Có một An Khê lung linh trong nhạc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2003, An Khê (tỉnh Gia Lai) tổ chức một sự kiện văn hóa khá “đình đám” với việc mời 10 nhạc sĩ nổi tiếng trong cả nước tham gia một đợt thực tế sáng tác trước khi địa phương này lên thị xã. 18 năm sau “đơn đặt hàng” đặc biệt này, có 2 nhạc phẩm vẫn mãi ghi dấu trong lòng người yêu văn nghệ. Đó là ca khúc “Bên dòng sông Ba” của nhạc sĩ Ngọc Tường và “Phố núi” của nhạc sĩ Trần Tiến.   
1. Trò chuyện cùng chúng tôi, nhạc sĩ Ngọc Tường nhớ lại: Năm đó, các nhạc sĩ được mời về An Khê thực tế sáng tác chủ yếu là những tên tuổi lớn của làng âm nhạc Việt Nam như: Văn Ký, Tố Hải, Văn Chừng, Ánh Dương, Nguyễn Cường…; chỉ mình ông là người ở Gia Lai và ít tuổi nhất.
Chiều tối, vừa xuống tới nơi, các nhạc sĩ được đưa đến thăm đầu đèo An Khê, những ngày sau tiếp tục thăm thú các điểm đến nổi bật, đặc biệt là quần thể di tích Tây Sơn Thượng đạo… để tìm kiếm cảm hứng sáng tác. Nhạc sĩ Ngọc Tường hóm hỉnh kể tiếp: “Đâu chừng 3-4 đêm sau, anh Nguyễn Cường gặp tôi liền cao hứng đọc 2 câu trong bài hát anh vừa sáng tác: “Ngọn gió đi qua nơi đây, nghe Ngô Mây về hát bài chòi/Ngọn gió đi qua nơi đây, lên non cao tìm Anh hùng Núp”. Tôi nói, anh viết về gió, em cũng viết về gió đầu đèo. Thôi em hát anh nghe luôn chứ để anh nói em “chôm” cái tứ của anh: “Gió đi qua đỉnh đèo An Khê, mang theo hương Biển Đông/Trống chiêng ngân lưng đèo Mang Yang, xôn xao đêm nhà rông…”.
Từ 2 câu đầu rất gợi, rất thơ ấy, nhạc sĩ Ngọc Tường đã viết tiếp những dòng thật đẹp, xôn xao nét nhạc về vùng đất nằm giữa 2 đèo mây: “Sóng nước biếc dọc dài sông Ba/An Khê mênh mang mưa ngàn gió biển/Hai đèo mây soi chung dòng nước…”. Ca khúc ấy đã được khá nhiều ca sĩ thể hiện và cũng được không ít thí sinh chọn biểu diễn tại các cuộc thi. 

Sau đợt thực tế sáng tác kể trên, nhạc sĩ nào cũng có một tác phẩm gửi về Ban tổ chức. Nhạc sĩ Văn Ký có “Ngày về An Khê”, Văn Chừng với “An Khê-miền quê mãi nhớ”, Nguyễn Cường có “Ngọn gió qua nơi đây”… Nói về sức sống trong tác phẩm của mình, nhạc sĩ Ngọc Tường khiêm tốn: “Cùng viết về gió đỉnh đèo nhưng tôi và anh Nguyễn Cường mỗi người phát triển ca khúc theo một cách khác nhau. Bài hát của tôi “sống” được đến giờ chắc cũng do duyên số”.  

Đèo An Khê. Ảnh: Phan Nguyên
Đèo An Khê. Ảnh: Phan Nguyên
2. Nếu không được nghe kể tường tận, nhiều người hẳn không tin rằng ca khúc “Phố núi” được sáng tác theo “đơn đặt hàng”. Sau gần 20 năm, ca khúc vẫn làm lay động cảm xúc ngay khi câu đầu được cất lên: “Thung lũng buồn trong mờ sương, nhà tôi chênh vênh trên đèo mây/Phố núi nghèo như bàn tay, nhà bên kia vẫy nhà bên này…”.
Về câu chuyện “Phố núi” được sáng tác như thế nào, ông Trịnh Duy Côn (104 Hùng Vương, TP. Pleiku) là người nắm rõ nhất. Ông Côn chuyên kinh doanh âm nhạc, là một trong những người bạn của nhạc sĩ Trần Tiến tại Pleiku.
Bên bàn trà sáng, ông Côn hồi tưởng: Hôm đó, từ An Khê về lại Pleiku, nhạc sĩ Trần Tiến than “bí” vì chưa tìm ra cảm hứng để hoàn thiện tác phẩm dù đã là hạn cuối. Vậy là cả 2 rủ nhau đi… nhậu ở quán lẩu Văn Chừng trên đường Thống Nhất (TP. Pleiku). Nhấp vài ly rượu, từ trên căn gác, nhạc sĩ Trần Tiến trầm ngâm nhìn ra con dốc nhỏ thấp thoáng trong làn sương rất mỏng và chợt vỗ đùi, rồi lập tức lấy bản thảo trong túi ra.
Chỉ trong chốc lát, tác phẩm đã được hoàn thiện với những cảm xúc vô cùng chân thật, cuốn hút, chẳng chút gượng ép. Ở đó, An Khê hiện ra thật ngỡ ngàng, mềm mại và đầy chất thơ: “Thung lũng buồn bên nhà rông, người thiếu nữ vú cao môi hồng/Tà váy rộng gió thổi tung, bắp chân trần như chớp đêm giông…”. Chưa hết, đó còn là: “Phố núi nghèo bên dòng sông, ghềnh đá trắng dấu xưa oai hùng/Tráng sĩ nghèo áo vải nâu, đèo An Khê cưỡi voi chập chùng/Thung lũng xanh, những giai nhân và những anh hùng…”.
Bằng chất nhạc man mác rất Trần Tiến cùng những hình ảnh quá đỗi đặc trưng, nhạc sĩ tài hoa ấy đã giúp ta ngay lập tức nhận ra: Đó chỉ có thể là An Khê chứ không thể là vùng đất nào khác! Chính từ ca khúc này mà An Khê thường được mệnh danh là vùng đất của “những giai nhân và những anh hùng”.
Những ngày đông lạnh này, bên ly cà phê thật ấm, càng nghe đến những câu cuối của ca khúc, ta càng hiểu, càng thấm vẻ đẹp và cốt cách của một vùng đất: “Thung lũng buồn chuông chiều rung, choàng cho em thêm khăn lạnh ấm/Phố núi nghèo ly rượu say, còn liêu xiêu tiễn bạn cuối đèo…”.
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Ngọc Phú: Tấm áo Điện Biên

Thơ Nguyễn Ngọc Phú: Tấm áo Điện Biên

(GLO)- Tấm áo trấn thủ đã trở thành biểu tượng gắn liền với người chiến sĩ Điện Biên trong suốt 56 ngày, đêm "đánh lấn từng thước đất". Ngắm nhìn tấm áo ấy được trưng bày trong bảo tàng, tác giả Nguyễn Ngọc Phú bồi hồi, tưởng như được sống lại phút giây chiến đấu hào hùng của cha anh.
Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

Thơ Hà Hoài Phương: Tự khúc

(GLO)- "Tự khúc" của tác giả Hà Hoài Phương là những chiêm nghiệm rất thực về cuộc đời. Sau cơn mưa trời lại sáng, không có điều gì tồn tại mãi, dù đó có là những niềm vui, hạnh phúc hay khổ đau...
Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

Nhà báo-nhà văn Nguyễn Hoàng Thu: Cả đời gắn bó với Tây Nguyên

(GLO)- Tôi bước vào nghề báo thì gặp anh Nguyễn Hoàng Thu. Bấy giờ, anh cũng mới vào Báo Thanh Niên, thường trú ở Tây Nguyên. Lúc này, anh còn độc thân, sống ở Buôn Ma Thuột. Anh hơn tôi đến chục tuổi, thường đội chiếc mũ beret màu đen trông rất lãng tử, nhưng tính tình khá trẻ trung và cá tính.

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

Thơ Phạm Đức Long: Mây trắng trời quê

(GLO)- Biết bao nhiêu người đã ngã xuống, đổi máu xương cho đất nước, quê hương thanh bình. Thương xót và biết ơn, những dòng thơ của nhà thơ Phạm Đức Long cũng trở nên da diết: "Xin người hóa núi hóa sông/Ngàn năm mây trắng phiêu bồng bóng quê!"...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...