Nhớ anh Nguyễn Trọng Tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi được chơi với anh Nguyễn Trọng Tạo cũng khoảng 40 năm rồi. Trước đấy thì “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” khi anh ở Hà Nội rồi Nghệ An, còn tôi thì ở Huế. Đến khi tôi lên Pleiku và anh về Huế sống thì chúng tôi mới “gặp” nhau. Anh là người viết giới thiệu tập thơ đầu tiên của tôi, tập “Bến đợi” xuất bản năm 1992 khi mà liên lạc chưa được như bây giờ, tôi viết thư cho anh và anh lại viết rồi gửi bưu điện lên cho tôi.
Cách đây hơn 20 năm, tự nhiên một cú điện thoại gọi đến máy bàn nhà tôi ở khu tập thể Sở Văn hóa-Thông tin (nay là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) ở đường Trần Hưng Đạo đúng chiều chủ nhật: “Tạo đây, chú đến nhà khách Sở Văn hóa. Anh mới lên, một cơn đi ngẫu hứng, vui thì ở lại vài ngày, còn buồn thì mai phắn”. Tôi “triệu tập” thêm 2 “nhà thơ trẻ” Hương Đình và Phạm Đức Long đến để “hầu” nhà thơ đàn anh. Tất nhiên là chúng tôi gầy độ nhậu. Hồi ấy nghèo lắm, Phạm Đức Long đang làm Trưởng trạm Truyền giống gia súc bèn phóng ra cơ quan… mượn tiền. Tối ấy, tại làng Kép (TP. Pleiku) có một cái lễ bỏ mả. Chúng tôi mời anh Tạo ra chơi cho biết. Và chính cuộc “chơi” này đã giúp anh làm được 2 bài thơ rất hay trong chùm 3 bài anh làm đợt này. Đó là  “Cảm giác Biển Hồ hay là thơ bên miệng núi lửa” với những câu như: “Rơi vào miệng núi lửa bao giờ mà anh không hay/Toàn thân ngập chìm hun hút/Ngỡ bên kia cũng đầy trời đầy nước/Nước ừng ực anh nước đẩy tung anh/Anh nặng như núi anh nhẹ như mây/Răng rắc vặn mình lim cổ thụ/Giông giữa ngày xuân bão giữa ngày hè/Cao nguyên ngả nghiêng sụt lở/Anh nín thở đến kiệt cùng máu ứa/Cột lửa phun nham thạch phì nhiêu/Rồi chết lịm trong vỗ về mơn trớn/Mười ngón dài thon của gió chiều…”.
  Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (bìa trái) và tác giả.    Ảnh: V.C.H
Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (bìa trái) và tác giả. Ảnh: V.C.H
Và bài “Đêm cộng cảm”, xin chép ra đây toàn bộ mời bạn đọc thưởng thức:
Múa hát với ma đêm nay
Ăn uống với ma đêm nay
Ngủ với ma đêm nay
Ngày mai vĩnh viễn chia tay.
Nhà ta đã làm cho ma
Trâu ta đã giết cho ma
Ngày mai gạo ta sẽ rắc
Ngày mai gà con ta sẽ thả
Ngày mai chỉ còn bên ma những tượng mồ
Đêm ái ân lần cuối.
Cộng cảm sáo đàn cồng chiêng trống cái
Lục lạc rung dây chuỗi tiếng hú dài
Rồi những con quỷ đen vui nhộn sẽ ngủ vùi
Những ghè rượu cần sẽ nhạt
Rồi sừng trâu sẽ treo trước cây nêu
Rồi mặt trời sẽ mọc
Đừng trách gì nhau đừng nhớ gì nhau.
Múa hát với ma đêm nay
Ăn uống với ma đêm nay
Ngủ với ma đêm nay
Ngày mai vĩnh viễn chia tay!
Ngoài ra, bài còn lại là “Rượu cần” cũng được in đi in lại ở rất nhiều nơi. Tôi nhớ, hôm ấy, chúng tôi lang thang ở khu nhà mồ làng Kép đến tận hơn 12 giờ đêm mới lếch thếch đi bộ về, vừa đi vừa đọc thơ và hát inh ỏi. Khoảng 2 giờ sáng mới tới nhà và tôi ngủ vùi. Sáng hôm sau, khi đi uống cà phê thì anh Tạo khoe với tôi mấy bài thơ trên. Mới lên Tây Nguyên lần đầu mà anh nhập tâm viết được bài “Đêm cộng cảm” thế là quá tài, hết sức tinh tế và hiểu biết.
Sau đấy, anh Tạo còn rất nhiều lần lên Tây Nguyên. Lần thì tự đi, lần thì tôi rủ. Lần nào thì tại nhà tôi cũng phải có một cuộc... thâu đêm. Anh Tạo uống rất giỏi. Anh có thể ngồi từ sáng tới tối rồi lại từ tối tới... sáng. Và quan trọng là, rất ít say. Càng uống anh nói càng minh triết, càng bộc lộ sự tài hoa, khiến mọi người mê tít. Thường thì ngồi ở đâu đấy khuya khuya rồi thì anh phán: “Về nhà thằng Hùng, gọi Yến dậy”. Yến là vợ tôi, rất chiều bạn của chồng, thậm chí là... khổ vì bạn chồng nhưng luôn vui vẻ, có điều đã ngủ thì có trời đánh thức, trừ... anh Tạo. Một lần anh Tạo cùng nhạc sĩ-nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cũng nửa đêm ghé nhà tôi như thế, anh Kha ngồi ngủ tại chỗ, anh Tạo tỉnh như sáo, nói về văn hóa Tây Nguyên, về tương lai và hệ quả của sự phát triển. Tất nhiên là anh Tạo gọi vợ tôi dậy bằng được. Và cũng tối ấy, nghe tôi nói về ý định làm nhà mồ cho họa sĩ Xu Man, anh đã rút ra 1,5 triệu đồng, anh Kha 1 triệu đồng góp để xây mồ cho ông họa sĩ người Bahnar này.
Lần khác, cũng cỡ 12 giờ khuya, nhà tôi đang rất đông khách... nhậu, những là Dương Trung Quốc, Phạm Xuân Nguyên, Bảo Ninh, Trung Trung Đỉnh... và tất nhiên là có anh Tạo. Ai đấy gợi ý, giờ giá có bát cháo nóng. Anh Tạo nói ngay, để tao bảo em tao lo. Tưởng anh có em nào, thì anh ngoái ra gọi: “Yến ơi”. Vợ tôi đang ngủ trong buồng mắt nhắm mắt mở dậy: “Các anh ăn cháo lươn không?”. Tất cả rú lên mừng. Thì ra lúc chiều vợ tôi mua lươn nhốt trong chậu. Nửa tiếng sau, một nồi cháo nghi ngút khói được bày ra, anh Tạo hể hả, thấy chưa, “thỏa mãn bần cố nông” chưa?
Nguyễn Trọng Tạo là thế, chơi hết mình, sống hết mình, yêu hết mình và làm việc hết mình. Anh là nhà thơ, tất nhiên rồi, ai cũng biết, hết sức tài hoa và nổi tiếng. Còn với vai trò là nhạc sĩ, chỉ 2 bài “Làng quan họ quê tôi” và “Khúc hát sông quê” cũng đủ để ở đâu, chỗ nào cũng có người nhắc tới anh và anh đi tới đâu cũng có công chúng vây quanh, mời mọc. Anh còn là họa sĩ, vẽ rất nhiều bìa sách, và rất đẹp (2 trong số 11 cuốn sách của tôi là do anh vẽ bìa). Là người sáng tác lá cờ thơ cho Ngày thơ Việt Nam. Và cũng là người trình bày báo thượng thặng. Anh cũng là nhà báo mà các báo nếu đặt được bài của anh thì đồng nghĩa số ấy sẽ tăng lượng phát hành.
Chiều muộn ngày 7-1, nghe tin anh mất, tràn ngập trên mạng xã hội là thông tin về anh, từ chia buồn đến hồi ức, kỷ niệm. Có thể nói anh đạt kỷ lục về sự tiếc thương, đau xót khi mất. Rất nhiều người không chịu vĩnh biệt, mà chỉ tạm biệt anh.
Trước đấy, cuối năm ngoái, anh bị đột quỵ, tưởng không qua khỏi. Tôi có ra thăm anh. Về thì lại nghe anh ung thư phổi giai đoạn cuối. Đang tính cách ra thăm anh, dù trước đấy anh nhắn sau Tết sẽ vào Tây Nguyên. Chưa kịp thì anh đi...
72 tuổi, anh đi qua cuộc đời này như một vệt sao, kể cả khi mất đi, vệt sao ấy vẫn rực sáng. Đúng thế, tác phẩm của anh sẽ còn mãi như một vệt sao không bao giờ tắt...
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.