Đọc sách cùng bạn: Cô gái Dao đầu hai xoáy tung vó ngựa trời Âu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chào bạn, ta gặp lại nhau. Lần này cuốn sách ta đọc là cuốn tự truyện của một cô gái vùng cao kể về hành trình ngược chiều của mình để đến với học vấn và khoa học từ trong nước ra ngoài nước.

 



Một cô gái dân tộc Dao Tuyển ở thôn Ngám Xá, xã Nậm Chạc, huyện Bát Xát (Lào Cai) sát biên giới Việt Trung đã trở thành người đầu tiên trong bản đậu đại học và cũng là người đầu tiên ở xã vùng cao này đi du học châu Âu. Năm 2016, sau khi tốt nghiệp xuất sắc trường Đại học Lâm Nghiệp Việt Nam và đi làm hai năm, cô đã giành được học bổng toàn phần Erasmus Mundus trị giá 50.000 USD đào tạo thạc sĩ ngành quản lý tài nguyên rừng bền vững của Trường đại học Gottingen (Đức) và Trường đại học Padova (Italia). Cuốn sách mang tên “Đường ngược chiều từ bản người Dao đến học bổng Erasmus”. Và tên tác giả là Chảo Yến.

Đường ngược chiều của Chảo Yến là đi ngược lại những định kiến, quan niệm, thái độ của dân bản, kể cả bố mẹ và những người thân nhất trong họ hàng, gia đình, cho rằng con gái thì không nên học lắm làm gì, con gái người dân tộc thiểu số thì càng không mong học cao vì học sao lại người Kinh. Cô bé đi học sớm tuổi khi được mẹ cho đi theo cùng chị đến trường ngày khai giảng và rồi từ ngày đó, việc học của cô là chuỗi ngày vật lộn với cái sự ăn đói mặc rách và đủ mọi sự thiếu thốn của một gia đình nông dân nghèo vùng cao.

Hãy nghe cô thạc sĩ hiện nay ở thủ đô kể lại cái ăn của cô bé là mình hồi nhỏ ở quê: “Tôi khai vị bữa sáng bằng lá me rừng, món chính là lá xuyến chi, có hôm đổi sang lá tàu bay cho phong phú. Tôi kết thúc bữa sáng bằng món tráng miệng là lá chó đẻ, có nơi gọi là sam hôi. Tôi chào đón bữa trưa bằng món nộm lá thập cẩm: lá chó đẻ, lá tàu bay, lá me rừng, lá xuyến chi và nhiều loại “rau thơm” khác có nguồn gốc xuất xứ không từ trên cành cây thì cũng dưới mặt đất. Bữa tối của tôi sẽ hoành tráng hơn vì tôi được ăn ở những nơi yêu thích của loài lợn như chuồng lợn hoặc các bụi rậm và tất nhiên, các món ăn cũng không kém phần đặc sắc. Tất cả các bữa ăn của tôi đều được ăn kèm với một loại gia vị mà gia đình người Việt Nam nào cũng có, đó là muối trắng” (tr. 41).

Cứ thế,  bố mẹ suốt ngày lên nương rẫy, cô bé sống tự nhiên như cây cỏ cùng chúng bạn và đi học hồn nhiên như đi chơi. Nhưng cô đã được Trời phú cho trí thông minh nên học giỏi. Học giỏi nhưng hết năm lớp 9 thì cô đành phải ở nhà cùng anh trai theo bố mẹ lên rẫy phát nương hoặc chăn trâu, lấy củi dù cô rất muốn được xuống huyện dự thi vào lớp 10. Thầy giáo thương trò đến nhà thuyết phục bố mẹ cho cô đi học tiếp cũng không được và cô sau khi nghe lỏm xong câu chuyện của người lớn lòng đầy buồn bã đã ra ngồi chuồng lợn khóc ròng bỏ cả bữa tối. Để nguôi ngoai nỗi thèm học, cô tranh thủ những lúc chăn trâu lại đứng nấp ghé lớp học mà mình đã học qua đến nỗi thầy giáo cũ lại cho vào lớp ngồi cùng để có dịp ôn lại kiến thức cũ mong năm sau đi thi. Hy vọng lại nhen nhóm trong cô. Nhưng rồi nó lại nhanh chóng bị dập tắt bởi những lời bàn ra tán vào của bà con xóm bản để cuối cùng bố mẹ cô quyết định dứt khoát và lạnh lùng là cô phải ở nhà đi rẫy thay vì đi học tiếp. Đó là sự ngược chiều.

 


ĐƯỜNG NGƯỢC CHIỀU

TỪ BẢN NGƯỜI DAO ĐẾN HỌC BỔNG ERASMUS

Tác giả: Chảo Yến

Sống & Nxb Thế Giới, 2020

Số lượng: 2000

Số trang: 277

Giá bán: 129.000đ


Ba năm ở nhà cô đã những muốn ruồng bỏ, quên đi ước mơ đến trường học tiếp, nhất là khi cô phải chứng kiến cảnh các chủ nợ đến nhà mình giằng từng bao lúa mới tuốt xong để trừ vào món nợ bán lúa non mà bố cô đã ứng trước để có tiền lo việc học cho các con. Cô đã tìm cách vào rừng lấy măng phơi khô bán chợ, đã thử mua rau đưa sang Trung Quốc bán, đã liều sang bên kia biên giới làm công kiếm tiền.

Và cô tưởng đã yên phận như bao cô gái vùng cao khác. Nhưng rồi ước mơ lại bùng cháy trong cô, “lần này không còn chỉ là đơn giản là thích đi học nữa mà là khát vọng thoát nghèo” (tr. 212). Và người thầy giáo cũ đã khích lệ cô, đã lại đến nói chuyện với bố mẹ cô. Rồi cô được xuống huyện thi vào lớp 10 và thi đậu vào Trường Trung học Phổ thông số 2 Bát Xát. Cô được vào lớp 12A4 là lớp cá biệt của trường. Cô được bầu làm lớp trưởng cả ba năm học. Cô được nhận học bổng của tổ chức Global Care cho học sinh vượt khó học giỏi ngay năm học đầu cấp.

Vượt qua những khó khăn nghịch cảnh cô đã bước đầu chứng tỏ được mình. Nhưng cùng lúc, sự ngược chiều lại tăng lên với cô mỗi khi về nhà thấy bố mẹ không vui, thấy những người bà con chòm xóm mỉa mai, dè bỉu việc học của mình, thấy sự độc ác hồn nhiên của mọi người. “Tôi thật sự sợ con đường về nhà! Sợ cái bản làng tôi yêu từng ngóc ngách, sợ những con người mà tôi từng rất yêu quý. Bản làng lúc đấy đã có điện lưới quốc gia, nhưng đường về nhà thì lại bị mất điện, nên chúng tôi chẳng muốn tìm đường về” (tr. 230) – cô gái lúc đó đã nghĩ vậy.

Nhưng cô vẫn quyết ngược chiều. Tốt nghiệp phổ thông, cô thi đậu vào Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam, tiếp tục phát huy năng lực học tập của mình, chinh phục được tiếng Anh, từ đó mở ra cho mình con đường đi đến châu Âu, vươn ra thế giới. Cô đã chủ động nắm lấy vận mệnh mình và biết “căng buồm đợi gió” khi vận may đến. Cô chọn ngành học về rừng vì cô sống ở rừng, biết nỗi đau của rừng khi bị con người phá hủy và nỗi đau của người khi vì phá rừng mà bị thiên nhiên trừng phạt. Hiện giờ Chảo Yến đang làm việc tại Trung tâm Con người và Thiên nhiên (Hà Nội). Cô gái tuổi Ngọ (1990) đã thực sự tung vó ngựa vượt qua những rào cản ngược chiều để phi tới những miền xa khát vọng, những đỉnh cao mơ ước, cống hiến sức lực và năng lực của mình cho lợi ích cộng đồng.

Cuốn tự truyện “Đường ngược chiều từ bản người Dao đến học bổng Erasmus” đọc thích vì giọng điệu kể chuyện. Chảo Yến kể lại cuộc đời tuổi trẻ của mình bằng lời văn hồn nhiên, tinh nghịch, mang chất tuổi mới lớn (teenage) tạo được sự đồng cảm yêu mến nơi người đọc dù chuyện bố mẹ, bản làng và của chính cô nhiều buồn bã, đau xót. Những trang kể về buổi khai trường, về buổi học cấp hai đầu tiên, về cuộc đi chợ huyện, về cảnh tranh mót mía với bầy lợn, về cậu bạn tên Hộp, về chuyện “cave”, về hình ảnh người bố trong buổi lễ tri ân trưởng thành của con gái, về chuyến đi của bố con lần đầu xuống Hà Nội… đọc lên có thể cười khóc được.

Đặc biệt trong truyện kể của Chảo Yến hiện lên sinh động những con người quanh cô, đã giúp cô dám làm hành trình ngược chiều đi tới ước mơ. Đó là những người thầy ở cấp trung học và đại học. Đó là anh chị em trong nhà. Và trên hết là người mẹ của cô. Mẹ hay quát mắng, phát mông, đánh đòn con gái mỗi khi cô nghịch ngợm. Mẹ đã có lúc cùng bố muốn con gái thôi học ở nhà. Nhưng chính mẹ sau hôm nói chuyện với thầy giáo đã quyết định cho con gái xuống huyện thi vào lớp 10 bất chấp ý bố không muốn. Mẹ tin ở đứa con gái “đầu hai xoáy” của mẹ. Mẹ đã truyền cho con gái quyết tâm đi tới từ lời tâm sự: “Cuộc đời mẹ từ bé đã vất vả, tám tuổi mẹ đã phải đi làm thuê cùng bà ngoại để mua thuốc phiện cho ông ngoại. Sau ông ngoại mất, mẹ lại phụ bà ngoại nuôi các cậu, các dì. Mẹ cũng rất muốn được đi học, đến lúc lấy bố con mới được ông nội dạy để biết đọc báo. Mẹ mà được đi học mẹ chắc chắn cũng học giỏi như con, nhưng đời mẹ coi như bây giờ chỉ có các con thôi. Nên con hãy nhớ những gì mẹ kể, những gì người ta đối xử với bố, với mẹ, với nhà mình, để cố gắng học. Con tuyệt đối không được thất bại, con phải cho mọi người thấy con đường mình đi là đúng” (tr. 229). Nghe những lời này của mẹ, cô gái biết không thể tự cho phép mình bỏ cuộc. Cô đã dấn bước tiếp trên con đường đã chọn, đã quyết tâm leo hết con dốc Khó Khăn để được “rã rời” trong hạnh phúc tột độ khi lên tới đỉnh dốc.

Khép lại cuốn tự truyện của mình, Chảo Yến viết: “Tôi không dám nói tôi là người thành công, nhưng với tôi nụ cười tít mắt của bố mẹ khoe khắp nơi rằng “Con gái tôi sắp đi Đức học thạc sĩ”, nụ cười của thầy Lee, thầy Dũng khi nói “Congratulations! Well done, I’m proud of you”, hay chỉ đơn giản là quyết tâm đi học của một vài em nhỏ ở trường cấp hai trên bản, đó chính là sự thành công. Thành công còn là cả khi tôi dám thoát khỏi lớp vỏ bọc, dám mơ ước được bay cao, bay xa như bao người. Hay đúng hơn, tôi vốn đã thành công ngay từ giây phút tạo hóa cho tôi được làm con của bố mẹ. Dù có nghèo, có vất vả, nhưng chính hoàn cảnh đó đã tôi luyện tôi thành một người kiên cường” (tr. 276).

Có lẽ cả cuốn sách và những lời này của tác giả sẽ truyền được cảm hứng cho nhiều người đọc. Chảo Yến đã có dự định trích 10% lợi nhuận từ cuốn sách này để lập một quỹ học bổng dành cho các học sinh nghèo ở quê mình và cho các sinh viên ở Trường Đại học Lâm Nghiệp nơi cô từng học.

Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.

Theo Phạm Xuân Nguyên (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.