Khách Philippines chia sẻ 'bí kíp sinh tồn' khi tới Việt Nam dịp Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Michael Aquino tiết lộ các kinh nghiệm để bạn bè quốc tế có thể đón năm mới đúng chuẩn của người dân địa phương.



Michael Aquino, blogger ẩm thực đến từ Manila, Phillippines đã có bài chia sẻ trên trang Tripsavvy về những kinh nghiệm đón Tết ở Việt Nam. Anh nhấn mạnh rằng đây là thời điểm mà người dân địa phương đổ xô đi chơi. Do vậy, tại các điểm du lịch nổi tiếng, phòng khách sạn hầu hết đã kín. Giao thông những ngày trước và sau Tết rất đông đúc. Bên cạnh đó, nhiều điểm đến đóng cửa trong dịp này.


 

Huế tái dựng phong tục treo cây nêu ngày tết. Ảnh: Võ Thạnh.
Huế tái dựng phong tục treo cây nêu ngày tết. Ảnh: Võ Thạnh.




 Thời gian này, bạn nên ở một điểm cố định và tận hưởng không khí náo nhiệt, thay vì di chuyển nhiều nơi. Giá cả trong mùa Tết cũng tăng chóng mặt. Do vậy, Michael khuyên mọi người không nên đi du lịch một mình, như thế chi phí sẽ cao hơn.

Theo nam du khách, Tết là thời điểm tuyệt vời để ngắm nhìn Việt Nam qua lăng kính rực rỡ sắc màu. Ba thành phố lớn mà du khách nên ghé thăm dịp này là Hà Nội, Huế, TP HCM.

Thủ đô Hà Nội là nơi tuyệt nhất để đón năm mới, theo nam blogger, vì có rất nhiều các sự kiện được tổ chức nhằm ăn mừng tân niên. Vào giao thừa, nhiều điểm trên khắp thủ đô sẽ bắn pháo hoa.


 

Dịp Tết, người dân Hà Nội dành nhiều thời gian đi chơi, chụp ảnh ở các vườn hoa. Ảnh: Hoàng Hà.
Dịp Tết, người dân Hà Nội dành nhiều thời gian đi chơi, chụp ảnh ở các vườn hoa. Ảnh: Hoàng Hà.



 Vào mùng 5 Tết, bạn nên ghé thăm Hội gò Đống Đa. Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới chiến tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của người Việt Nam.

Mùng 6, du khách lại kéo về Đông Anh, ngoại thành Hà Nội, để tham gia lễ hội Cổ Loa. Sự kiện này tổ chức hàng năm, từ mùng 6 đến 16 tháng Giêng. Qua nhiều năm, thành Cổ Loa vẫn luôn là niềm tự hào của người dân Việt Nam về lịch sử chống ngoại xâm.

Ngoài ra, du khách có thể đến Văn Miếu Quốc Tử Giám để tham gia lễ hội viết thư pháp.

Tại Huế, du khách nên tới thăm Đại Nội. Vào ngày 26/1, Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế tái hiện Lễ dựng nêu hay còn gọi là Thướng tiêu trong chốn hoàng cung triều Nguyễn để báo hiệu ngày Tết đã tới. Xuất phát từ cửa Hiển Nhơn, cây nêu làm bằng tre dài hơn 15 m được 10 người vác trên vai đi qua Triệu Tổ Miếu, điện Thái Hòa để đến dựng ở khuôn viên Thế Tổ Miếu.

Trong đời sống cung đình ở Huế, người ta làm lễ dựng nêu để báo hiệu ngày Tết đã tới. Mục đích ban đầu là mừng ngày Tết, sau đó cúng Thần linh để phù hộ cho người nhà được bình an, cầu tổ tiên phù hộ cho con cháu. Triều đình dựng nêu để cầu cho mưa thuận gió hòa, dân chúng làm ăn thuận lợi.

Nếu bạn ghé thăm TP HCM, đây là thời điểm để du khách khám phá không khí đón năm mới nhộn nhịp, rộn ràng. Những điểm nên ghé qua là các khu chợ hoa tết, Chợ Lớn...

Ngoài việc bày cách giúp các du khách không bị bỡ ngỡ khi đón Tết, Michael còn thể hiện việc am hiểu phong tục của Việt Nam. Anh cho biết Tết là dịp lễ hội lớn nhất năm của người Việt Nam. Trước Tết, người dân sẽ dọn dẹp nhà cửa, mua quần áo mới, giải quyết mọi khiếu nại, kiện tụng, nợ nần. Họ hy vọng, điều đó sẽ giúp để lại mọi xui xẻo của năm cũ và đón một năm mới nhiều may mắn.


 

Michael từng đi khắp Đông Nam Á để khám phá ẩm thực đường phố. Ảnh: Tripsavvy.
Michael từng đi khắp Đông Nam Á để khám phá ẩm thực đường phố. Ảnh: Tripsavvy.



 Nam du khách cũng giới thiệu với bạn bè quốc tế về phong tục thờ cúng của người dân như cúng ông Công ông Táo, mua cá chép về thắp hương rồi thả xuống sông, hồ. "Người Việt Nam thể hiện sự tôn kính với tổ tiên trong suốt dịp Tết. Họ đặt đồ lễ lên ban thờ, thắp nhang để tưởng nhớ người đã khuất", Michael viết.

Trong ấn tượng của nam blogger, người Việt Nam luôn quan niệm mọi thứ xảy ra trong dịp Tết sẽ thể hiện vận mệnh của họ trong suốt năm. Nếu dịp này họ gặp toàn điều may mắn, nghĩa là cả năm sẽ gặp may và ngược lại.

Người Việt Nam cũng đi thăm gia đình và bạn bè trong kỳ nghỉ dài. Họ thường tổ chức các bữa tiệc ấm cúng nhưng cũng không kém phần hoành tráng. Sau đó, mọi người cùng đi chùa, thắp hương khấn phật hoặc tham gia vào các sự kiện vui chơi nơi công cộng.

Micheal hiểu rất rõ phong tục ở đây khi giới thiệu với bạn bè quốc tế về việc người Việt Nam mùng một tết nội, mùng hai tết ngoại và mùng ba là thời điểm gặp bạn bè.

Anh Minh (VNE)

Có thể bạn quan tâm