Níu giữ thanh âm xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khi công nghệ thông tin ngày càng phát triển, chỉ cần 1 chiếc smartphone là có thể thưởng thức âm nhạc. Vậy nhưng anh Nguyễn Thành Chung (SN 1975, phường Yên Thế, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) vẫn “ngược dòng thời gian” sưu tầm từng bộ âm ly, dàn âm thanh, máy phát nhạc đến đĩa than, băng cối của những năm 70 thế kỷ trước trong niềm đam mê bất tận.
Hoài niệm âm thanh
Căn phòng rộng chừng khoảng 50 m2 là không gian trưng bày các thiết bị âm thanh có thương hiệu một thời như: Pioneer, TEAC, Zenith, Tascam... Dẫn tôi tham quan một vòng, anh Chung giới thiệu với ánh mắt đầy tự hào: “Đây là “bảo tàng” đồ cũ mà tôi dày công sưu tầm trong suốt 10 năm qua”.
Cẩn thận lấy trong hộp gỗ ra 1 chiếc đĩa nhạc của ca sĩ Chế Linh, anh Chung lau chùi thật kỹ rồi bỏ vào đầu băng cối hiệu TEAC, nhẹ nhàng ấn nút. Mô tơ quay nhẹ, chiếc đĩa quay những vòng chậm rãi, phát ra điệu nhạc du dương.
Vặn nhỏ loa, anh tâm sự: “Từ nhỏ, tôi đam mê dòng nhạc của thập niên 60-70. Gia đình khó khăn không thể sắm máy phát nhạc nên tôi thường nghe ké nhà hàng xóm. Những bài hát được thu âm theo kiểu analog nên giọng của ca sĩ rất “mộc”, bao trùm lên nhạc đệm, có chiều sâu, càng nghe càng thấy thấm, chứ nhạc điện tử sau này bị xử lý nhiều quá. Dù công nghệ ngày càng phát triển nhưng tôi vẫn yêu thích những thiết bị, âm thanh có tuổi đời hàng chục năm là vì thế”.
Anh Nguyễn Thành Chung bên các máy phát nhạc cổ xưa trong bộ sưu tập của mình. Ảnh: Phan Lài
Anh Nguyễn Thành Chung bên các máy phát nhạc cổ xưa trong bộ sưu tập của mình. Ảnh: Phan Lài
Năm 2010, khi đã có điều kiện hơn, anh Chung bắt đầu sưu tầm, rồi càng ngày càng gắn bó, tìm hiểu sâu về máy hát cũ. Anh tâm đắc nhất chính là bộ loa toàn dải sản xuất tại châu Âu cách đây khoảng 70 năm, gồm có 4 loa, màng loa được làm từ vật liệu composite sợi polime. Khung và cửa loa làm bằng gỗ, kiểu dáng rất đẹp nhưng nặng gần 2 tạ.
Theo anh Chung, đây là bộ loa độc nhất vô nhị ở khu vực Tây Nguyên, anh mua lại của một người ở tỉnh Bình Định với giá hơn 120 triệu đồng.
Bộ loa toàn dải nặng gần 2 tạ. Ảnh: Phan Lài
Bộ loa toàn dải nặng gần 2 tạ. Ảnh: Phan Lài
Trong “bảo tàng” của anh Chung còn lưu giữ 1 bộ đầu đĩa than hãng Zenith của Mỹ được đóng bằng gỗ cao cấp, logo dập nổi rất giá trị, vẫn còn đầy đủ giấy tờ nơi sản xuất, nguồn gốc linh kiện. Ngoài ra, anh còn sở hữu 1 đầu băng cối lữ hành hiệu Columbia trông như 1 chiếc va li xách tay dành cho các gia đình đi du lịch trong thập niên 70. Những thiết bị âm thanh này dù ra đời cách đây hàng chục năm nhưng vẫn còn hoạt động tốt.
“Việc bảo quản cũng khá kỳ công, vệ sinh thường xuyên để tránh ẩm mốc, tránh bụi; đặc biệt, đĩa than phải để trong hộp, thường xuyên lau chùi, khi nghe phải nghe hết bài để đĩa mòn đều”-anh Chung chia sẻ.
“Nghề chơi cũng lắm công phu”
Thú chơi nào cũng vậy, ngoài đam mê còn phải chịu khó đầu tư. Để sở hữu những đầu máy, bộ loa, băng cối giá trị, anh Chung đã mất nhiều thời gian sưu tầm. Khi nghe thông tin ở đâu có những thiết bị âm thanh xưa, anh đều liên hệ đặt hàng trước, sắp xếp công việc và sẵn sàng đi hàng trăm cây số để được ngắm và mua những đồ vật giá trị ấy.
Vì thế, những món đồ trong “bảo tàng” của anh được mua về từ khắp nơi trong nước như: Quảng Nam, Bình Định, Bà Rịa-Vũng Tàu, Lâm Đồng… Hy hữu, cũng có những thiết bị anh may mắn mua lại được từ những người mua bán đồng nát. Do không được bảo quản cẩn thận nên một số thiết bị bị méo mó, hư hỏng, phải sửa chữa. Có nhiều món đồ, tìm linh kiện phù hợp để thay thế phải đợi mấy tháng trời.
“Mỗi lần sưu tầm được những máy phát nhạc, băng đĩa xưa cũ hay những thiết bị âm thanh tưởng chừng vứt đi khi được sửa chữa thành công, nghe âm thanh phát ra từ những chiếc máy đó, tôi vui sướng không lời nào diễn tả được”-anh Chung tâm sự.
Đầu băng cối lữ hành hiệu Columbia dành cho các gia đình đi du lịch trong thập niên 70. Ảnh: Phan Lài
Đầu băng cối lữ hành hiệu Columbia dành cho các gia đình đi du lịch trong thập niên 70. Ảnh: Phan Lài
Càng nghe càng say, càng sưu tầm càng đam mê nên anh Chung có thể hiểu rõ từng đặc điểm, sự độc đáo của từng chiếc máy. Tùy thuộc vào nguồn gốc, độ cũ, độ hiếm, hình dáng… mà sản phẩm có giá khác nhau, từ vài triệu đến vài trăm triệu đồng. Hiện tại, anh Chung đang sở hữu 10 bộ thiết bị âm thanh giá trị được sản xuất trước năm 1970. Có nhiều người ngỏ ý muốn mua lại với giá cao nhưng anh không bán vì muốn giữ lại như một kỷ niệm.
Sở hữu bộ sưu tập độc đáo đã giúp anh Chung biết thêm nhiều người bạn cùng đam mê. “Bảo tàng” của anh trở thành điểm hẹn của những người mê âm thanh xưa cũ. Vào mỗi buổi sáng cuối tuần, anh thường cùng bạn bè nghe nhạc, thưởng trà, chiêm ngắm những món đồ đã nhuốm màu thời gian. Anh bày tỏ: “Đều là những người đam mê âm thanh cũ, mình có những bộ máy phát nhạc từ ngày xưa nên mời mọi người cùng nghe. Cái hay, cái đẹp mà được chia sẻ với  nhiều người thì mới nhân lên được giá trị”.
Máy phát nhạc bằng đĩa than. Ảnh: Phan Lài
Máy phát nhạc bằng đĩa than. Ảnh: Phan Lài
Anh Huỳnh Tấn Hải-một người bạn lâu năm với anh Chung-chia sẻ: “Tôi rất thích nhạc xưa, nhưng chưa đủ điều kiện để sở hữu những thiết bị âm thanh giá trị như anh Chung. Được nghe giọng của những danh ca yêu thích trên những đầu đĩa, bộ loa của thập niên 70 thực sự rất đã”. 
Hiện tại, anh Chung là Phó Giám đốc Bệnh viện 331. Thú vui sưu tầm máy nhạc cũ đã giúp tâm hồn anh thư thái hơn sau những giờ làm việc căng thẳng. Niềm đam mê của anh Chung đã giúp những thiết bị âm thanh xưa cũ không còn phải ngủ vùi trong sự lãng quên của thời gian và từ đó những bản nhạc một thời lại được cất lên cùng biết bao hoài niệm.
PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.