Ksor H'Ruy "cháy mình" với nghiệp múa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Vui vẻ, nhiệt tình, sống hết mình với đam mê là những gì tôi cảm nhận được sau khi tiếp xúc với nữ biên đạo múa Ksor H’Ruy (SN 1987, tổ 3, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa). Với chị, từng động tác múa đã ăn sâu vào hơi thở và chỉ khi múa, chị mới được sống với con người thật của mình.
Đam mê nghệ thuật múa từ khi còn nhỏ nhưng đến khi “lỡ một lần đò”, chị Ksor H’Ruy mới quyết tâm theo đuổi bộ môn nghệ thuật này. Theo học 5 năm tại Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Gia Lai (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai), năm 2013, chị tốt nghiệp. Sau 1 năm đi theo Đoàn nghệ thuật tỉnh Kon Tum, năm 2015, chị quyết định về lại nơi “chôn nhau cắt rốn” gầy dựng sự nghiệp theo mong muốn của gia đình. Chị đăng ký mở lớp dạy nhảy cho thanh thiếu nhi và bén duyên với việc dàn dựng tiết mục múa tại các hội thi do thị xã tổ chức. Thành công với một số tiết mục, tên tuổi của chị được nhiều người biết đến. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp và một số huyện lân cận mời chị về biên đạo các tiết mục cho đơn vị tham dự các cuộc thi trong và ngoài tỉnh. Từ đó, lịch làm việc ngày một dày, có nhiều hôm phải 1-2 giờ sáng, chị mới về đến nhà; có những lần đi biểu diễn, chị xa gia đình cả tháng trời. Dù vất vả nhưng với chị, đây là niềm vui vì được sống với đam mê.
Chị Ksor H’Ruy (thứ 5 từ phải sang) cùng đội cồng chiêng nữ của buôn làng Ảnh: Vũ Chi
Chị Ksor H’Ruy (thứ 5 từ phải sang) cùng đội cồng chiêng nữ của buôn làng. Ảnh: Vũ Chi
Chị H’Ruy tâm sự: Nghề biên đạo múa tưởng là đơn giản nhưng thực tế lại không hề dễ dàng. Mỗi động tác, từng tiết mục, người biên đạo phải vừa thị phạm, vừa tập trung quan sát, chỉnh sửa tư thế cho người tập. Người tập đủ lứa tuổi, thành phần và không phải ai cũng có năng khiếu. Vậy nên, có tiết mục chị dàn dựng chỉ trong vài giờ, nhưng cũng có tiết mục kéo dài cả tháng. Nghề làm dâu trăm họ giúp chị rèn tính kiên trì, kiềm chế cảm xúc nên ít khi nóng giận. Kịch bản chương trình nhiều khi thay đổi, có người đang tập đột ngột bị ốm phải nghỉ nên đòi hỏi biên đạo phải linh hoạt, chuẩn bị kịch bản cho những tình huống ngoài kế hoạch để không bị bể show.
Trong các thể loại, chị H’Ruy cho rằng mình có ưu thế về múa truyền thống. “Là người Jrai nên tiếng cồng chiêng đã thấm sâu trong tôi. Hồi nhỏ, mỗi khi làng tổ chức lễ hội, tôi say sưa ngắm các cô, các chị múa xoang không biết chán. Giờ đây, với vai trò biên đạo múa, tôi thường dựng các tiết mục múa mang âm hưởng dân tộc như một cách để bảo tồn, giữ gìn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bên cạnh đó, tôi tìm tòi sáng tạo, kết hợp thêm yếu tố hiện đại giúp bài múa chạm đến trái tim người xem nhanh hơn, nhiều hơn nhưng vẫn giữ được ý nghĩa”-chị H’Ruy trải lòng. Và, giải nhất diễn tấu cồng chiêng tại Hội thi văn hóa cồng chiêng các dân tộc thiểu số thị xã Ayun Pa lần thứ 2-2022 đánh dấu sự trở lại của chị sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Chị chia sẻ: Khó khăn lớn nhất trong nghề biên đạo múa là thường xuyên đi sớm, về khuya, có khi còn bị tai nạn nghề nghiệp như trật tay, trật chân… nhưng cũng phải ráng hoàn thành công việc. Chị nhớ như in lần bị chấn thương trong một buổi tập cuối năm 2021, do bất cẩn bị ngã đập đầu xuống đất. Cũng may nhờ phản xạ nhanh, chị lấy tay đỡ đầu tránh được chấn thương nặng nhưng cũng phải nằm viện điều trị gần nửa tháng.
Chị Ksor H'Ruy (bìa trái) trong một tiết mục do chính mình biểu diễn và biên đạo. Ảnh: Vũ Chi
Chị Ksor H'Ruy (bìa trái) trong một tiết mục do chính mình biểu diễn và biên đạo. Ảnh: Vũ Chi

Bà Đặng Thị Thanh Vân-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin thị xã Ayun Pa: “Chị Ksor H’Ruy là một trong số ít biên đạo múa tại Ayun Pa rất tâm huyết với nghề, có nhiều tiết mục biểu diễn ấn tượng, được đánh giá cao tại hội thi, hội diễn do thị xã cũng như tỉnh tổ chức”.

Tình yêu nghề của chị đã tiếp lửa đam mê cho nhiều bạn trẻ. Thấy chị tập luyện, nhiều em nhỏ xin học theo và được chị dạy miễn phí. Đây cũng là lực lượng chủ đạo trong các tiết mục của chị khi có đơn đặt hàng. Với chị, niềm đam mê là sức mạnh lớn nhất giúp chị bám trụ với nghề. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, các hoạt động tập thể hầu như bị tạm hoãn, chị phải chuyển sang bán bún, bán trà sữa tại nhà. Không được làm nghề, không có show diễn, chị như bị trầm cảm.
Chị H’Ruy tự cho bản thân mình là người may mắn khi được gia đình hoàn toàn ủng hộ, tạo điều kiện giúp chị theo đuổi đam mê. Hiện nay, chị dành thời gian tìm hiểu thêm văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào Bahnar để làm giàu thêm, làm mới thêm vốn kiến thức cho bản thân mình và để chuyển tải, làm phong phú thêm tiết mục nghệ thuật.
Em Ksor Văn Mai Hương (tổ 3) vui vẻ chia sẻ: “Em rất thích những bước nhảy, những động tác múa uyển chuyển của chị H’Ruy nên đã xin theo học. Hiện nay, mỗi khi có hợp đồng, chị vẫn thường cho chúng em đi biểu diễn cùng để học hỏi, rèn luyện bản thân. Em hy vọng sau này mình cũng trở thành một diễn viên múa như chị”.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.