Nữ giám đốc Tết chỉ mua một hộp mứt loại nhỏ nhất mời khách

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không mua quần áo mới, không bánh kẹo nước ngọt, và chỉ sắm một bông hoa... chị Trân đón một cái Tết tối giản nhưng vui.

Dưới đây là chia sẻ của chị Huỳnh Huyền Trân, 39 tuổi, giám đốc truyền thông một trường dạy tâm lý tại TP HCM:

Hôm nay hai mươi mấy Tết rồi, tôi vẫn làm việc y chang ngày thường, sáng vẫn đi bộ. Nhà tôi đã mua xong mứt gừng, mấy chục bánh tráng ở chợ Bà Hoa và một kg thịt ngâm nước mắm. Đúng thực đơn dân miền Trung. Sát ngày Tết, phụ huynh sẽ làm thêm thịt xíu yêu thích để cuốn rau sống ăn dần. Chỉ vậy thôi. Tết càng khoái ăn món ngày thường vì thấy càng lạ miệng. Món ngon thì có thể ăn ngay mà không cần chờ Tết.

Tôi theo đuổi lối sống tối giản nên ngày Tết vô cùng gọn nhẹ, việc sắm sửa cũng hết sức đơn giản. Tôi không mua bánh kẹo, chỉ mua một hộp mứt nhỏ nhất mời khách uống trà. Từ người già đến con nít, phụ nữ đến đàn ông đều không nên ăn đường. Thay vào đó, tôi chọn những loại hạt nhiều dinh dưỡng để khách đến nhà cắn tí tách. Gia đình để tôi tự quyết mọi việc.

Tôi cũng không mua nước ngọt mà tự làm nước sả chanh hạt chia, uống có thể giảm mỡ. Mỗi sáng nấu một nồi chỉ mất 5 phút, sau đó cho vào tủ lạnh, nước này uống nóng hay lạnh đều ngon, có thể thêm chút mật ong. Rót nước vào ly thủy tinh đẹp, gắn thêm lát chanh vàng lên trên. Khi tôi giới thiệu "nước chị tự nấu đó, không có đường", tôi biết chắc khách sẽ cảm thấy ấm cúng hơn so với việc được mời một lon nước ngọt.

Hôm nào chán sả chanh, tôi có thể đổi bằng đậu biếc, mía lau, cũng nấu và trình bày với công thức như thế. Tôi mừng nhất là sau nhiều năm tỉ tê thuyết phục, giờ phụ huynh cũng đã thấm nhuần được tư tưởng tối giản của con, trong tủ lạnh nhà bố mẹ tôi đã không còn tình trạng chật cứng đồ ăn. Mồng 3, siêu thị đã bán lại rồi mà.


 

Bình hoa ngày Tết chỉ có một bông của chị Huyền Trân. Ảnh: HT.
Bình hoa ngày Tết chỉ có một bông của chị Huyền Trân. Ảnh: HT.



 Tôi thậm chí không mua quần áo mới. Bình thường tôi hay mặc đồ đen trắng, nhưng sợ người lớn có ý kiến nên tôi sẽ phối thêm giày đỏ hoặc bông tai đỏ là đủ thấy Tết rồi. Hoặc váy trắng mặc chung áo hồng cũng tươi rói. Tôi tự "thách" bản thân sáng tạo ra một bộ trang phục chơi Xuân mà không mua gì mới. Bộ đồ đi chơi đẹp nhất vẫn là bộ đồ mình thấy thoải mái nhất!

Hôm trước, cô bạn tôi mua một áo dài đỏ không hoa văn (sát ngày nên được giảm 40%) và quyết không mua quần vì sẽ phối với chân váy ren dài đang có sẵn ở nhà. Bộ đồ cô ấy phối ra rất phong cách. Tôi thấy đây là lựa chọn thông minh cho những bạn chỉ muốn mặc áo dài cho vui trong dịp Tết.

Tôi cũng thường làm đẹp từ đầu tháng 12 âm lịch, vì nếu sát ngày, đông khách phải chờ dài cổ, giá sẽ cao và nhân viên đuối thường làm không nhiệt tình bằng ngày thường. Chưa kể, làm sớm, nếu hư, còn thời gian chỉnh. Vậy là xong việc làm đẹp cho cá nhân.

Làm đẹp cho nhà đón Tết, chắc chắn không thể thiếu hoa. Tôi nhớ mấy năm trước về quê, trước nhà nào cũng trưng chậu cúc to (tầm 700 - 800 nghìn đồng), trong nhà là một chậu cam tầm 1,5 triệu, rồi bình lay ơn hoặc hoa ly kinh điển 300 - 500 nghìn đồng, cộng thêm vài lọ nhỏ khắp nơi nữa...  Tôi biết, có cách khác để nhà có hoa đẹp mà không tốn tiền. Theo nguyên tắc tối giản "ít hơn nhưng được nhiều hơn", tôi chọn một góc trong nhà mình yêu thích nhất và chưng một bình hoa làm điểm nhấn, vừa tiết kiệm vừa sang trọng, thay vì khắp nhà đều có hoa. Năm nay, tôi mua một cành ly đỏ thắm cắm vào bình nước suối đã dùng xong, thấy rất hài lòng.

Chị Trân làm tóc mới trước Tết cả một tháng để tránh cảnh đông đúc ngày sát Tết. Ảnh: HT
Chị Trân làm tóc mới trước Tết cả một tháng để tránh cảnh đông đúc ngày sát Tết. Ảnh: HT



 Với những người xa quê vào TP HCM làm việc, đi lại dịp này luôn là khoản chi phí tốn kém, chưa kể rất vất vả vì tàu xe đông đúc. Các Tết trước đây, mỗi lần chị em tôi về quê, 6 vé máy bay khứ hồi tương đương 50 triệu. Trong khi đó, chiều tối mồng một, ba má tôi bay từ Đà Nẵng vào Sài Gòn với các con, hai người chỉ tốn một triệu đồng. Dư 49 triệu, chị em tôi tặng ba má đi du lịch, đồng thời còn giúp ba mẹ được hưởng không khí Tết mới lạ, trong khi cả đại gia đình vẫn được quây quần, đầm ấm.

Tết Nguyên Đán là một kỳ nghỉ dài, những năm trước tôi thường tranh thủ đi du lịch vào dịp này. Sau một năm bị ám ảnh vì cảnh chen lấn, ngồi chờ cả tiếng mới có đồ ăn, gọi xe taxi chờ mỏi chân ở Đà Lạt, giờ đây tôi sẽ chọn đi du lịch nước ngoài vào dịp Tết. Hoặc chờ khi người ta về, tôi mới đi: vắng vẻ, ít tốn kém mà cảm nhận được nhiều thứ tại nơi mình đến.

Tôi biết nhiều chị em tính toán đau đầu vì khoản tiền lì xì ngày Tết. Tôi nghĩ, lì xì nên làm đúng ý nghĩa là tiền may mắn. Đó chỉ nên là món quà tượng trưng cho nhau, đặc biệt cho các bé, quan trọng là có lời chúc gửi gắm dễ thương, cũng đừng bắt các bé phải chúc lại nếu bé chưa sẵn sàng. Mừng tuổi người lớn cũng vậy, tôi cũng không cầu kỳ, có bao nhiêu, biếu ba mẹ bấy nhiêu. Nếu năm nào làm ăn không tốt, tôi sẽ bớt tiền mừng tuổi. Nếu cả với người thân mà mình cũng phải gồng lên sống giả nữa thì đâu là nơi để mình tựa vào?

Chọn cách sống tối giản, việc dọn nhà ngày Tết đối với tôi thật nhẹ nhàng, chỉ tốn 2 tiếng đồng hồ. Vì nhà ít đồ, thứ nào ở vị trí nấy rồi, tuần nào cũng đã được lau. Từ ngày chuyển về chung cư ở, tôi thoát khỏi cảnh dọn nhà phố 3 tầng.

Với tôi, Tết nên là thời gian tuyệt vời để dưỡng sức, nghỉ ngơi, chăm sóc các mối quan hệ mà mình trân quý. Dành cho những người thân yêu của mình những giá trị đúng, đó chính là thời gian chất lượng bên nhau. Nghĩ về Tết với những cảm xúc tích cực của những điều vui vẻ, ấm áp, sum vầy hơn là áp lực, trách nhiệm quà cáp và hàng loạt các thứ phải chi. Đừng tiêu hoang vì hết Tết lại phải đối mặt với sổ nợ.

Kim Anh (VNE)

Có thể bạn quan tâm

Vào mùa làm chậu kiểng ở Gia Lai

Vào mùa làm chậu kiểng ở Gia Lai

(GLO)- Ở TP. Pleiku, các cửa hàng bán hoa, cây cảnh đảm nhiệm luôn việc đúc chậu kiểng. Dù là việc quanh năm, song mỗi dịp Xuân về, các cơ sở làm chậu kiểng tại Phố núi lại trở nên nhộn nhịp hơn bởi phải cung ứng một lượng lớn sản phẩm cho thị trường Tết.