Sông Ba - Dấu ấn các nền văn minh nhân loại

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sông Ba-con sông dài nhất ở Tây Nguyên, bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô (Kon Tum) đi qua địa phận tỉnh Gia Lai và Phú Yên rồi đổ về biển Đông tại cửa biển Đà Diễn, phía Nam thành phố Tuy Hòa.
 

Từ lâu, người ta chỉ biết ở vùng hạ lưu sông Ba đã sớm hình thành các quốc gia cổ đại, như Lâm Ấp, Chiêm Thành và vùng cửa biển Đà Diễn từng là trung tâm thương mại quốc tế sầm uất. Từ đây, đã hình thành một con đường buôn bán sản vật biển với các quốc gia cổ đại nằm sâu trong lục địa theo con đường sông Ba lên Tây Nguyên rồi sang Lào, Campuchia, Thái Lan. Ít ai biết, nơi thượng lưu của con sông này lại lưu giữ trong mình dấu ấn các nền văn minh cổ xưa nhất của nhân loại mà các nhà khảo cổ học vừa khám phá từ bí ẩn trong lòng đất. Đó là các di tích thời tiền sử trên độ cao trung bình 400-450 mét ở đôi bờ sông.
 

Rìu tay An Khê.
Rìu tay An Khê.

Với hàng chục công cụ thu được trong địa tầng Cánh tân ở các di tích: Gò Đá, Rộc Tưng, Rộc Hương, Rộc Giáo và Rộc Lớn thuộc thị xã An Khê, các nhà khảo cổ đã ghi nhận đây là vết tích văn hóa của người vượn đứng thẳng (Homo erectus) cổ xưa nhất của nhân loại, cách đây khoảng 80 vạn năm. Những người vượn này di trú trên các đồi gò cao hơn 400 mét, cách nhau không quá 4 km nằm dọc bờ sông Ba. Ở đó, họ sử dụng những viên cuội lớn, bằng đá thạch anh và thạch anh biến chất rất cứng, chế tạo ra những chiếc rìu tay với rìa lưỡi sắc bén, những mũi nhọn tam diện, những con dao, cái nạo ghè 2 mặt và cả những mảnh tước thô sơ. Những công cụ này khác và cổ hơn rất nhiều so với các di tích Đá cũ đã biết ở Việt Nam, như: Núi Đọ (Thanh Hóa), Sơn Vi (Phú Thọ), Làng Vạc (Nghệ An), Đồi Thông (Hà Giang). Chúng còn cổ hơn cả các di tích sơ kỳ Đá cũ thuộc văn hóa Soan trên cao nguyên Potwar vùng Pendjab (Ấn Độ) và cổ hơn những chiếc rìu tay kiểu Acheulian tìm thấy ở lưu vực sông Imjin (Triều Tiên), có tuổi 130.000 năm trước. Về hình thái, những công cụ ghè 2 mặt ở An Khê gợi lại những công cụ tương tự tìm thấy ở cao nguyên Bách Sắc (Quảng Tây, Trung Quốc), trong trầm tích có tuổi khoảng 80 vạn năm cách ngày nay. Phát hiện 5 địa điểm sơ kỳ Đá cũ ở An Khê đánh dấu sự xuất hiện văn hóa cổ xưa nhất của nhân loại, mà chủ nhân là những người vượn đứng thẳng (Homo erectus), hay tổ tiên trực tiếp của người hiện đại (Homo sapiens) chúng ta. Đây là một phát hiện vô cùng quan trọng, góp phần nghiên cứu nguồn gốc loài người và văn hóa cổ xưa nhất của nhân loại.
 

Bôn hình răng trâu Kbang.
Bôn hình răng trâu Kbang.

Ở thượng lưu sông Ba còn tìm thấy 8 di tích thời đại Đá cũ có tuổi muộn hơn, khoảng từ 1 đến 3 vạn năm trước. Đó là các di tích làng Lợk, thôn Bốn, làng Roh (huyện Kbang); Tư Lương, An Phong, Soi Tre, Ong Dú (huyện Đak Pơ) và Thành An (thị xã An Khê). Cư dân giai đoạn này phân bố rộng hơn, sử dụng phổ biến công cụ cuội ghè đẽo, làm từ đá quartz, quartzite, granite, trầm tích silíc, kích thước tương đối lớn, loại hình nổi trội là những công cụ rìa lưỡi dọc, rìa lưỡi ngang, mũi nhọn, công cụ cắt và công cụ mảnh tước, gần với công cụ văn hóa Sơn Vi (Phú Thọ) và lớp dưới cùng của di chỉ Lung Leng-Kon Tum. Đây là văn hóa của những người khôn ngoan hay người hiện đại (Homo sapiens), minh chứng cho sự phát triển liên tục của các bậc tiền nhân trên lãnh thổ nước ta.

Bước vào giai đoạn Đá mới, cách đây khoảng 4.000 năm, cư dân tiền sử đôi bờ vùng thượng lưu sông Ba có sự phát triển bùng nổ về quy mô di tích và kỹ thuật chế tác công cụ. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy hàng loạt di tích cư trú và các công xưởng chế tác đồ đá. Tiêu biểu cho các di tích cư trú là Đak Giang, Cầu Treo, làng Róh (xã Đông, huyện Kbang), Soi Tre 2, xã Cư An và Tư Lương, xã Tân An (huyện Đak Pơ). Người thời này đã chế tác và sử dụng những chiếc rìu hoặc cuốc đá mài toàn thân, kích thước nhỏ, đa số là loại có vai hoặc thân hình răng trâu, hình thang làm nông nghiệp trồng trọt. Họ sử dụng những viên đá cuội làm chày nghiền, bàn nghiền quả hạt, làm đá gia trọng cho gậy chọc lỗ trỉa hạt; học ghè tách các hạch đá opan để lấy các mảnh tước làm dao cắt sắc bén. Người thời này còn chế tạo và sử dụng dọi se sợi bằng đất nung trong hoạt động se sợi, dệt vải; nặn ra nồi, bình, bát, đĩa bằng đất nung cho sinh hoạt thường nhật.

 

Trống đồng An Thành (huyện Đak Pơ).
Trống đồng An Thành (huyện Đak Pơ).

Bên cạnh những nhóm cư dân làm nông nghiệp, ở đây còn xuất hiện các nhóm cư dân chuyên chế tạo đồ đá ở xung quanh làng H’Lang (xã Yang Nam, huyện Kông Chro). Các nhà khảo cổ ghi nhận có ít nhất 6 cụm dân cư như thế. Các nhóm này nằm cách nhau không quá 2 km, ở mỗi nhóm đảm nhận một khâu sản xuất nhất định trong quy trình chế tạo rìu đá: nơi thì khai thác nguyên liệu, nơi sơ chế, gia công phôi phác vật, nơi tu chỉnh và mài hoàn thiện rìu có vai và xuất xưởng. Những cư dân này đi đầu cho phân công lao động ở trình độ cao của hoạt động kinh tế sản xuất, tạo ra sự phát triển đồng đều của toàn khu vực, chuẩn bị cho con người bước vào xã hội văn minh.  

Chỉ mới khảo sát sơ bộ cũng đã hé lộ những dấu ấn văn hóa đặc sắc của thượng lưu sông Ba trong thời đại Kim khí. Một loạt cuốc đá kích thước lớn tìm thấy ở Tân Định đánh dấu hoạt động nông nghiệp dùng cuốc ở vùng này. Những chiếc trống đồng Đông Sơn đã tìm thấy ở xã An Thành (huyện Đak Pơ), các khuôn đúc rìu đồng có mặt ở xã Đông (huyện Kbang) gợi mở về quan hệ bang giao của cư dân nơi đây với văn minh Đông Sơn phía Bắc và kỹ thuật luyện kim ra đời bên dòng sông Ba. Dọc đôi bờ thượng lưu sông Ba còn rất nhiều dấu tích lò luyện sắt thủ công. Tất cả những bằng chứng ấy cho thấy từ đầu Công nguyên cư dân đôi bờ thượng lưu sông Ba trên đất Gia Lai đã thực sự bước vào thời đại Kim khí, văn minh.

 

Khuôn đúc rìu đồng Kbang.
Khuôn đúc rìu đồng Kbang.

Những dấu tích thời kỳ lịch sử ở thượng lưu sông Ba trên đất Gia Lai còn in đậm những mảng màu văn hóa các tộc người khác nhau. Vào thế kỷ X-XV, ở Tư Lương (huyện Đak Pơ) dấu vết văn hóa Champa, mà các tấm bia đá, những chiếc giếng kè đá, những phế tích đền tháp ở Ayun Pa, Kông Chro, những tượng rắn thần Naga nhiều đầu đã tìm thấy ở đây. Một loạt các vũ khí, công cụ bằng sắt, những đồ dùng sinh hoạt bằng đồng, bằng đất nung, bằng gốm sứ thế kỷ XVIII, liên quan đến hoạt động của nghĩa quân Tây Sơn đã được các nhà khảo cổ khai quật được ở vùng Tây Sơn Thượng đạo. Nguồn tư liệu ấy có giá trị báo dẫn cho những phát hiện, nghiên cứu tiếp theo.

Theo Chủ tịch UBND thị xã An Khê Lê Thanh Tâm, tỉnh Gia Lai sẽ tổ chức một hội thảo có sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa, bảo tàng trong và ngoài nước để khẳng định giá trị độc đáo của nền văn hóa, văn minh này, từ đó mở ra triển vọng cho các chương trình khai quật hợp tác trong nước và quốc tế trong thời gian tới. Trước mắt, thị xã An Khê tăng cường các biện pháp bảo vệ di tích, tránh những tác động từ thiên nhiên, con người, nhất  là bảo vệ các địa tầng di tích.

PGS.TS. Nguyễn Khắc Sử-Ths. Bùi Tấn Sĩ

Có thể bạn quan tâm

Ayun Pa: Xứng tầm khu kinh tế động lực vùng Đông Nam

Ayun Pa: Xứng tầm khu kinh tế động lực vùng Đông Nam

(GLO)- Phát huy lợi thế là trung tâm vùng kinh tế phía Đông Nam tỉnh, sau hơn 11 năm thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ, sự quyết tâm của chính quyền và sự đồng lòng của người dân, thị xã Ayun Pa đã từng bước khai thác tiềm năng và nội lực, đạt nhiều thành tựu quan trọng.
Ia Grai: Hướng đến phát triển bền vững, toàn diện

Ia Grai: Hướng đến phát triển bền vững, toàn diện

(GLO)- Năm 2018, thời tiết diễn biến phức tạp, giá cả các mặt hàng nông sản giảm đã ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn huyện Ia Grai. Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, sự giám sát của HĐND huyện, sự điều hành của UBND huyện, kinh tế-xã hội huyện vẫn tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả tích cực.
Kông Chro: Vững vàng trên chặng đường mới

Kông Chro: Vững vàng trên chặng đường mới

(GLO)- Sau 30 năm thành lập, huyện Kông Chro đã có sự phát triển mạnh mẽ, đầy hứa hẹn. Bộ mặt đô thị và nông thôn đang đổi mới từng ngày, đời sống nhân dân các dân tộc trong huyện từng bước được cải thiện và nâng cao.
Đak Pơ: Sức bật từ tam nông

Đak Pơ: Sức bật từ tam nông

(GLO)- Sau 15 năm thành lập, kinh tế-xã hội của huyện Đak Pơ có bước phát triển vượt bậc. Đời sống người dân ngày một cải thiện. Có được kết quả này là nhờ các nguồn lực đầu tư của Nhà nước, đặc biệt, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã tạo động lực giúp vùng đất thuần nông Đak Pơ phát triển mạnh mẽ.
Đất nước của những triệu phú

Đất nước của những triệu phú

(GLO)- Công quốc Monaco nằm ở một eo biển nhỏ phía Nam nước Pháp, bên bờ biển Côte dAzur, nước Pháp bao quanh 3 mặt, mặt còn lại giáp biển Địa Trung Hải. Với diện tích chỉ vỏn vẹn 2,02 km2, Monaco là quốc gia nhỏ thứ 2 thế giới (chỉ sau Vatican), dân số 38.000 người-nằm trong top 10 quốc gia có dân số ít nhất thế giới. Tuy nhỏ về diện tích và ít về dân số nhưng quốc gia này có đến 1/3 dân số là triệu phú và rất nhiều tỷ phú, không có người nghèo, được các tổ chức quốc tế đánh giá là quốc gia có tỷ lệ triệu phú cao nhất thế giới. Do vậy, Monaco được mệnh danh là đất nước của những triệu phú đô la.
Xã luận: Xuân khát vọng

Xã luận: Xuân khát vọng

(GLO)- Chúng ta quyến luyến chia tay năm Mậu Tuất, bước sang Xuân mới Kỷ Hợi 2019. Với Gia Lai, năm Mậu Tuất 2018 ghi dấu ấn đặc biệt trên nhiều lĩnh vực, thể hiện rõ quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức, khát vọng vươn lên chinh phục những tầm cao mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Những ngày ở Nhật

Những ngày ở Nhật

(GLO)- Trong tâm thức của người Việt hàng thế kỷ nay, Nhật là dân tộc có nhiều điều đáng học. Tư tưởng duy tân từ cụ Phan Chu Trinh và kế tiếp là phong trào Đông Du của Phan Bội Châu in đậm sử sách, ăn sâu tư duy thế hệ chúng tôi. Vì vậy, được đến nước Nhật, tận thấy cuộc sống của người Nhật từ lâu là ước muốn của nhiều người.
Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang: Tăng cường đi cơ sở để giúp dân

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Trang: Tăng cường đi cơ sở để giúp dân

(GLO)- Năm qua, đồng chí Dương Văn Trang-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã liên tục đi kiểm tra, thị sát cơ sở, nhất là các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để nắm tình hình, giúp cấp ủy, chính quyền cơ sở kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ. Qua đó đã tăng cường sức mạnh đoàn kết, đẩy nhanh phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, nâng cao trách nhiệm của đội ngũ cán bộ.
Xuân về trên núi

Xuân về trên núi

(GLO)- Ở xứ cao nguyên này, mưa thì dằng dặc, triền miên, nắng thì hoang hoải, kiệt cùng. Những khoảnh khắc xuân-hạ-thu-đông dường như chỉ đỏng đảnh ghé qua chớp nhoáng trong một thời khắc nào đó, mà nếu hững hờ, sẽ khó lòng mà nhận ra.
Thưởng trà và sống chậm

Thưởng trà và sống chậm

(GLO)- Yêu thích nghệ thuật trà đạo và triết lý Phật giáo, anh Võ Thanh Hưng đã quyết tâm xây dựng một không gian thưởng thức trà đúng chất xưa. Nét xưa ấy thể hiện ngay từ cái tên Hồn Gỗ của quán cho đến cách mà anh ngồi đối ẩm cùng những người trót mê đắm hậu vị ngọt mát của các loại trà Việt.