Gia Lai sẵn sàng ứng phó với bão số 4

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày qua, các địa phương trong tỉnh Gia Lai đã chủ động chuẩn bị các phương án ứng phó với bão số 4 theo phương châm “4 tại chỗ”. Đặc biệt, khu vực phía Đông và Đông Nam tỉnh mới bắt đầu vào mùa mưa lũ nên chính quyền các địa phương tập trung triển khai nhiều giải pháp ứng phó nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Chủ động phương châm “4 tại chỗ”

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 27-9 đến 29-9, do ảnh hưởng bão số 4, thời tiết khu vực tỉnh Gia Lai có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa trong cả đợt tại các huyện: Kbang, Mang Yang, Đak Đoa, Chư Păh, Ia Grai, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Chư Pưh, thị xã An Khê và TP. Pleiku phổ biến từ 150 mm đến 250 mm; cục bộ có nơi lớn hơn 300 mm; các huyện, thị xã còn lại ở mức 100-200 mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ và sạt lở đất, sụt lún đất tại các xã, phường: Phù Đổng (TP. Pleiku); Đak Rong (huyện Kbang); Ia Rsươm, Ia Mlah, Ia Rsai, Chư Rcăm, Uar (huyện Krông Pa); Đak Pling (huyện Kông Chro); Ia Ake (huyện Phú Thiện).

 Thủy lợi Ia Mlah (huyện Krông Pa) xả tràn để đón lũ an toàn. Ảnh: Lê Nam
Thủy lợi Ia Mlah (huyện Krông Pa) xả tràn để đón lũ an toàn. Ảnh: Lê Nam



Trước tình hình đó, ngày 26-9, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Công văn số 855-CV/TU về tập trung ứng phó với bão số 4 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; Ban cán sự Đảng, Đảng đoàn, Đảng bộ trực thuộc; các sở, ban, ngành; MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng-chống thiên tai. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, các Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy chỉ đạo tăng cường theo dõi tình hình, diễn biến mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời đến cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân để chủ động các biện pháp phòng-chống, giảm thiểu thiệt hại do bão số 4 gây ra. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo phòng-chống thiên tai, thường xuyên kiểm tra, bám nắm cơ sở để kịp thời chỉ đạo giải quyết, xử lý các tình huống phát sinh. Ban Dân vận Tỉnh ủy, MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh huy động các lực lượng, đặc biệt là lực lượng xung kích ở cơ sở, huy động và phân bổ các nguồn lực một cách phù hợp, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau thiên tai.

Cùng ngày, UBND tỉnh có Công điện số 03/CĐ-UBND yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư, chủ hồ, đập thủy lợi, thủy điện triển khai thực hiện nghiêm Công điện số 855/CĐ-TTg ngày 25-9 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 3862/BCH-PCTT ngày 24-9 của Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh; tập trung chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó bão số 4 theo phương châm “4 tại chỗ” với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất.

Trong đó, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố hoãn các cuộc họp không thực sự cấp bách, phân công lãnh đạo, triển khai lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm để trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra công tác ứng phó tại cơ sở. Rà soát, chủ động sơ tán triệt để người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm, nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu, nước chảy xiết không đảm bảo an toàn trước khi mưa, bão ảnh hưởng. Đảm bảo lương thực, thực phẩm, nguồn cung tại khu vực ngập sâu và chia cắt, không để người dân thiếu đói, thiếu nước uống. Triển khai lực lượng canh gác ở những vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập sâu, nước chảy xiết; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời xử lý các sự cố, đảm bảo thông tuyến trên các trục giao thông chính.

Các chủ đầu tư, chủ hồ tổ chức vận hành hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du; đối với các hồ chứa đã đầy nước phải chủ động điều tiết để đảm bảo cao trình mực nước đón lũ theo quy định; thực hiện nghiêm túc việc cung cấp thông tin cho chính quyền, người dân khu vực hạ du trước khi xả lũ theo quy định; phân công lực lượng thường trực tại các hồ đã đầy nước, hồ chứa có nguy cơ cao mất an toàn để kịp thời xử lý khi có tình huống xảy ra.

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh theo địa bàn được phân công tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng-chống, ứng phó thiên tai ở các địa phương được giao phụ trách; kịp thời báo cáo kết quả kiểm tra, nắm tình hình về Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố huy động tối đa lực lượng, phương tiện tập trung ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi bão vào và sau khi bão kết thúc, nhất là những sự cố sạt lở đất, ngập lụt.

Sẵn sàng trong mọi tình huống

Trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh, công tác ứng phó với bão số 4 đang được các địa phương thực hiện khẩn trương nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho hay: Cơ quan thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện cùng các địa phương tổ chức trực ban 24/24 giờ để nắm thông tin, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra; bố trí lực lượng trực tại những khu vực có nguy cơ ngập lụt, cô lập, lũ quét, sạt lở đất để tổ chức di dời các hộ dân đến nơi an toàn khi cần thiết; hướng dẫn người dân gia cố nhà cửa, tuyệt đối không để thiệt hại về người, giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và người dân.

Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kông Chro chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện để ứng phó với bão lũ. Ảnh: Ngọc Minh
Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kông Chro chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện để ứng phó với bão lũ. Ảnh: Ngọc Minh



Còn theo ông Trần Quốc Tuấn-Phó Chủ tịch UBND huyện Ia Pa: Để chủ động ứng phó với bão số 4, từ đêm 25-9, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã tổ chức trực, kiểm tra, khảo sát các vị trí xung yếu có nguy cơ sạt lở đất tại xã Chư Răng và một số ngầm tràn thường xuyên bị ngập, yêu cầu các xã cử lực lượng túc trực hai bên các ngầm tràn không cho người dân qua lại. Bên cạnh đó, huyện chuẩn bị nguồn lương thực, thực phẩm để phục vụ người dân khi mưa lớn kéo dài không thể đi lại được; sẵn sàng di dời người dân ở các vùng trũng thấp đến nơi an toàn.

Tại Krông Pa, ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Thực hiện công điện của UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã khẩn trương chỉ đạo các thành viên và UBND các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 4 để sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống có thể xảy ra; tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ. Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, người dân chằng chống, gia cố nhà cửa, trụ sở, kho tàng, các công trình công cộng; chủ động thu hoạch hoa màu đến thời kỳ thu hoạch theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”. Bên cạnh đó, kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hồ đập, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra. Kiểm tra, rà soát các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để thông tin cảnh báo cho chính quyền và người dân vùng hạ du về việc vận hành xả lũ, nhất là trong tình huống xả lũ khẩn cấp nhằm chủ động phòng tránh. Đặc biệt, các địa phương thống kê, lập danh sách các chủ phương tiện ghe, xuồng, thuyền nhỏ... để huy động kịp thời trong thời gian xảy ra mưa bão; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, trang-thiết bị, phương tiện, hậu cần đảm bảo phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão.

Tại thị xã An Khê, công tác ứng phó với bão số 4 cũng đã sẵn sàng. Ông Đặng Quốc Hoài Huy-Phó Chủ tịch UBND thị xã-cho hay: Ngày 26-9, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN thị xã đã có công văn yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, phường tổ chức trực 24/24 giờ trong thời gian mưa bão; theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mọi tình huống bão, lũ theo phương châm “4 tại chỗ” nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhà nước và Nhân dân. “Ngoài ra, UBND các xã, phường chuẩn bị nhu yếu phẩm thiết yếu tại các điểm dự kiến sơ tán dân theo đúng phương châm “4 tại chỗ”, không để người dân thiếu đói, thiếu nước uống; triển khai lực lượng canh gác ở những vị trí ngầm, tràn, đường giao thông bị ngập sâu, không để người dân qua lại nhằm tránh nguy hiểm”-ông Huy nói.

 Do ảnh hưởng bão số 4, mưa lớn làm ngập nhiều tuyến đường ở TP. Pleiku (ảnh bạn đọc cung cấp).
Do ảnh hưởng bão số 4, mưa lớn làm ngập nhiều tuyến đường ở TP. Pleiku. Ảnh bạn đọc cung cấp



Tại huyện Kông Chro, theo ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện đã có công văn về việc chủ động ứng phó với bão số 4. Theo đó, huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn thường xuyên theo dõi, cập nhật diễn biến của cơn bão; xác định vùng có khả năng bị ngập úng, lũ quét, sạt lở đất, đặc biệt là tại các xã có nguy cơ cao như: Đak Tơ Pang, Đak Pling, Đak Kơ Ning, Kông Yang, Yang Nam…; thông tin tuyên truyền rộng rãi, kịp thời bằng mọi hình thức cho cán bộ và người dân trên địa bàn biết diễn biến của bão để chủ động ứng phó; tổ chức lực lượng ứng trực 24/24 giờ; phân công cán bộ thường trực xuống các thôn, làng trực tiếp chỉ đạo công tác phòng-chống lụt bão; chuẩn bị kế hoạch di dời dân đến nơi an toàn. Đồng thời, xây dựng kế hoạch, chuẩn bị vật tư, phương tiện, lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó kịp thời với mọi tình huống thiên tai xảy ra trên địa bàn; dự phòng lương thực, thực phẩm, nước uống cần thiết và tổ chức cứu hộ cứu nạn, sớm ổn định đời sống người dân sau bão.

Ông Nguyễn Văn Lương-Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh-cho hay: Hiện nay, các công trình do đơn vị quản lý đã tích nước được 50-100% dung tích thiết kế; riêng tại các đập dâng, mực nước đã tràn qua. Khi bão số 4 đổ bộ vào đất liền, dự báo sẽ có mưa lớn, Công ty đã tổ chức lực lượng kiểm tra, túc trực tại các hồ chứa; chỉ đạo các chi nhánh trực 24/24 giờ, chuẩn bị mọi phương án ứng phó khi có tình huống xảy ra; rà soát lại trang-thiết bị dự phòng để ứng phó với mưa lũ. Đặc biệt, thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba theo Quyết định số 878/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và quy chế ký kết giữa Sở Nông nghiệp và PTNT 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra.

Các đơn vị ở TP. Pleiku khẩn trương cắt tỉa cây xanh, chủ động phòng-chống bão. Ảnh: Minh Thi
Các đơn vị ở TP. Pleiku khẩn trương cắt tỉa cây xanh, chủ động phòng-chống bão. Ảnh: Minh Thi


Trao đổi với P.V, ông Vũ Ngọc An-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Nhằm hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các chủ hồ, đập thủy điện và thủy lợi thực hiện nghiêm công tác đảm bảo an toàn hồ đập theo quy định tại Nghị định số 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ; triển khai lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” khi có thiên tai xảy ra; chuẩn bị phương tiện sẵn sàng cứu hộ cứu nạn, sơ tán dân ở các vùng trũng thấp đến nơi an toàn.
 

NHÓM PHÓNG VIÊN

 

Có thể bạn quan tâm

Bộ Tổng Tham mưu kiểm tra các cơ quan, đơn vị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai

Bộ Tổng Tham mưu kiểm tra các cơ quan, đơn vị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai

(GLO)- Sáng 11-1, đoàn công tác của Bộ Tổng Tham mưu do Trung tướng Nguyễn Doãn Anh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam làm trưởng đoàn đã kiểm tra sẵn sàng chiến đấu và công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai Huỳnh Quang Thái thăm và chúc Tết Đoàn Trinh sát miền Trung

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai Huỳnh Quang Thái thăm và chúc Tết Đoàn Trinh sát miền Trung

(GLO)- Chiều 9-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai Huỳnh Quang Thái làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết Đoàn Trinh sát miền Trung (Cục Trinh sát, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Cùng đi có lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh thăm, chúc Tết tại huyện Kbang và Đak Pơ

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh thăm, chúc Tết tại huyện Kbang và Đak Pơ

(GLO)- Ngày 6-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 gia đình Anh hùng Núp và 11 gia đình nguyên lãnh đạo tỉnh, chính sách, có công với cách mạng ở 2 huyện Kbang, Đak Pơ.
Giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19 tại huyện Chư Pưh

Giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19 tại huyện Chư Pưh

(GLO)- Chiều 28-12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tiến hành giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại huyện Chư Pưh. Bà Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.
Tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế: Chương trình đậm tính nhân văn

Tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế: Chương trình đậm tính nhân văn

(GLO)- Chương trình “Tặng sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người có hoàn cảnh khó khăn“ do BHXH Việt Nam phát động ngày 23-11 vừa qua đã nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Từ đây, nhiều người dân khó khăn đã nhận được món quà ý nghĩa nhân dịp Tết đến xuân về.
Xây dựng nông thôn mới bền vững ở Gia Lai: Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ

Xây dựng nông thôn mới bền vững ở Gia Lai: Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ

(GLO)- “Giải pháp xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững ở tỉnh Gia Lai“ là chủ đề của hội thảo khoa học do Tỉnh ủy tổ chức ngày 23-12 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa và Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Ngô Khắc Ngọc, hội thảo đã tập trung đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp để triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng NTM trong thời gian tới.
TP. Pleiku giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

TP. Pleiku giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

(GLO)- Sáng 22-12, ông Đỗ Việt Hưng-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku chủ trì Hội nghị trực tuyến đến 22 điểm cầu tại các xã, phường nhằm kịp thời triển khai các Nghị quyết kỳ họp thứ tám, HĐND thành phố khóa XII và giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Pleiku đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

Pleiku đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

(GLO)- Tại kỳ họp thứ 8 HĐND TP. Pleiku khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) diễn ra ngày 20-12, bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt, tại kỳ họp, HĐND thành phố đã thông qua 22 nghị quyết quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.