Nguyễn Vinh: Theo đuổi đam mê nghệ thuật điêu khắc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nguyễn Vinh được biết đến là nhà điêu khắc trẻ, năng động và đầy nhiệt huyết trong hoạt động nghệ thuật. Nguyên là giảng viên Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật Gia Lai (nay là Trường Cao đẳng Gia Lai), nhưng với bản tính phóng khoáng, anh đã trở về mở xưởng điêu khắc riêng để tự do sáng tác và đeo đuổi niềm đam mê nghệ thuật của riêng mình.
Theo đuổi đam mê
Nguyễn Vinh chọn điêu khắc và coi đây như “nghiệp” của mình. Với niềm đam mê sẵn có, Nguyễn Vinh đã sống và gắn bó hết mình với điêu khắc. Sau bao năm, với nhiều thành công trên con đường nghệ thuật, anh cho rằng đó là cái “duyên” gắn bó anh với nghề. Bởi theo anh, nghề điêu khắc như lửa thử vàng, nếu không theo đuổi đam mê và sống hết mình với nó sẽ không bao giờ gặt hái được thành công.
Những năm còn ngồi trên ghế trường đại học, Nguyễn Vinh sáng tác rất nhiều và có tác phẩm tham gia triển lãm mỹ thuật toàn quốc đạt giải thưởng cao. Đó chính là bệ phóng đầu tiên đưa anh đến với hàng loạt giải thưởng sau này. Chia sẻ về quan điểm sáng tác, Nguyễn Vinh cho rằng nghệ thuật phải tiếp cận và gần gũi với công chúng. Chính vì thế, anh luôn chú trọng mảng đề tài về cuộc sống, lấy chất liệu cuộc sống để thể hiện tâm tư của người nghệ sĩ. Hàng loạt tác phẩm tham gia triển lãm và trại sáng tác từ năm 2010 đến nay như  “Dưới phố”, “Xuống phố”, “Thành phố ô nhiễm”, “Ngẫm”, “Đợi”, “Mùa khô”, “Hằn vết”… đã cho thấy cách anh nhìn cuộc sống thật dung dị nhưng đầy hiện thực, nội tâm và sâu sắc.
Nhà điêu khắc Nguyễn Vinh bên tác phẩm “Anh hùng Núp”. Ảnh: T.L
Nhà điêu khắc Nguyễn Vinh bên tác phẩm “Anh hùng Núp”. Ảnh: T.L
Gần đây, anh tham gia Triển lãm mỹ thuật khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên với tác phẩm “Vượt khó”. Tác phẩm này thể hiện mong muốn xây cho các em học sinh vùng sâu, vùng xa một cây cầu đến trường trong mùa lũ, khi các em phải qua sông bằng chiếc cầu dây nguy hiểm. Hay khi cả thế giới đang đương đầu với cuộc chiến chống dịch Covid-19 thì Việt Nam đã có chiến lược đúng đắn để khống chế, dập dịch thành công. Hình ảnh những bác sĩ làm việc quên mình để cứu chữa bệnh nhân, người chiến sĩ canh giữ biên giới ngày đêm hy sinh thầm lặng, cả sự nhân văn sẻ chia từ chiếc máy ATM gạo trong cơn đại dịch đã được Nguyễn Vinh đưa vào tác phẩm điêu khắc “Nắm đấm sắt”. Đây là tác phẩm mang lại thành công cho Nguyễn Vinh trong mảng đề tài phòng-chống Covid-19 năm 2020.
Dung hòa nghề và cuộc sống
Nguyễn Vinh tâm sự: Hiện nay, điêu khắc chủ yếu được biết đến với các công trình tượng đài, phù điêu đặt ở quảng trường hay những nơi công cộng. Tác phẩm điêu khắc làm ra không có nơi trưng bày và không bán được bởi chưa có thị trường dành cho môn nghệ thuật này. Anh cho biết, chi phí cho một tác phẩm điêu khắc hiện rất cao. Để có một tác phẩm tham gia triển lãm, nghệ sĩ phải đầu tư rất nhiều kinh phí. Không chỉ tốn kém về tiền bạc, đây còn là môn nghệ thuật khá nặng nhọc, khi nghệ sĩ phải kiêm luôn công việc làm nhôm, sắt, đúc đồng như một người thợ.
Để sống được với nghề và có kinh phí sáng tác, anh phải làm thêm nhiều công việc khác theo đơn đặt hàng như đúc phù điêu, mặt nạ, trang trí nội-ngoại thất, làm tiểu cảnh... Hiện anh là một trong số ít nhà điêu khắc nhận được đơn đặt hàng từ các doanh nghiệp và một số cửa hàng, nhà hàng, tư gia. Tuy nhiên, không phải lúc nào công việc cũng thường xuyên, nhất là khi nền kinh tế chung đang gặp khó khăn. Để duy trì hoạt động của xưởng điêu khắc, anh mở thêm lớp đào tạo nghề, bồi dưỡng học sinh ôn thi ngành Mỹ thuật. Theo anh, việc tiếp thêm ngọn lửa đam mê cho thế hệ trẻ là điều cần thiết, bởi không có đam mê, nhiệt huyết thì khó ai có thể yêu thích và theo học bộ môn nghệ thuật tạo hình đầy khó khăn, vất vả này.
Chật vật với nghề nhưng Nguyễn Vinh vẫn luôn lạc quan. Điều mong mỏi của anh là có môi trường và không gian cho điêu khắc tồn tại. Theo anh, khi một tác phẩm nghệ thuật ra đời, mong muốn lớn nhất của người nghệ sĩ là đưa nó tiếp cận được với công chúng. Muốn vậy cần có không gian phù hợp để trưng bày tác phẩm. Hiện nay, tại TP. Pleiku, không gian quảng trường, bảo tàng, công viên… đều là những nơi lý tưởng, thích hợp cho trưng bày điêu khắc. Ngoài ra, một địa điểm nữa có thể thích hợp cho một khu vườn tượng giữa lòng thành phố đó là khoảng không gian dọc theo suối Hội Phú đang dần được hoàn thiện. Với anh, sự có mặt của điêu khắc nghệ thuật ở những không gian này sẽ đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của công chúng, đồng thời sẽ khoác lên một diện mạo mới đầy sức sống cho Phố núi Pleiku, một đô thị trẻ đang từng ngày phát triển.

Nhà điêu khắc Nguyễn Vinh hiện là Phó Chi hội trưởng Chi hội Mỹ thuật Việt Nam tại Gia Lai; hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai. Anh đã đạt nhiều giải thưởng như: huy chương đồng Triển lãm mỹ thuật toàn quốc năm 2010; giải khuyến khích Triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc lần thứ 5 (2003-2013), giải B Triển lãm khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên năm 2018; giải C Triển lãm khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên năm 2020; giải A, B Giải Văn học-Nghệ thuật tỉnh Gia Lai.

THANH LAN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.