch. Ảnh: Anh Huy
Thiếu tá Vũ Đức Doanh (bên phải) nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh vì có thành tích trong công tác phòng-chống dịch Covid-19. Ảnh: Anh Huy

Thiếu tá Doanh chia sẻ, có 2 dạng phiên dịch: nói và viết. Ngoài yêu cầu về vốn từ ngữ phong phú, dịch nói đòi hỏi người phiên dịch phải tập trung cao độ, khả năng phản ứng nhanh và trí nhớ tốt. Riêng với dịch viết, mặc dù không chịu nhiều áp lực về thời gian song lại yêu cầu phải có kỹ năng viết lách để trình bày văn bản dịch thuật rõ ràng, mạch lạc, chuẩn xác. Mặc dù gắn bó nhiều năm với công việc phiên dịch, song anh vẫn không ngừng tự học, tự rèn. Anh học qua sách báo, tài liệu, tra cứu các trang mạng xã hội, mở rộng các mối quan hệ để bổ sung vốn từ vựng, trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng phiên dịch. Bên cạnh đó, anh miệt mài rèn kỹ năng ghi nhớ và tốc ký. Thiếu tá Doanh cho hay: “Thông thường, trong các buổi làm việc, hội đàm với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn, mình đảm nhận công việc dịch đuổi. Tức là dịch ngay sau khi người phát ngôn kết thúc. Đôi khi người phát biểu quá nhanh hoặc quá dài, để dịch chính xác, mình phải vừa nghe, vừa quan sát và ghi chép. Có như thế mới đảm bảo độ chuẩn xác, góp phần vào kết quả buổi hội đàm”.

Thời gian này, dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, trong vai trò người phiên dịch, anh Doanh thường xuyên cập nhật tình hình diễn biến mới nhất về dịch bệnh phía bên kia biên giới để kịp thời báo cáo, tham mưu giúp chỉ huy các cấp, đặc biệt là chủ trương, chính sách của Chính phủ Campuchia đối với công tác phòng-chống dịch nói chung; các chủ trương đối với người Việt đang làm ăn, sinh sống cũng như các doanh nghiệp của Việt Nam đang đầu tư ở đó. Anh cũng là “cầu nối” trao đổi thông tin với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn về công tác lãnh, chỉ đạo của chỉ huy các cấp liên quan đến xuất-nhập cảnh, giải quyết các thủ tục liên quan để hành khách qua lại cửa khẩu thuận lợi. Mặt khác, trong quá trình tiếp nhận người Việt Nam làm ăn, sinh sống ở Campuchia nhập cảnh về nước, anh cũng tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện nghiêm quy trình về công tác phòng-chống dịch như: kê khai y tế, kiểm tra thân nhiệt, đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn…
Bên cạnh đó, được đơn vị phân công phụ trách giúp đỡ em Puih Kênh-học sinh lớp 6 (làng Pó Lớn, xã Pó Nhầy, huyện Oyadav, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia) trong chương trình “Nâng bước em đến trường”, hàng tuần, anh đều có mặt động viên, thăm hỏi. “Thời gian này, vì tình hình dịch bệnh không qua lại 2 bên biên giới được nhưng mình vẫn thường xuyên gọi điện thoại, trao đổi với người thân, chính quyền địa phương để nắm bắt tình hình, động viên cháu nỗ lực trong học tập. Hàng tháng, khi có tiền hỗ trợ, mình đều gọi điện thoại cho gia đình cháu đến khu vực cột mốc 30 để nhận”-Thiếu tá Doanh bộc bạch.
Nói về nhân viên phiên dịch của đơn vị, Thượng tá Nguyễn Đức Hùng-Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh-nhận xét: “Đồng chí Doanh có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng và là người phiên dịch tốt nhất trên tuyến biên giới của tỉnh. Đồng chí có bản lĩnh chính trị vững vàng, nhiệt tình trong công việc và luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Bản thân đồng chí luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, nói đi đôi với làm và là tấm gương để cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị học tập, noi theo”.   
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.