"Những lá thư thời chiến Việt Nam": Thời gian xanh mãi...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong cuộc sống, có những người làm vai trò kết nối để thế giới xích lại gần nhau, có những kỷ vật gợi nhớ về quá khứ và đem đến những thông điệp quý giá. Tương tự, cuốn sách “Những lá thư thời chiến Việt Nam” do nhà văn Đặng Vương Hưng tập hợp và biên soạn, giới thiệu đã thực sự là một bảo tàng lưu giữ những kỷ vật của một thời rực màu hoa lửa từ các cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc.

Những lá thư ấy “không chỉ là sợi dây kết nối tình cảm của những người đang xa cách, mà còn là những tư liệu phản ánh về chiến tranh một cách xác thực. Đằng sau đó là biết bao câu chuyện cảm động về những người lính và gia đình họ”. Thư từ không chỉ làm sáng tỏ cuộc đời một con người, mà còn có thể chứng thực, góp phần lý giải những bí mật của lịch sử một dân tộc ở một thời điểm nào đó.

 

 

Khảo sát gần 330 lá thư của 127 tác giả được Ban Biên tập sưu tầm biên soạn và chọn lọc trích dẫn trong 819 trang sách, chúng ta được nhận nhiều thông điệp về con người và lịch sử. Song, điều tôi muốn nói đến ở đây chính là những khoảnh khắc thời gian, không gian trong nhiều bức thư gắn với những tâm tư, khát vọng rất con người, bình dị nhưng cũng thiêng liêng, cao đẹp, giúp chúng ta cảm nhận sâu hơn đời sống tình cảm của một thế hệ trong thời chiến tranh. Khoảnh khắc thời gian và nội cảm của họ như còn xanh mãi.       

Những thời điểm xuất hiện trong các lá thư thời chiến thường là lúc chuẩn bị vào chiến trường sau những ngày tập luyện, chuẩn bị vào trận đánh, những dịp lễ Tết, lúc có chiến công… Trong những giờ khắc ấy, cảm xúc nhớ quê hương, gia đình người thân như trỗi dậy mãnh liệt. Họ muốn chia sẻ, bày tỏ những tình cảm nhớ thương mong đợi, những trăn trở lo âu cho gia đình nơi quê nhà, những khát vọng về sự hội ngộ, lời hẹn thề trong tình yêu. Lá thư của người lính Hoàng Kim Giao có dòng tâm sự: “Những lúc đứng giữa cảnh chết chóc hoang tàn đó, con nghĩ nhiều đến hạnh phúc gia đình, nghĩ tới ngày sum họp, nghĩ tới những ngày hòa bình và con nghĩ ước mơ ngày về gặp mặt cậu mợ và các em con. Con luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ để Tết có thể về nhà với gia đình, ngày ấy nhất định sẽ tới”.

Cũng trong những giờ khắc ấy, ngọn lửa của khát vọng sống chết cho lý tưởng thiêng liêng mà họ phụng sự được tỏa sáng một cách mạnh mẽ. Những năm tháng ở chiến trường, người lính hiểu rõ khó khăn, thử thách nhưng vẫn lạc quan, sẵn sàng hiến dâng cuộc đời tuổi trẻ cho lý tưởng, mục tiêu cao đẹp. Họ hiểu rõ họ chiến đấu vì ai, vì điều gì và phải quyết tâm như thế nào: “Chị Lệ ơi, đã đến giờ vinh quang, đến giờ em bước chân lên đường đi chiến đấu. Chị ở lại cố gắng công tác học tập tốt, để đạt được lý tưởng của Đoàn. Chúng ta cùng cố gắng làm được theo lời của Paven: Đời người ta chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa với những năm tháng sống hoài sống phí. Để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói suốt đời ta đã cống hiến phục vụ cho cuộc đấu tranh giải phóng loài người”.

Trong số này có một bức thư đặc biệt, được viết trước giờ vượt sông Thạch Hãn, cái giờ khắc mà người lính sẵn sàng tâm thế quyết tử. Người viết đã thổ lộ hết tâm tư nguyện vọng và cả những sắp xếp cho tương lai: “Em yêu thương! Mọi lá thư đến với em đều là nguồn động viên em khi xa anh. Song, lá thư này đến tay em là nỗi buồn nhất và có lẽ là nỗi buồn đầu tiên trong cuộc đời của em. Em ạ, chúng ta đã sống với nhau chẳng được là bao thì chiến tranh đã cướp đi của em biết bao tình thương yêu, trìu mến… Thật chỉ là vừa gặp nhau đã phải mãi mãi xa nhau. Anh rất hiểu: Biết tin này em sẽ gầy đi nhiều vì thương nhớ anh, vì đã phải xa anh. Anh rất muốn được sống mãi mãi bên em. Song vì chiến tranh... thì em ơi, hãy gạt nước mắt cho đời trẻ lại. Giờ đây anh biết nói gì với em. Chỉ mong em khỏe, yêu đời...

Em thương yêu! Nếu thực sự thương anh thì em hãy làm theo lời anh căn dặn: Hàng năm, cứ đến ngày này, em hãy thắp vài nén hương tưởng nhớ tới anh” .

Có lẽ những dòng thư rất riêng tư ấy là minh chứng để chúng ta thêm khẳng định điều mà mình cảm phục khi được đọc những vần thơ của Tố Hữu về một thời đại mà lớp lớp thanh niên lên đường ra chiến trận với một tinh thần: “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”. Những dòng thư chân thành ấy giúp người đọc củng cố thêm niềm tin về thế giới tâm hồn cao đẹp của thế hệ trải qua chiến tranh với bao điều kiện thử thách khắc nghiệt nhưng vẫn lãng mạn. Hơn thế, càng thấm thía hơn cái điều mà nhà văn Nguyễn Minh Châu đã khẳng định: “Tình yêu và niềm tin vào cuộc sống, cái sợi chỉ xanh qua bao nhiêu năm tháng của chiến tranh vẫn không hề bị đứt”. Chính điều này làm nên sức mạnh, vẻ đẹp rất đáng tự hào của con người Việt Nam trong chiến tranh. Trong một lá thư có những dòng đầy ám ảnh, chính người trong cuộc khẳng định: “Còn một nguyên nhân của thắng lợi, đó là niềm tin. Chỉ có lòng tin, tin ở bản thân, tin ở tình yêu, tin ở mục tiêu đã chọn và con đường sẽ đi. Lòng tin sẽ giúp ta chiến thắng tất cả. Có phải vậy không, vợ yêu quý của anh?”.

Một trong những tình cảm mà người lính bày tỏ khi xa cách chính là nỗi nhớ thương trong tình yêu. Trước thứ thuốc thử là thời gian và không gian gắn với chiến tranh, đã có những “thân phận tình yêu” hết sức xót xa; không phải tình yêu nào cũng đơm hoa kết trái, không phải ước mơ hạnh phúc nào cũng thành hiện thực. Đã có những lời tỏ tình chưa kịp đến với người nhận thì họ đã hy sinh. Nhưng cũng đã có nhiều câu chuyện tình yêu lung linh sắc màu rất lãng mạn, ngọt ngào trong nhung nhớ và sự thủy chung:

“Hôm nay sắp đến ngày 8-4-1968. Em Hoài Liên!

Không! Anh không bao giờ quên em cả, dù núi sông có ngăn cách chúng ta, dù hiểu biết giữa chúng ta với nhau chỉ tính được vài tuần, có nghĩa là trước kia anh ra sao thì bây giờ vẫn thế… Những gì đã nhen nhóm trong tình cảm dù chỉ là bé ti tí vẫn tồn tại và trở nên sáng long lanh như mặt biển về đêm khuya. Không động đến thì thôi chứ động đến thì có vô vàn là ánh sáng tung lên, tiềm tàng ngàn kiếp”.

Và niềm tin yêu mãnh liệt: “Em thân yêu! Mỗi khi nghĩ tới em anh càng cảm thấy tự hào về em. Một người con gái yếu đuối mà dũng cảm, biết sống có lý tưởng. Điều ấy làm anh hoàn toàn tin ở em. Em rất xứng đáng là người vợ, người đồng chí, người bạn trung thành nhất đời của anh. Mơ ước của chúng ta rồi sẽ thực hiện được em ạ. Và ngày ấy chắc không còn xa nữa đâu. Anh sẽ chuẩn bị đón em về, không phải chỉ có nghi thức mà còn có hoa hồng, tình yêu quê hương và đất nước nữa”.

Và, trong tình yêu, tình cảm riêng tư ấy còn có sự hòa quyện với tình yêu quê hương đất nước: “Viết thư này ra em trong không khí rất tươi vui của một ngày Tết chiến thắng trên rừng Trường Sơn. Các anh bạn anh gửi lời thăm gia đình và thăm em. Hiện nay em chẳng thể tới thăm anh ở rừng Trà Mi được, nhưng khi hòa bình chiến thắng rồi em sẽ có điều kiện vào trong này thăm miền Nam đấy. Em sẽ qua cầu Hiền Lương, qua Huế, Đà Nẵng... thăm thành đồng anh hùng của Tổ quốc, nơi người chồng thân yêu của em đã anh dũng chiến đấu…”.

Dường như chiến tranh buộc con người ta phải sống chậm. Thư được hình thành đôi khi trong một khoảng thời gian khá dài, đang viết dang dở thì người viết lao vào trận đánh, hôm sau hoặc ít lâu sau lại tiếp tục viết. Thư viết xong có khi gửi được ngay, nhưng cũng có những lá thư phải rất lâu sau đó mới được chuyển đi. Để nhận được lá thư từ chiến trường có khi cũng mất vài tháng. Khi thư đến nơi cần đến, người gửi có thể không còn nữa hoặc người nhận đã hy sinh. Cũng có những con số thời gian gợi ám ảnh về tình huống bi thương: “Đau xót lắm cô chú ơi! Bức điện giấy xanh đi từ Bắc Giang ngày 15-7 hồi  9 giờ 30 phút tối đến sáng 16-7 hồi 8 giờ 15 phút tới Bưu điện Đan Phượng mà mãi 6 giờ 30 phút chiều mới tới tay tôi. Khi cầm tờ giấy xanh và bức thư cháu đề ngày 6-7 gửi về thăm gia đình, cho biết cháu sắp được biên chế và chuyển về Yên Viên hoặc Gia Lâm, khi cháu đang còn sống, mà lại theo cùng tờ giấy xanh tới cùng một lúc khi chết… Con tôi nay đã chết rồi, tìm đâu cho ra nữa con ơi!?”.

Không chỉ đem đến cho thế hệ sau những thông điệp về hiện thực và con người trong những năm tháng chiến tranh, cuốn sách còn có ảnh hưởng to lớn bởi những bài học nhân văn cao cả. Bên cạnh những nỗi niềm suy tư trăn trở được tỏ bày trên những trang thư, đâu đó  còn có những tầng vỉa khuất lấp, những bí mật chưa thể sẻ chia song vẫn có ý nghĩa vô cùng to lớn với người đọc thế hệ hôm nay và mai sau: nhắc nhớ về một thời đã qua, về thế giới tinh thần của một thế hệ đã sống và chiến đấu cho quê hương đất nước. Cuốn sách thực sự giúp người đọc mở rộng thêm biên độ hiểu biết của mình về quá khứ. Và, một khi có được sự am hiểu thì sẽ có được sự cảm thông, trân trọng, biết ơn với những gì mà thế hệ cha anh đem lại, từ đó biết nhìn nhận hiện tại với thái độ khách quan hơn.

Những dòng này chính là cách tỏ bày sự trân trọng, tri ân đối với các tác giả, những người chắt chiu những hạt bụi vàng để làm nên một bông hồng vàng nối kết với quá khứ...

Lê Thu

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.