Gia Lai khẩn trương khắc phục hậu quả mưa bão

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày qua, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở ở Gia Lai đã cùng vào cuộc, khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó với bão số 4 nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, đặc biệt là thiệt hại về người. Hiện tại, các địa phương đang huy động các nguồn lực để khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa bão gây ra.

Trước và trong thời gian bão số 4 đổ bộ, Gia Lai đã nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đó là chuẩn bị sẵn sàng cho tình huống “cao hơn 1 cấp” để luôn có sự chủ động. Bởi lẽ, nếu không chuẩn bị tốt thì thiệt hại có thể sẽ rất lớn.

Không có thiệt hại về người

Theo thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, từ ngày 25-9 đến chiều 28-9, toàn tỉnh có 7 căn nhà bị tốc mái tại các huyện: Chư Sê, Mang Yang, Kbang. Mưa lớn làm ngập chân nhà sàn của 16 hộ dân ở buôn Plei A và Plei B, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện. Bên cạnh đó, nước lũ làm xói lở, xâm lấn khu dân cư tại thôn Đoàn Kết, xã Chư Răng, huyện Ia Pa. Hiện chính quyền địa phương đang cắt cử lực lượng theo dõi sát tình hình ở khu vực này. Mưa bão còn quật ngã 13 cây xanh ở TP. Pleiku và huyện Đak Đoa; làm đổ sập 700 m2 nhà lồng trồng rau ở thôn 1, xã An Phú, TP. Pleiku; làm sập cổng chào thôn 1, xã Lơ Ku, huyện Kbang và cổng sắt nhà dân ở phường Ia Kring, TP. Pleiku... Đáng mừng là bão số 4 không gây thiệt hại về người.

-Ngành Điện Gia Lai kịp thời kiểm tra để khắc phục sự cố lưới điện ở huyện Kbang. Ảnh: Hà Duy
Ngành Điện Gia Lai kịp thời kiểm tra để khắc phục sự cố lưới điện ở huyện Kbang. Ảnh: Hà Duy


Theo Công ty Điện lực Gia Lai, gió bão khiến cây xanh ngã đổ vào đường dây nên nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bị mất điện. Tính đến trưa 28-9, toàn tỉnh có 203 trạm biến áp phân phối cho 12.500 khách hàng tại 10 xã bị mất điện, gồm các xã: Ia Bă (huyện Ia Grai), Đak Smar, Sơn Lang, Đak Rong, Kon Pne, Krong, Tơ Tung, Kông Lơng Khơng (huyện Kbang), Ia Le, Ia Blứ (huyện Chư Pưh). Công ty Điện lực Gia Lai đã tập trung nhân lực để xử lý sự cố. Đến chiều 28-9, ngoại trừ xã Kon Pne, toàn bộ các xã còn lại đều đã được khôi phục hệ thống điện.

Thiệt hại do bão số 4 gây ra được hạn chế đến mức thấp nhất là nhờ các địa phương đã nỗ lực làm tốt công tác chuẩn bị và ứng phó. Cả hệ thống chính trị của tỉnh đã tập trung các giải pháp, huy động tối đa mọi lực lượng ứng phó với bão số 4 với tinh thần khẩn trương, quyết liệt nhất, không để bị động, bất ngờ, gây thiệt hại đến tính mạng người dân. Báo cáo tại buổi họp trực tuyến với Chính phủ về công tác rà soát ứng phó với bão số 4 vào tối 27-9, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long khẳng định: Tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố và các cấp cơ sở chủ động thực hiện phương châm “4 tại chỗ” để chủ động công tác phòng-chống, hạn chế tối đa thiệt hại của người dân; tổ chức trực ban 24/24 giờ tại tất cả các cấp trên địa bàn tỉnh.

Ảnh: Đinh Yến
Công nhân nhanh chóng cắt tỉa cây xanh bị gió quật ngã đổ, đảm bảo lưu thông. Ảnh: Đinh Yến


Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, để kịp thời ứng phó khẩn cấp với bão số 4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã phân công các Ủy viên đi kiểm tra, chỉ đạo các địa bàn trọng yếu. Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh cũng bám sát địa bàn 8 huyện trọng điểm về thiên tai để cùng với chính quyền cơ sở triển khai ứng phó, khắc phục hậu quả. Ngoài việc kiểm tra, rà soát, xác định những vị trí xung yếu có nguy cơ ngập lụt, sạt lở để chủ động phương án ứng phó, tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương rà soát, tổ chức di dời các vị trí có nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất trên địa bàn. Qua đó, các địa phương đã di dời 382 hộ tại các vị trí có nguy cơ cao ngập lụt, lũ quét đến nơi an toàn (huyện Kông Chro 40 hộ, Kbang 108 hộ, Ia Pa 82 hộ, Mang Yang 152 hộ) trước khi bão đổ bộ vào đất liền. Đồng thời, chuẩn bị kế hoạch sẵn sàng di dời kịp thời 8.470 khẩu tại các huyện phía Đông Nam tỉnh (huyện Phú Thiện 500 người, huyện Ia Pa 7.970 người) nếu nguy cơ bị lũ cô lập, uy hiếp; hướng dẫn người dân chằng chống nhà cửa, tổ chức thu hoạch lúa, hoa màu, diện tích nuôi trồng thủy sản ở khu vực ven sông, suối và vùng nguy cơ ngập lụt.

Tích cực khắc phục hậu quả sau mưa bão

Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục thống kê, đánh giá tình hình thiệt hại do bão số 4 gây ra để nhanh chóng triển khai các giải pháp hỗ trợ người dân khắc phục, ổn định cuộc sống. Ông Bùi Trọng Thành-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện-cho hay: Mưa bão đã làm một số diện tích lúa vụ mùa bị ngã đổ, chính quyền địa phương đang khẩn trương thống kê thiệt hại để đề xuất hỗ trợ người dân. Cùng với đó, đề nghị bà con nhanh chóng thu hoạch các diện tích lúa bị ngã đổ ngay sau khi thời tiết thuận lợi; huy động lực lượng, vận động người dân khơi thông cống rãnh thoát nước, tránh ngập úng các diện tích hoa màu. “Ngay sau khi nước rút, huyện sẽ huy động lực lượng cùng người dân dọn vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng, đảm bảo sức khỏe cho người và vật nuôi. Hiện mực nước các sông, suối, đập tràn vẫn đang ở mức cao, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất còn tiềm ẩn. Vì vậy, người dân không đi qua các khu vực này nếu không thực sự cần thiết để tránh nguy hiểm có thể xảy ra”-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Phú Thiện khuyến cáo.

 

Khắc phục vị trí sạt lở đường vành đai xã Krong-Đak Smar-Lơ Ku, huyện Kbang. Ảnh: C.T.V
Khắc phục vị trí sạt lở đường vành đai xã Krong-Đak Smar-Lơ Ku, huyện Kbang. Ảnh: C.T.V


Trong khi đó, huyện Kbang đang tiếp tục theo dõi diễn biến hoàn lưu sau bão để ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu xảy ra. Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Thanh Sơn cho hay: Sáng 28-9, huyện đã tổ chức các đoàn kiểm tra tại các xã nhằm khắc phục kịp thời thiệt hại do bão số 4 gây ra. Huyện đang thống kê, xác định mức độ thiệt hại ở một số diện tích cây trồng, đặc biệt là mía, lúa; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân thu hoạch hoa màu, lúa ngã đổ sau khi thời tiết ổn định. Bên cạnh đó, huyện cũng chỉ đạo các xã chủ động giúp dân sửa chữa những ngôi nhà bị tốc mái, dọn dẹp cây xanh ngã đổ và khôi phục đường dây điện tại một số vị trí bị mất điện.

Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang nhấn mạnh: “Hiện một số nơi vẫn còn mưa nhỏ đến mưa vừa nên chúng tôi chỉ đạo các xã, thị trấn không được lơ là, chủ quan mà thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, đặc biệt là khả năng xảy ra mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão để có biện pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả. Địa phương cũng tiếp tục kiểm tra các khu vực nguy hiểm như đập tràn, nơi có nguy cơ sạt lở cao để bố trí lực lượng ứng trực, không để người dân qua lại”.

Người dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) sửa sang nhà cửa sau khi bão số 4 đi qua. Ảnh: Ngọc Minh
Người dân xã Tơ Tung (huyện Kbang) sửa sang nhà cửa sau khi bão số 4 đi qua. Ảnh: Ngọc Minh



Đến thời điểm này, huyện Kông Chro chưa ghi nhận thiệt hại do ảnh hưởng của cơn bão số 4 gây ra. Ông Huỳnh Ngọc Ẩn-Phó Chủ tịch UBND huyện-thông tin: Trước cảnh báo về sức tàn phá của bão số 4, huyện đã sớm triển khai các giải pháp ứng phó nên hạn chế được thiệt hại. Tuy vậy, huyện vẫn không lơ là, mất cảnh giác mà tiếp tục chỉ đạo các xã cử lực lượng túc trực tại những nơi trọng yếu cho đến khi tình hình thời tiết ổn định.

Tương tự, ông Hồ Văn Thảo-Chủ tịch UBND huyện Krông Pa-cho hay: Từ đêm 27 đến sáng 28-9, trên địa bàn huyện lượng mưa rất nhỏ, nhiều xã không có mưa. Qua kiểm tra, mực nước ở sông Ba, sông Krông Năng hiện vẫn ở mức thấp. Tuy vậy, địa phương vẫn nâng cao cảnh giác, tiếp tục theo dõi sát diễn biến thời tiết để sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Hiện nay, Ban Chỉ huy Quân sự các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão số 4 đã cử cán bộ, chiến sĩ tham gia dọn dẹp nhà cửa, thu dọn cây bị ngã đổ, sẵn sàng di dời người dân ở các khu vực có nguy cơ bị ngập lụt do nước sông dâng cao. Bộ Tư lệnh Quân đoàn 3 cũng đã chuẩn bị hàng chục phương tiện, trang-thiết bị và huy động cán bộ, chiến sĩ để triển khai giúp đỡ các địa phương bị ảnh hưởng bão lũ khi có tình huống cấp bách. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cũng tiếp tục thực hiện phương châm “Bám dân, bám địa bàn, nắm chắc diễn biến mưa lũ” để có biện pháp giúp đỡ người dân, đặc biệt là tại các khu vực dễ xảy ra ngập lụt cục bộ, chia cắt do mưa lũ, nước sông dâng cao; sẵn sàng triển khai phương án cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Công an xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) cùng dân quân xã giúp người dân thu hoạch lúa bị ảnh hưởng của bão số 4 (ảnh Fanpage Công an huyện Phú Thiện).
Công an xã Ayun Hạ (huyện Phú Thiện) cùng dân quân xã giúp người dân thu hoạch lúa bị ảnh hưởng của bão số 4. Ảnh Fanpage Công an huyện Phú Thiện



Trao đổi với P.V, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên-Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng-chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh-cho biết: Sau khi bão số 4 đi qua, hoàn lưu của bão thường gây mưa lớn. Vì vậy, tỉnh yêu cầu chính quyền các địa phương chỉ đạo lực lượng chức năng tiếp tục theo dõi diễn biến thời tiết, lượng mưa, đồng thời chốt trực tại những ngầm tràn, khu vực có nguy cơ sạt lở nhằm hạn chế người dân đi lại. Bên cạnh đó, các địa phương nhanh chóng rà soát, thống kê và đánh giá thiệt hại về tài sản, cây trồng, hoa màu và nhà ở bị tốc mái… để báo cáo UBND tỉnh; khẩn trương khắc phục, xử lý những diện tích cây trồng bị thiệt hại để khôi phục sản xuất. Nếu thiệt hại nặng, các địa phương chủ động xuất ngân sách dự phòng hỗ trợ người dân; còn vượt quá khả năng thì lập báo cáo đề xuất tỉnh hỗ trợ.
 

NHÓM PHÓNG VIÊN

Có thể bạn quan tâm

Bộ Tổng Tham mưu kiểm tra các cơ quan, đơn vị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai

Bộ Tổng Tham mưu kiểm tra các cơ quan, đơn vị Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai

(GLO)- Sáng 11-1, đoàn công tác của Bộ Tổng Tham mưu do Trung tướng Nguyễn Doãn Anh-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam làm trưởng đoàn đã kiểm tra sẵn sàng chiến đấu và công tác chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai.
Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai Huỳnh Quang Thái thăm và chúc Tết Đoàn Trinh sát miền Trung

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai Huỳnh Quang Thái thăm và chúc Tết Đoàn Trinh sát miền Trung

(GLO)- Chiều 9-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai Huỳnh Quang Thái làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết Đoàn Trinh sát miền Trung (Cục Trinh sát, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) nhân dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Cùng đi có lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh thăm, chúc Tết tại huyện Kbang và Đak Pơ

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh thăm, chúc Tết tại huyện Kbang và Đak Pơ

(GLO)- Ngày 6-1, đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Thế Mạnh làm trưởng đoàn đã đến thăm, chúc Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 gia đình Anh hùng Núp và 11 gia đình nguyên lãnh đạo tỉnh, chính sách, có công với cách mạng ở 2 huyện Kbang, Đak Pơ.
Giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19 tại huyện Chư Pưh

Giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19 tại huyện Chư Pưh

(GLO)- Chiều 28-12, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tiến hành giám sát việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng-chống dịch Covid-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng tại huyện Chư Pưh. Bà Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, Trưởng đoàn giám sát chủ trì buổi làm việc.
Tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế: Chương trình đậm tính nhân văn

Tặng sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế: Chương trình đậm tính nhân văn

(GLO)- Chương trình “Tặng sổ bảo hiểm xã hội (BHXH), thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho người có hoàn cảnh khó khăn“ do BHXH Việt Nam phát động ngày 23-11 vừa qua đã nhận được sự chung tay, góp sức của cộng đồng. Từ đây, nhiều người dân khó khăn đã nhận được món quà ý nghĩa nhân dịp Tết đến xuân về.
Xây dựng nông thôn mới bền vững ở Gia Lai: Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ

Xây dựng nông thôn mới bền vững ở Gia Lai: Cần giải pháp căn cơ, đồng bộ

(GLO)- “Giải pháp xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững ở tỉnh Gia Lai“ là chủ đề của hội thảo khoa học do Tỉnh ủy tổ chức ngày 23-12 tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku). Dưới sự chủ trì của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa và Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Ngô Khắc Ngọc, hội thảo đã tập trung đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp để triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng NTM trong thời gian tới.
TP. Pleiku giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

TP. Pleiku giao chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

(GLO)- Sáng 22-12, ông Đỗ Việt Hưng-Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Pleiku chủ trì Hội nghị trực tuyến đến 22 điểm cầu tại các xã, phường nhằm kịp thời triển khai các Nghị quyết kỳ họp thứ tám, HĐND thành phố khóa XII và giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023.
Pleiku đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

Pleiku đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế-xã hội năm 2023

(GLO)- Tại kỳ họp thứ 8 HĐND TP. Pleiku khóa XII (nhiệm kỳ 2021-2026) diễn ra ngày 20-12, bên cạnh đánh giá những kết quả đạt được, các đại biểu đã tập trung phân tích, làm rõ nguyên nhân tồn tại, hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ năm 2022 và đề ra các giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt, tại kỳ họp, HĐND thành phố đã thông qua 22 nghị quyết quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 và những năm tiếp theo.