Bữa cơm trên chốt trạm biên cương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi đã từng vinh dự được ăn chung bữa cơm, được đi tuần tra biên giới với các chiến sĩ biên cương nhưng bữa cơm trên chốt trạm chống dịch Covid-19 hôm ấy có lẽ là ngon nhất trong đời.
Cái nắng tháng 4 của Tây Nguyên đã đẩy nhiệt độ vùng biên lên đến gần 40 độ C. Hình ảnh chiếc áo ướt sũng mồ hôi của chiến sĩ trẻ khi đi tuần tra, vác nước, nhặt củi đun nấu... ở chốt chặn vùng biên đã làm dấy lên trong lòng tôi bao nhiêu thương cảm và bấy nhiêu tự hào. Sau một vòng xe chạy quanh các chốt biên phòng dựng lên để kiểm soát dịch Covid-19, chúng tôi dừng chân ở chốt trạm xã Ia Nan (huyện Đức Cơ) lúc mặt trời vừa khuất sau rừng cao su. Lửa đã được nhen lên, những chiếc bếp kê tạm bằng 3 hòn gạch đã đun được nồi nước sôi để luộc món rau tập tàng mà chiến sĩ vừa hái từ rừng về. Bếp bên cạnh đượm than hồng đã dậy mùi thơm của cơm vừa chín tới. Lâu lắm rồi, tôi mới được hít hà cái mùi cơm nấu từ chiếc nồi gang trên bếp củi, mùi cơm thơm gợi nhớ cảnh yên bình của làng quê. Bữa ăn giản dị với món cá nục hấp rim mắm ớt, thịt ba chỉ kho tiêu, rau luộc và trứng chiên dưới ngọn đèn dầu loang loáng đêm rừng.
Mỗi chốt trạm thường có 3 chiến sĩ, 1 dân quân tự vệ và 1 công an viên trên địa bàn xã nơi Đồn Biên phòng đóng quân. Hễ xong việc về ngả lưng trên chiếc võng mắc giữa rừng là họ lại ngân vang khúc hát. Chiến sĩ nhỏ tuổi nhất đồn sinh năm 2000, mới tròn 1 tuổi quân vừa ăn vừa hào hứng kể về ngày đầu ngỡ ngàng với việc nhóm bếp. Viên gạch kê lệch đã làm nghiêng và đổ mất nồi nước sôi dùng cho việc chế mì tôm ăn sáng. Vẫn còn bẽn lẽn, cậu khẳng định: Bây giờ cậu không những nhóm bếp nhanh mà còn nấu cơm chín ngon. Những bước chân đi tuần tra của cậu bao giờ cũng mang về nhiều câu chuyện mới: từ việc xin tối nay tranh thủ đi bắt cá suối đến việc vạt rừng nào có rau ngon để hái mang về cho bữa ăn ngày hôm sau. Trong bữa cơm còn là câu chuyện bao nhiêu ca dịch bệnh đã được đẩy lùi, bao nhiêu hoàn cảnh éo le của các y-bác sĩ trong tuyến đầu chống dịch... Tất cả các chiến sĩ, ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của mình còn là tuyên truyền viên tích cực giúp bà con hiểu đúng, làm đúng quy trình nhằm tự bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình. Sau bữa cơm là những cuộc hội ý về việc ngày mai, dây bạt nào chùng cần tăng lại, phương án tránh mưa phòng những cơn mưa rừng có thể đến bất ngờ...
 Cán bộ, chiến sĩ một chốt trạm trên biên giới chuẩn bị bữa ăn. Ảnh: PHƯƠNG DUNG
Cán bộ, chiến sĩ một chốt trạm trên biên giới chuẩn bị bữa ăn. Ảnh: PHƯƠNG DUNG
Lại nhớ về chốt Kota nằm phía Nam đèo 500 ở xã Ia Mơr của huyện Chư Prông, còn gọi là chốt “ba không” (không sóng điện thoại, không điện thắp sáng, không nước sinh hoạt). Chiếc điện thoại được treo trên cây để nhận cuộc gọi nhỡ. Sau đó, chiến sĩ phải đi thêm chừng 3 km để đến vùng phủ sóng và gọi về Đồn nhận thông báo, nhiệm vụ của cấp trên giao hoặc thông tin của gia đình. Có chiến sĩ nhận được tin báo con sốt phải cấp cứu ở bệnh viện mà cũng đành bấm bụng động viên người nhà bình tĩnh chăm lo cho nhau, còn mình thì phải ở lại cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ. Rồi lại chuyện có chiến sĩ được tin người nhà mất nhưng không về được, đồng đội cùng nhau lập một ban thờ tại chốt trạm để viếng vong linh người thân đã khuất. Biết bao thiếu thốn, khó khăn, biết bao câu chuyện thương tâm mà kể. Tất cả gieo vào lòng tôi sự biết ơn đối với những hy sinh thầm lặng của những chiến sĩ biên cương.
Những giọt mồ hôi ướt đầm tấm áo xanh chiến sĩ ngay trong bữa cơm giữa rừng biên giới đã ám ảnh tôi về hình ảnh người lính trong thời bình: vẫn nụ cười lạc quan, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của cấp trên, nỗ lực cống hiến thanh xuân cho sự nghiệp bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Chúng tôi rời chốt trạm trở về Đồn Biên phòng lúc các chiến sĩ đang thử âm thanh cho buổi tuyên truyền ngày hôm sau. Đó là những câu khẩu hiệu giản dị, gần gũi với bất cứ người dân nào trong mùa dịch này như: “Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ trên mặt trận phòng-chống Covid-19”, “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, ai ở chỗ nào thì ở yên chỗ ấy”. Tiếng loa Biên phòng phát bằng 2 thứ tiếng Kinh-Jrai sẽ vang lên trên khắp các con đường làng để tuyên truyền đến từng hộ gia đình, từng người dân một cách kịp thời nhất, gần gũi nhất và hiệu quả nhất.
Còn đó những giọt mồ hôi chiến sĩ Biên phòng. Còn đó cái ấm áp của bữa cơm giữa rừng biên giới. Tôi không nhớ hết mình đã đi qua chốt kiểm soát thứ bao nhiêu của các đồn Biên phòng. Giấy khen, phần quà động viên dành cho những chiến sĩ có thành tích trong thực hiện nhiệm vụ phòng-chống dịch Covid-19 cũng khá nhiều. Nhưng với tôi, tất cả những chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại các chốt trạm này đều xứng đáng được ghi công trong tuyến đầu phòng-chống đại dịch.
THUẬN ÁNH

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.