Chương trình phát thanh tiếng địa phương: Kênh truyền thông hiệu quả

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chương trình phát thanh bằng tiếng Jrai, Bahnar do Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao một số địa phương trong tỉnh Gia Lai duy trì thời gian qua đã phát huy tác dụng nhất định trong công tác thông tin, tuyên truyền vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Huyện Krông Pa có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm đến 69%. Do đó, việc cung cấp thông tin mọi mặt đến đối tượng này được Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện xem là nhiệm vụ quan trọng. Giám đốc Trung tâm Ngô Đức Mạo cho hay: “Hiện tại, hầu hết các thôn, buôn trên địa bàn huyện đều có 2-3 cụm loa truyền thanh không dây. Đây là phương tiện truyền tải thông tin về mọi lĩnh vực đến với bà con. Vì vậy, mỗi ngày, sau khi tiếp sóng Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh, đơn vị đều đặn phát chương trình cập nhật các thông tin của huyện trong ngày, đồng thời dịch sang tiếng Jrai”. Theo ông Mạo, chương trình phát thanh tiếng Jrai có thời lượng 5-7 phút. Đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, chương trình cung cấp thông tin kịp thời trên tất cả các lĩnh vực của đời sống, sự kiện thời sự chính trị quan trọng đến người dân.

 Phát thanh viên Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa thu âm chương trình phát thanh tiếng Jrai hàng ngày. Ảnh: Phương Vi
Phát thanh viên Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa thu âm chương trình phát thanh tiếng Jrai hàng ngày. Ảnh: Phương Vi


Tại huyện biên giới Đức Cơ, chương trình phát thanh song ngữ Việt-Jrai được triển khai thực hiện 6 năm nay. Nội dung chương trình gắn liền với diễn biến đời sống xã hội của địa phương và chính sách dân tộc, bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc, chống vượt biên, giới thiệu gương điển hình tiên tiến trong đồng bào dân tộc thiểu số… Ông Nguyễn Quốc Anh-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Đức Cơ-chia sẻ: “Mỗi tháng, chúng tôi thực hiện một chuyên đề tiếng Jrai phát trên hệ thống loa truyền thanh không dây đến tận thôn, làng. Các chương trình được biên tập nội dung kỹ càng và nhờ ông Rơ Châm Jơt-giáo viên dạy tiếng Jrai ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện dịch sang tiếng Jrai và thu âm giúp. Việc duy trì các chương trình phát thanh tiếng Jrai đã tạo thuận lợi cho bà con hạn chế tiếng phổ thông tiếp cận đầy đủ thông tin cần thiết”.

Hai năm nay, huyện Mang Yang luôn chú trọng xây dựng nội dung chương trình phát thanh tiếng Bahnar. Bà Lê Thị Thanh Thủy-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện-cho hay: “Nhằm cung cấp thông tin, đẩy mạnh tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho bà con dân tộc thiểu số, chúng tôi duy trì chương trình phát thanh 2 số/tháng với thời lượng 15 phút/số”. Theo bà Thủy, hiện tại, Trung tâm chưa có biên tập viên và phát thanh viên tiếng Bahnar. Do đó, mỗi số phát thanh, Trung tâm nhờ các trí thức người Bahnar dịch và thu âm.

Nhận xét về chương trình phát thanh tiếng địa phương hàng ngày trên loa truyền thanh, ông La O Khởi (buôn Ma Giai, xã Đất Bằng, huyện Krông Pa) cho biết: “Khi được nghe các chương trình phát thanh qua cụm loa FM bằng chính ngôn ngữ của mình, bà con hiểu, tiếp nhận được nhiều thông tin bổ ích một cách thuận lợi, dễ dàng, đầy đủ. Thông tin về đại hội Đảng các cấp hay cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, công tác phòng chống dịch Covid-19, sản xuất vụ mùa... được tuyên truyền bằng tiếng Jrai nên bà con hiểu nhanh, hiểu rõ, thấy được trách nhiệm và tích cực tham gia góp phần vào thành công chung của sự kiện”.

Phát huy kết quả đạt được, các Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao nhận thức tiếp tục cải tiến, nâng cao hơn nữa chất lượng của chương trình phát thanh song ngữ. Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa cho hay: “Trên cơ sở tiếp nhận phản hồi, góp ý của cán bộ, người dân về chương trình, chúng tôi đúc rút kinh nghiệm và xây dựng nội dung phù hợp hơn. Về phần mình, chúng tôi có kế hoạch cử biên tập viên, phát thanh viên tiếng Jrai tham gia các lớp bồi dưỡng tiếng Jrai ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện nhằm trang bị vốn ngôn ngữ bản địa cũng như trau dồi cách phát âm chuẩn hơn để tăng hiệu quả, chất lượng chương trình”.

 

PHƯƠNG VI

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.