Nghĩ về người lính thời bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tôi công tác trong quân đội đã hơn 15 năm, một khoảng thời gian không dài nhưng cũng đủ để hiểu phần nào những buồn vui, sướng-khổ của một người lính. Bạn tôi bảo: “Bộ đội thời bình lương cao, có nghề nào sướng bằng”. Nghe điều này, tôi chợt thấy chạnh lòng nhưng cũng không thể trách bạn, bởi hình ảnh bạn thường thấy gắn liền với cuộc sống người lính là những hệ thống doanh trại rộng lớn, khang trang, là hệ số lương cao hay những cuộc duyệt binh hoành tráng, quy mô…

Mọi sự so sánh về công việc này với công việc khác đều là khập khiễng, bởi mỗi ngành nghề đều có những đặc thù, vất vả, khó khăn riêng biệt.  Đúng là lương của lực lượng vũ trang cao song họ hầu như không có khoản thu nhập thêm nào khác. Bên cạnh đó, việc trực, công tác tại đơn vị chiếm phần lớn quỹ thời gian nên họ có rất ít điều kiện chăm sóc gia đình. Đơn cử như đơn vị tôi, hiện có gần một nửa số người hưởng lương chưa có nhà riêng, phải thuê nhà hoặc ở chung với bố mẹ.

 

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 40 (Quân đoàn 3) giúp nhân dân xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) dựng lại trụ hồ tiêu bị đổ sau cơn bão số 12.                Ảnh: V.D.H
Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 40 (Quân đoàn 3) giúp nhân dân xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang) dựng lại trụ hồ tiêu bị đổ sau cơn bão số 12. Ảnh: V.D.H

Chúng tôi thường nói vui với nhau, bài hát “Mời anh đến thăm quê tôi” của cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sáng tác từ năm 1954 mà đến nay vẫn còn nguyên giá trị bởi những câu hát rất chân thật về cuộc sống người lính: “Qua chín năm xông pha, đời vui tiếng hát câu hò, trở về làng, tôi vẫn nhớ, đời bộ đội quen với gian lao…”. Quả thực, cuộc sống người lính hiện nay vẫn còn nhiều vất vả, khó khăn mà khó có thể kể hết. Một lần dự sinh nhật con gái của đồng đội, khi hỏi cháu ước điều gì, cháu bé 5 tuổi bẽn lẽn nói: “Con mong được bố đón đi học về”. Ước mong của cháu bé thật giản đơn, nhưng đối với chúng tôi, đó là một sự xa xỉ. Chuyện gia đình gần đơn vị nhưng thường xuyên vắng nhà là điều hết sức bình thường, hay chuyện những người vợ thay chồng làm cha, để chồng mình yên tâm công tác là phổ biến của vợ lính.

Vậy những người lính thời bình họ làm gì? Đa phần các đơn vị quân đội có nhiệm vụ trọng tâm là huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Ngoài ra, các đơn vị còn làm công tác vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; cùng cấp ủy, chính quyền địa phương trên địa bàn đóng quân giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; phòng-chống cháy nổ, cháy rừng, lụt bão, tìm kiếm cứu nạn; tham gia xây dựng khu vực phòng thủ, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc…

Có thể thấy rằng, khi thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả bão lũ, hạn hán, cháy rừng xảy ra, hình ảnh quen thuộc, luôn có mặt kịp thời chính là những người lính. Tôi vẫn nhớ như in lời nói của Trung úy Nguyễn Thành Luân (Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320, Quân đoàn 3) khi cùng đồng đội cứu được hàng ngàn héc-ta rừng thông 10 năm tuổi bị “giặc lửa” đe dọa thiêu rụi tại đỉnh núi Chư Nâm (huyện Chư Pah) hồi tháng 2-2013: “Mệt, đói nhưng chưa kiệt sức, phải chặn ngay ngọn lửa không để rừng cháy thêm!”. Tinh thần hăng hái ấy đã khích lệ chiến sĩ đơn vị dũng cảm xông vào những đám cháy, dập tắt ngọn lửa cứu rừng ngay trong đêm. Còn nhớ, trung tuần tháng 6-2016, Thượng úy Lê Đức Lam (trú tại thôn 1, xã Ia Pal, huyện Chư Sê), là một trong 9 sĩ quan có mặt trên chiếc máy bay CASA-212 đã hy sinh khi làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn máy bay Su-30MK2 bị rơi trên Biển Đông, để lại người vợ trẻ và đứa con chưa chào đời. Hay mới đây, hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 3, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai đã tích cực giúp nhân dân các huyện, thị xã: An Khê, Krông Pa, Kông Chro, Mang Yang sửa chữa nhà của bị hư hỏng, khôi phục sản xuất do ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 12…

Năm nay, Quân đội nhân dân Việt Nam kỷ niệm 73 năm Ngày thành lập (22/12/1944-22/12/2017), một chặng đường “gian lao khổ hạnh” song cũng đầy vinh quang. Là một người lính, tôi muốn chúc những đồng đội của mình luôn giữ vững phẩm chất tốt đẹp và truyền thống quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam, để mãi mãi là hình ảnh yêu mến, chỗ dựa tin cậy và vững chắc của nhân dân.

Vũ Duy Hiển

Có thể bạn quan tâm

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

Đồn Biên phòng Ia O "thực túc, binh cường"

(GLO)- Đồn Biên phòng Ia O (huyện Ia Grai) được đánh giá là một những điển hình về tăng gia sản xuất trong lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh. Nhờ tăng gia sản xuất hiệu quả, đơn vị đã nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày cho bộ đội, đảm bảo quân số khỏe phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

An Khê xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh toàn diện

(GLO)- Thời gian qua, Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã An Khê chủ động tham mưu giúp Thị ủy, UBND thị xã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương và làm tốt công tác dân vận, xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

Tuyển chọn công dân nhập ngũ: Công khai, minh bạch từ cơ sở

(GLO)- Theo kế hoạch, năm 2023, toàn tỉnh sẽ giao 2.650 công dân cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, Hội đồng Nghĩa vụ quân sự (NVQS) các cấp đã triển khai chặt chẽ các khâu, các bước, nhất là khám sức khỏe với phương châm “tuyển người nào chắc người đó“.