"Hoa vông rụng tuyết trắng"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 1969, gia đình tôi chuyển từ Sài Gòn về Pleiku sinh sống. Tôi học tiếp chương trình lớp Đệ tứ (lớp 9 bây giờ) đang dở dang một nửa ở Trường Tư thục Bồ Đề. Lần đầu tiên tôi gặp thầy là trong tiết Anh văn. Hỏi bạn, bạn bảo đó là thầy Vĩnh Khuê, ở trường thường gọi thầy Kim Tuấn, nhưng tuyệt nhiên chẳng ai cho tôi biết thầy có làm thơ. Da ngăm đen, người đậm thấp là nhân dáng rất riêng của thầy, không lẫn vào đâu được. Thầy nói giọng Nam của một người gốc Huế, nghe hiền lắm. Dạy học là việc làm thêm, còn nghề chính của thầy là thông dịch viên tiếng Anh. Thuở ấy, sức học tôi bình thường nếu không nói là kém, nhưng đặc biệt rất xuất sắc với 2 môn Ngoại ngữ và Giáo lý nhà Phật. Có lẽ vì thế mà tôi được thầy để ý và trở thành học trò cưng của thầy.
  Hoa vông. Ảnh: internet
Hoa vông. Ảnh: internet
Liên hoan Tất niên năm ấy, nhằm khoe chút giọng hát nghe được của mình, tôi xung phong hát mở màn bài “Anh cho em mùa xuân”. Ngồi dưới, nghe tôi hát xong, thầy kéo tôi xuống ngồi cạnh rồi bảo bài này là do nhạc sĩ Nguyễn Hiền phổ nhạc từ bài thơ “Nụ hoa vàng ngày xuân” của thầy. Thế đấy, phải 2 tháng sau khi gặp thầy Kim Tuấn, tôi mới biết thầy còn là một nhà thơ, tác giả ca từ của nhiều ca khúc nổi tiếng. Sau này, tôi và nhà thơ Kim Tuấn gần như trở thành hai người bạn vì thầy muốn thế. Hơn tôi 16 tuổi, thầy cứ gọi tên và xưng “mình”, giản dị và thân tình. Hay uống cà phê với nhau, tôi còn trẻ, lứa học trò năm cuối đệ nhất cấp nên lúc đá chanh, lúc yaourt, thỉnh thoảng mới nhâm nhi cà phê sữa, còn thầy luôn là một ly đen rất ít đường. Một kỷ niệm không thể nào quên của tôi với thầy Kim Tuấn là khi nhạc sĩ Phạm Duy phổ xong bài thơ “Những điều ghi trong giấc ngủ” với tựa nhạc phẩm là “Khi tôi về”, thầy đưa bài bảo tôi tập và hát trong đêm sinh hoạt âm nhạc ở Sở Học chánh Pleiku. Tôi là người đầu tiên hát ca khúc này trước khán giả, thầy Kim Tuấn bảo thế.
Qua thầy mà tôi thành lớn trước tuổi, giao du với nhiều văn nghệ sĩ đàn anh thời đó. Lý giải chuyện Pleiku bỗng trở thành nơi “chứa chấp” không ít nhà thơ, nhà văn, nhạc sĩ, thầy bảo dân văn thơ nhạc vốn bướng bỉnh, vì thời thế mà phải đi lính, nhưng cứ vẫn “ba gai”, chống đối nên bị đày lên xứ nắng bụi mưa bùn này. Những bài thơ hay nhất của Kim Tuấn hầu hết được viết trong thời gian sống và làm việc ở Pleiku. Ai đã từng ở đây quãng thập niên 60, 70 của thế kỷ trước giờ đọc lại “Buổi chiều ở Pleiku” sẽ nhớ quay quắt không thôi: “Buổi chiều ở Pleiku những cây thông già đứng lên cùng bụi mù/Tiếng phi cơ, tiếng xe và tiếng súng/Anh còn phút nào để nói yêu em/Buổi chiều ở Pleiku không có mặt trời/Chỉ có mưa bay trên đầu ngọn núi... /Buổi chiều ở Pleiku có cà phê và bạn hiền/Có Biển Hồ nước trong có lúc buồn soi mặt”.
Thầy Kim Tuấn thích và làm thơ từ năm 13 tuổi, đến năm 22 tuổi thì chắt lọc cho ra mắt tập thơ đầu tiên có tên “Hoa mười phương”. Rồi tiếp tục “Ngàn thương” (in chung với Định Giang, năm 1969), “Dấu bụi hồng” (1971), “Tuyển tập thơ Kim Tuấn” (1974). Sau năm 1975 là những ấn phẩm “Thời của trái tim hồng”, “Tuổi phượng hồng”, “Tạ tình phương Nam”, “Thơ lý và thơ ngắn”.
Tôi dùng một câu trích trong bài “Kỷ niệm” được nhạc sĩ Y Vân phổ thành ca khúc “Những bước chân âm thầm” đặt tựa cho bài viết này cũng không ngoài chủ ý thay thầy-nhà thơ Kim Tuấn-nói cho đúng ý thơ. Chẳng phải “hoa vọng rừng tuyết trắng” hay “hoa vông rừng tuyết trắng” như nhiều người lầm tưởng, mà là “hoa vông rụng tuyết trắng”. Thầy giải thích: Cây vông mọc nhiều ở cao nguyên, nhưng chưa bao giờ thành rừng cả, khi hoa nở bông trắng rụng bay, tức cảnh mà nhà thơ tưởng tượng thành tuyết rơi.
Đất nước hết chiến tranh, “Những điều ghi trong giấc ngủ” của thầy đã thành hiện thực: “Khi tôi trở về có con chim câu nằm trong tổ ấm. Dây thép gai hết rào quanh đồn phòng ngự và người lính đã trở về cày đám ruộng xanh...”.
Rời Pleiku, nhà thơ Kim Tuấn trở lại Sài Gòn tiếp tục dạy học. Thầy tôi mất vào tháng 9-2003. Biết tin muộn, tôi đã không kịp thắp một nén hương trước vong linh thầy.
Nguyễn Sơn

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.