Triển lãm "Da cam-lương tri và công lý":Những bằng chứng sống động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Triển lãm “Da cam-lương tri và công lý” khai mạc sáng 18-7 và kéo dài đến hết ngày 20-8 tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Đây là hoạt động thiết thực kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27-7), 58 năm thảm họa da cam ở Việt Nam (10-8) và hưởng ứng Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam (10-8).
Các đại biểu tham dự tại lễ khai mạc triển lãm “Da cam-Lương tri và công lý”. Ảnh: Hà Phương
Các đại biểu tham dự lễ khai mạc triển lãm “Da cam-Lương tri và công lý”. Ảnh: Hà Phương
Triển lãm do UBND tỉnh phối hợp với Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Bộ Tư lệnh Binh chủng Hóa học tổ chức.
Với thông điệp “Nỗi đau da cam không của riêng ai. Hãy chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) Việt Nam!”, triển lãm giới thiệu gần 200 hình ảnh, hơn 100 hiện vật liên quan đến chiến tranh hóa học mà quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, trong đó có Tây Nguyên và Gia Lai. Chất độc da cam/dioxin đã tác động đến môi trường sinh thái, đặc biệt là sức khỏe con người qua nhiều thế hệ. Triển lãm cũng khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quân đội và cộng đồng trong việc khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin.

Các đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: Hà Phương
Các đại biểu tham quan triển lãm. Ảnh: Hà Phương
Triển lãm gồm 5 phần: Thảm họa da cam, nỗi đau da cam; Việt Nam khắc phục hậu quả chiến tranh hóa học; hoạt động của Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam và hành trình đòi công lý; những tấm gương vượt khó vươn lên, những tấm lòng vàng vì NNCĐDC; tỉnh Gia Lai khắc phục thảm họa da cam và hoạt động của Tỉnh hội Gia Lai.
Đông đảo người dân TP. Pleiku và các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tham dự lễ khai mạc. Nhiều người không kìm được xúc động khi nhìn lại những hình ảnh, hiện vật gợi đến ký ức đau buồn trong chiến tranh. Với ông Phôi (SN 1940, dân tộc Bahnar, xã Đak Yă, huyện Mang Yang), dù chiến tranh đi qua đã lâu nhưng hậu quả chất độc da cam vẫn còn hiện hữu. Ông kể: “Tôi nhập ngũ năm 1961, từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, đường 9 Nam Lào… Hòa bình lập lại, năm 1976, tôi lập gia đình. Đứa con đầu lòng chào đời lành lặn, tuy có hơi ốm yếu. Nhưng liên tiếp những lần vợ mang thai sau đó đều không giữ được. Rồi trời thương, vợ chồng tôi cũng sinh thêm được đứa con thứ 2, nhưng không may cháu bị dị tật bẩm sinh. Bản thân tôi năm 1997 cũng phát bệnh, từng mảng da trên người bong tróc, lúc nào cũng ngứa ngáy, đau đớn. Qua giám định, tôi bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Hiện 2 chân của tôi ngày càng teo tóp, đau đớn vì bệnh tật. Nhờ có chế độ trợ cấp hàng tháng dành cho NNCĐDC, tôi mới có tiền thuốc thang, chữa bệnh”.
  Ngay sau lễ khai mạc, nhiều người dân đã đến xem triển lãm.            Ảnh: N.Y
Ngay sau lễ khai mạc, nhiều người dân đã đến xem triển lãm. Ảnh: N.Y

Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh-Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Việt Nam: “Thông qua triển lãm, chúng tôi mong muốn người dân hiểu rõ hơn về thảm họa da cam ở Việt Nam; về những cố gắng lớn lao của quân và dân cả nước nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng trong công cuộc khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam; nêu gương những tấm lòng vàng vì NNCĐDC, những gương vượt khó vươn lên. Qua đó, đẩy mạnh phong trào “Hành động vì NNCĐDC” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động; động viên các nhà hảo tâm, các tổ chức, cá nhân chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, ủng hộ cuộc đấu tranh đòi công lý của NNCĐDC Việt Nam”.


Chăm chú xem những hình ảnh, hiện vật tại triển lãm, bà Võ Thị Chán (thôn 6, xã Trà Đa, TP. Pleiku) xúc động cho biết: “Tôi bị nhiễm chất độc da cam khi tham gia kháng chiến. Là NNCĐDC nên hơn ai hết, tôi hiểu nỗi đau chất độc da cam gieo rắc xuống các gia đình, kéo dài qua nhiều thế hệ. Xem những hình ảnh tại triển lãm, tôi rất xúc động. Triển lãm này cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với NNCĐDC; giúp người dân hiểu rõ hơn về thảm họa da cam, từ đó có sự đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ, đồng hành cùng NNCĐDC trong cuộc đấu tranh đòi công lý”.  
Đã nghe, đọc về thảm họa da cam trên sách báo nhưng đây là lần đầu tiên Rơ Lan Chang-Trường Cao đẳng Nghề Gia Lai chứng kiến những hình ảnh, hiện vật về thảm họa này một cách chân thực. Chang chia sẻ: “Chúng em nhận thức tuổi trẻ phải có trách nhiệm bảo vệ hòa bình, chia sẻ với cộng đồng và NNCĐDC. Trường chúng em cũng thường xuyên tổ chức các đợt tình nguyện chăm sóc các nạn nhân tại Trung tâm Nuôi dưỡng phục hồi chức năng bán trú cho NNCĐDC tỉnh”-Chang cho biết.
Gia Lai hiện có khoảng 13.000 người bị phơi nhiễm và là NNCĐDC/dioxin. Trong đó có  6.225 người là nạn nhân trực tiếp và  6.747 người là nạn nhân gián tiếp, 456 người là thế hệ thứ ba khi sinh ra đã mắc phải các chứng bệnh, dị tật do chất độc hóa học gây ra… Tại lễ khai mạc triển lãm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên đã kêu gọi các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp, tổ chức từ thiện, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh bằng tấm lòng nhân ái hãy đóng góp, ủng hộ, giúp đỡ, chăm sóc trực tiếp các NNCĐDC/dioxin trên địa bàn tỉnh nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau, giảm bớt thiếu thốn về vật chất và tinh thần đối với nạn nhân da cam, giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên xây dựng cuộc sống.
 NHƯ Ý-HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.