Văn học Gia Lai một năm ấn tượng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tuy gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng văn học Gia Lai đã khép lại một năm với những dấu ấn khó phai trên văn đàn cả nước nói chung và khu vực nói riêng.
Sự kiện nhận được sự quan tâm của nhiều người trong giới viết lách, nghiên cứu có lẽ là tỉnh nhà có 5 cây bút trẻ được đề cử tham dự Hội nghị viết văn trẻ lần thứ X nhằm phát hiện, bồi dưỡng, vinh danh những cây bút trẻ tiêu biểu có khả năng sáng tạo và có dấu ấn trên con đường sáng tác. Năm cây bút nữ là Tạ Ngọc Điệp, Lê Thị Kim Sơn, Trương Thị Chung, Nguyễn Lữ Thu Hồng, Ksor H’Yuên là những gương mặt trẻ, đầy nội lực, đang trên con đường chinh phục văn chương với các đề tài liên quan đến đời sống sinh hoạt của người dân. Đặc biệt là những đề tài liên quan đến đời sống, văn hóa của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Với những người yêu mến Tây Nguyên với những trang viết say đắm về văn hóa, đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa thì không thể không nhắc đến nhà thơ Văn Công Hùng. Bản thân ông đã có gần 20 đầu sách được xuất bản trong hơn 40 năm gắn bó với mảnh đất này. Ông có cách viết hóm hỉnh, dễ thương và chịu khó tương tác, giao lưu với độc giả qua mạng xã hội. Với 22 ngàn lượt follow trên trang cá nhân, chắc chắn với sự trình làng của combo 3 cuốn sách của ông sẽ khiến cho văn đàn rộn ràng vào những ngày sắp tới: Tập thơ có tên “Chợt”, tập tản văn “Từ Tây Nguyên” và ghi chép “Nhặt chuyện văn nhân”.
Lặng lẽ nhưng khốc liệt trong những trang viết, đào sâu, tìm tòi văn hóa bản địa, nhà thơ Phạm Đức Long ở tuổi nghỉ hưu vẫn miệt mài viết lách. Năm 2021 ông cho ra đời 2 tập truyện ngắn “Độc thoại” và “Lưu lạc”. Đây là 2 cuốn sách đặc biệt của ông được ra đời trong “im lặng”. Một ngày tình cờ, ông mời uống cà phê và đưa ra những cuốn sách tặng bạn bè với thái độ từ tốn, nhẹ nhàng tĩnh lặng của một người trải nghiệm sâu sắc. Bên cạnh đó, các tác giả như: Trương Chung, Lê Vi Thủy, Lê Thị Kim Sơn, Tạ Ngọc Điệp cũng là những cây viết chọn năm 2021 để trình làng những đứa con chữ nghĩa của mình với “Hạnh phúc dịu dàng”, “Rừng gió”, “Hẹn yêu” và “Chuyện trên núi cao”.
Trong năm 2021, Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai đã đổi mới hình thức sinh hoạt bằng hình thức làm clip các chương trình thơ nhạc với sự tham gia của đông đảo hội viên chuyên ngành Văn học. Ảnh: Đào An Duyên
Trong năm 2021, Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai đã đổi mới hình thức sinh hoạt bằng việc thực hiện các clip thơ nhạc với sự tham gia của đông đảo hội viên chuyên ngành Văn học. Ảnh: Đào An Duyên
Đối với những cây bút trẻ, việc tham gia cộng tác với các báo cũng là một cách để “rèn bút”. Những cây bút cộng tác ở mục văn hóa-văn nghệ thường xuyên xuất hiện trên báo Gia Lai hầu hết là hội viên chuyên ngành Văn học của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh. Có thể kể đến như Phạm Đức Long, Lữ Hồng, Đào An Duyên, Ngô Thanh Vân, Lê Vi Thủy, Tạ Ngọc Điệp, Mai Hương, Trần Hồng Vân… Đặc biệt, các tác giả: Văn Công Hùng, Hương Đình, Thu Loan, Hoàng Thanh Hương… thường xuyên có tác phẩm trình làng ở những tạp chí viết chuyên ngành văn nghệ uy tín. Những cuộc thi viết do các tổ chức, cơ quan báo chí phát động cũng là một cách để khẳng định thương hiệu, khả năng viết lách. Tác giả Lữ Hồng, Phạm Đức Long với giải ba và khuyến khích cuộc thi viết về “Du lịch phố núi Pleiku” do Báo Gia Lai phối hợp UBND TP. Pleiku tổ chức. Trong tập truyện ngắn tuyên truyền bình đẳng giới có tên “Cánh chim tự do”, tuyển chọn 30 truyện ngắn tiêu biểu để xuất bản, Gia Lai cũng có 3 tác giả được chọn. 
Năm 2021 còn rộn ràng bởi là năm các tác giả được xét thưởng giải thưởng văn học nghệ thuật giai đoạn 2015-2020. Ở chuyên ngành Văn học có 11 tác giả đạt giải. Tác giả Thu Loan đạt giải cao nhất với tác phẩm “Nơi xưa là rừng”. Nghệ sĩ Ưu tú Đặng Công Hưng-Phó Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh-nhận xét: “Dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng với lòng say mê nghề nghiệp, trách nhiệm thời cuộc, với tình yêu quê hương đất nước, các tác giả chuyên ngành Văn học của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh đã bám sát các chủ đề mang tính thời sự. Họ sáng tác với cái nhìn mềm mại nhưng đầy tính chiến đấu, tính tuyên truyền cao, đầy sức lay gợi và đong đầy xúc cảm. Qua sáng tác của mình, họ đã giới thiệu đến bạn bè về mảnh đất và con người Gia Lai đầy sinh động, lôi cuốn. Các tác giả duy trì phong độ sáng tác, có nhiều tác phẩm công bố ở nhiều nơi. Năm 2022 đang gõ cửa, hy vọng rằng đội ngũ sáng tác văn học của Gia Lai sẽ nỗ lực nhiều hơn để có nhiều tác phẩm đặc sắc, góp phần vào xây dựng, phát triển nền văn học nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thể hiện rõ vai trò tích cực trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của tỉnh nhà”.
Nữ nhà thơ Louise Elisabeth Gluck-giải Nobel Văn học năm 2020-cho rằng: “Cả ngay khi tai ương xảy ra hay lúc bình thường trên trái đất vẫn có những người âm thầm viết, vẽ, làm phim, chơi đàn… họ vẫn hàng ngày ghi lại các nhịp đập bí ẩn của nhân gian này, dù phần còn lại của thế giới biết hay không biết”. Với đội ngũ văn nghệ sĩ ở Gia Lai cũng vậy, họ vẫn âm thầm viết, ra sách, làm việc dù với họ viết như một cái duyên, cái chữ có phận với mình mà quyết tâm theo đuổi. Vậy nên, họ rất nghiêm túc trong làm nghề, mỗi người một nghề khác nhau nhưng gặp nhau ở sự đồng cảm ở những trang văn, cây bút và con chữ.
MINH UYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.