Những gương mặt nữ trong làng văn nghệ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ai đó từng nói rằng: Phụ nữ mà làm văn chương nghệ thuật thì... khó gấp nhiều lần đàn ông. Chưa kiểm chứng, nhưng quả là, mấy chục năm làm nghề viết, tiếp xúc, cộng tác, thân lẫn sơ các kiểu, tôi luôn thấy khâm phục các chị, những người phụ nữ làm văn chương nghệ thuật, đắm đuối với nó, si mê nó, tận tâm với nó, chỉ để mình là mình, để được nghiền ngẫm mình, nghiền ngẫm đời... Nguyên cái việc vượt lên dị nghị mà sống và lao động nghệ thuật (sau khi đã hoàn thành việc nhà, việc xã hội) là đã đáng nể lắm rồi.
  Tác phẩm “Mẹ con” của họa sĩ lê nguyễn thảo my.
Tác phẩm “Mẹ con” của họa sĩ lê nguyễn thảo my.
Người phụ nữ làm văn chương đầu tiên tôi gặp ở Pleiku là chị Ngô Thị Hồng Vân. Ngày đầu tiên khi bước chân vào Phòng Văn nghệ (Ty Văn hóa-Thông tin Gia Lai-Kon Tum), tôi đã gặp chị. Một người đàn bà không tuổi, bởi sau nửa ngày tôi mới biết là chị đã... 2 con! Và sau đấy nữa thì tôi đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác về chị. Chị viết văn. Tất nhiên rồi. Nhưng lại còn hát rất hay, ôm đàn hát từ tiếng Việt tới tiếng Anh, từ tiếng Jrai tới Bahnar. Và, chị từng sáng tác đến mấy ca khúc, từng được các đội văn nghệ quần chúng ở công ty, các đội thông tin lưu động mang đi hội diễn. Cái thời ấy khó khăn lắm. Thấy chị chuyển nhà liên miên, tôi động lòng... thương chị. Sau mới biết, chuyển nhà là một cách... kinh doanh của chị. Chị nuôi gia đình bằng cách ấy, giờ gọi là kinh doanh bất động sản. Sau chị ra học Trường Viết văn Nguyễn Du (nay là Khoa Viết văn-Báo chí thuộc Trường Đại học Văn hóa Hà Nội) và trở thành một học viên nổi bật của khóa ấy. Tiếc là sau đó chị bỏ ngang, vào Sài Gòn kinh doanh và giờ là một doanh nhân thành đạt, chứ nếu tiếp tục, chắc chắn giờ chị đã là một cây bút nổi tiếng trên văn đàn.
Một người phụ nữ nữa cũng hết sức ấn tượng với tôi là Nghệ sĩ Nhân dân Xuân La. Tôi quen chị từ hồi chị còn là diễn viên, ở cái phòng bé tẹo trong khu tập thể của đoàn Đam San trên đường Nguyễn Đình Chiểu, rồi chị thành lãnh đạo đoàn Nghệ thuật Đam San, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, là đạo diễn và là mẹ của nghệ sĩ múa Thúy Liễu. Đây cũng là người đàn bà không tuổi, bởi cho tới giờ, về hưu cả chục năm, bệnh tiểu đường nặng, nhưng gặp lại thì chị vẫn tiếng cười trong veo thuở nào, vẫn những câu chuyện rổn rảng, những đau đáu khát vọng. Ở chị là tài năng thiên phú cộng với sự lao động không ngừng nghỉ để xây dựng được trên sân khấu múa những hình tượng không thể lẫn. Thành công nhất với chị có lẽ là thời kỳ làm diễn viên. Ở đấy, toàn bộ những gì chị có đã được đốt lên, cháy lên, được hòa tan vào không khí nghệ thuật, làm nên một tên tuổi Xuân La, đàn chị của nhiều thế hệ nghệ sĩ múa Việt Nam chứ không chỉ Tây Nguyên.
Nói đến giới hội họa Gia Lai, người ta hay nhắc tới Hồ Thị Xuân Thu. Đúng thôi, bởi đến giờ, với chị, thành tựu cá nhân, truyền thống gia đình… mọi thứ đều viên mãn. Hoặc nhắc tới 2 con gái của họa sĩ Lê Hùng là Lê Nguyễn Thảo My và Lê Nguyễn Thảo Vy, vừa xinh đẹp vừa tài hoa làm nên một gia đình hội họa 4 người (có cậu trai út Lê Vinh nữa). Nhưng tôi cũng muốn nhắc đến một cô giáo kiêm họa sĩ khác, cô Mai Uyên, dạy hội họa. Tôi biết cô giáo này khi cô mang tranh tới Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai nộp để dự triển lãm, đa phần tranh đẹp nên đều được chọn. Một hôm tôi dậy sớm, thấy đèn Facebook của cô Mai Uyên sáng, bèn nhắn tin hỏi: Không ngủ à cháu. Trả lời, dạ cháu dậy để đi dạy. Và sau đấy mới biết, hàng ngày cô phải dậy từ rất sớm, 5 giờ là ra đón xe buýt hoặc chạy xe máy, tùy thời tiết, đi dạy tại một trường ở huyện Mang Yang. Nhưng điều khiến tôi xúc động hơn cả là cô đã miệt mài truyền cảm hứng, tình yêu hội họa cho học trò. Cô bỏ tiền túi mua bút, màu, giấy về phát cho học trò học vẽ, rồi tìm cách tổ chức triển lãm cho chúng, vận động bán tranh cho chúng. Chúng tôi đã thu gom rất nhiều... báo cũ chuyển xuống cho cô để học trò học xé dán tranh. Một số đồng nghiệp giúp tổ chức một cái triển lãm cho học sinh của cô và khá thành công. Đấy chính là hành trình truyền cảm hứng chứ còn gì nữa. Sáng tác và truyền cảm hứng ấy cho học trò, không phải ai cũng làm được, nhất là trong hoàn cảnh con nhỏ, mỗi ngày đi và về gần trăm cây số để dạy và vẫn sáng tác.
Năm rồi có 2 người phụ nữ viết văn cũng khá nổi. Đó là Ngô Thanh Vân, vừa trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và cũng vừa/đang ra 2 cuốn sách một lúc, một văn một thơ. Người còn lại là Đào An Duyên, được kết nạp vào Hội Văn học Nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam và cũng vừa ra một tập thơ.
Có một tập thơ in chung các nhà thơ nữ, họ chọn tên là “Đàn bà yêu”. Một trang web chung của các nhà thơ nữ, họ lấy tên là “Đàn bà và thơ” và nhà văn Y Ban cũng từng dõng dạc với truyện ngắn nổi tiếng “I am đàn bà”.
Và Gia Lai cũng còn nhiều người nữa đáng nhắc, nhưng trang báo có hạn, thì đành nhớ đâu viết đấy vậy...
Văn Công Hùng

Có thể bạn quan tâm

Xếp sách nghệ thuật

Xếp sách nghệ thuật

(GLO)- Như một kiến trúc sư với nguyên vật liệu là sách, các nhân viên Thư viện tỉnh Gia Lai đã dày công sáng tạo và mô phỏng thành công nhiều công trình văn hóa-lịch sử đẹp mắt nhằm nâng cao hiệu quả tuyên truyền về văn hóa đọc.
Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

Thơ Ngô Thanh Vân: Vào hội

(GLO)- Đất trời Tây Nguyên trong bung biêng thanh âm cồng chiêng, men cay rượu cần nồng nàn, vấn vít, nhịp xoang quyến luyến, tay nắm tay chẳng rời... được nhà thơ Ngô Thanh Vân một lần nữa nhắc đến trong bài thơ "Vào hội".

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

Thơ Lê Vi Thủy: Mẹ

(GLO)- Đằng sau những người chiến sĩ cống hiến máu xương cho Tổ quốc là sự hy sinh lặng lẽ của những người mẹ. Họ lặng thầm tiễn lần lượt chồng, con lên đường để rồi mòn mỏi chờ đợi, nỗi đau dằng dặc đổi lấy niềm vui chung của quê hương, đất nước...

Ông Siu Phơ (bìa phải) thực hiện nghi lễ cúng với sự hỗ trợ của ông Rah Lan Hieo. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: Khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơtao Apui

(GLO)- Sáng 30-4, tại Khu Di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi (xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai), UBND huyện Phú Thiện khai mạc lễ hội cầu mưa Yang Pơ tao Apui và Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XV năm 2024.
Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

Thơ Lữ Hồng: Cho người ở lại

(GLO)- Chúng ta đều yêu Pleiku nhưng không phải ai cũng chọn ở lại và gắn bó. Một lúc nào đó, vào chặng cuối cuộc đời, người Pleiku tha hương mới dâng đầy nỗi nhớ. Bài thơ của Lữ Hồng ngỡ là lời của một người ra đi gửi cho người ở lại, mà cũng có thể là lời của người ở lại gửi cho chính mình...