Nhà thuốc truyền thống gặp khó trước áp lực cạnh tranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian gần đây, thị trường dược phẩm tại Gia Lai trở nên sôi động khi xuất hiện chuỗi 20 nhà thuốc thuộc hệ thống FPT Long Châu, Pharmacity, An Khang. Không chỉ là cuộc đua giữa các tên tuổi lớn, thị phần bán lẻ của các nhà thuốc truyền thống địa phương cũng đang có xu hướng dịch chuyển sang chuỗi nhà thuốc theo hệ thống.  

Chỉ trong thời gian ngắn, các góc phố, tuyến đường trung tâm ở TP. Pleiku và các huyện: Đak Đoa, Mang Yang, Chư Prông, Chư Sê và thị xã An Khê lần lượt xuất hiện chuỗi nhà thuốc thuộc hệ thống FPT Long Châu, Pharmacity, An Khang. Điểm chung của chuỗi nhà thuốc là đều tọa lạc ở những vị trí thuận tiện nhất, mặt bằng tương đối rộng rãi, nhận diện thương hiệu bắt mắt. Ông Trần Quang Tuấn (tổ 4, phường Phù Đổng, TP. Pleiku) nhận xét: “Tôi thấy chuỗi nhà thuốc có lợi thế là mạng lưới rộng, vị trí thuận tiện, phong cách tư vấn chăm sóc khách hàng khá nhiệt tình, chu đáo. Một điểm khá thu hút khách hàng là tích điểm tiêu dùng hoặc tặng coupon (mã giảm giá) cho lần mua hàng tiếp theo. Về giá cả, các mặt hàng thuốc thông dụng thì giá bình thường, thậm chí thấp hơn so với mặt bằng chung”.

   Các nhà thuốc tư nhân đang đối diện với nhiều khó khăn khi xuất hiện chuỗi nhà thuốc của các tập đoàn lớn. Ảnh: Sơn Ca
Nhà thuốc tư nhân đang đối diện với nhiều khó khăn khi xuất hiện chuỗi nhà thuốc của các tập đoàn lớn. Ảnh: Sơn Ca


Có thể thấy, sự xuất hiện của chuỗi nhà thuốc lớn với phương thức kinh doanh chuyên nghiệp đã mang lại cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn trong việc tiếp cận dịch vụ bán lẻ dược phẩm. Trong khi khách hàng trẻ tuổi, yêu thích công nghệ, thích trải nghiệm mới mẻ có xu hướng lựa chọn chuỗi nhà thuốc khi có nhu cầu thì phần đông khách hàng trung niên hoặc lớn tuổi vẫn lựa chọn gắn bó với các nhà thuốc truyền thống địa phương. Bà Trương Thị Lan (tổ 1, phường Hội Phú, TP. Pleiku) bày tỏ: “Từ trước tới giờ, gia đình tôi chỉ mua thuốc tại nhà thuốc tư nhân gần nhà, phần vì gần gũi quen thuộc, phần vì tin tưởng vào chuyên môn và uy tín của họ. Từ mấy bệnh lặt vặt thông thường hay mua thuốc theo toa đều được dược sĩ tư vấn nhiệt tình, giá cả thì rất hợp lý, thuốc có chất lượng, hiệu quả”.

Tính đến tháng 8-2022, toàn tỉnh có 224 nhà thuốc tư nhân. Trong đó, riêng địa bàn TP. Pleiku có 156 nhà thuốc tư nhân đang hoạt động. Sự xuất hiện của chuỗi nhà thuốc cho thấy ngành bán lẻ dược phẩm đang có dư địa phát triển khá tốt, phù hợp với nhiều mô hình kinh doanh. Tuy nhiên, sự có mặt của chuỗi nhà thuốc đã tạo áp lực cạnh tranh đối với nhà thuốc truyền thống. Bà Nguyễn Thị Nhiều-chủ Nhà thuốc Quang Trung (07 Quang Trung, phường Hội Thương, TP. Pleiku) cho biết: “Sự xuất hiện của chuỗi nhà thuốc cho thấy “đất lành chim đậu”. Các mô hình bán lẻ dược phẩm hiện đại như Pharmacity rất đáng cho mình học tập quy cách kinh doanh. Ngành dược là ngành kinh doanh có điều kiện, người kinh doanh phải đặt cái tâm, uy tín lên hàng đầu. Đây cũng là yếu tố quan trọng để khách hàng tin tưởng, gắn bó lâu dài với mình. Trong tình hình hiện nay, mặc dù lượng khách bán lẻ có giảm nhưng Nhà thuốc Quang Trung vẫn duy trì được lượng khách hàng lâu năm”.

Một trong số nhà thuốc truyền thống tên tuổi như Nhà thuốc Trang (182 Hoàng Văn Thụ, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) vẫn duy trì hoạt động kinh doanh với nền khách hàng ổn định gần xa khi luôn đặt sức khỏe và lợi ích của khách hàng lên hàng đầu. Bà Hà Trinh Gia Trang-chủ Nhà thuốc Trang-bày tỏ: “Định hướng kinh doanh xuyên suốt của tôi là bán đúng giá, đúng hàng, đúng chất lượng. Bên cạnh đó, luôn chú trọng về trình độ chuyên môn của đội ngũ dược sĩ trực tiếp tư vấn, bán hàng nhằm phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn. Trong bối cảnh hiện nay, những nhà thuốc lớn còn khả năng trụ được nhưng những nhà thuốc nhỏ sẽ gặp không ít khó khăn khi doanh số, lượng khách hàng mua lẻ sụt giảm”.   

Theo đánh giá của Sở Y tế, chuỗi nhà thuốc là thành viên Tập đoàn FPT, Thế giới di động có lợi thế rõ rệt khi ứng dụng công nghệ, số hóa các quy trình để ứng dụng vào trong quản trị và vận hành. Đội ngũ nhân viên bán thuốc thường xuyên được đào tạo, cập nhật kiến thức chuyên môn về dược nên chuyên nghiệp, đáp ứng nhu cầu mở rộng quy mô kinh doanh trong phạm vi cả nước nói chung và Gia Lai nói riêng. Ông Nguyễn Đình Tuấn-Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế-cho biết thêm: “Việc xuất hiện 3 chuỗi nhà thuốc nói trên đã tạo ra sự cạnh tranh không nhỏ đối với các nhà thuốc tư nhân trên địa bàn tỉnh. Chuỗi nhà thuốc với tiềm lực tài chính mạnh nên đủ khả năng tìm kiếm để thuê mặt bằng phù hợp, tiềm năng; đồng thời, giá thuốc bán lẻ tại chuỗi nhà thuốc nói trên sẽ thấp hơn giá bán lẻ tại các nhà thuốc tư nhân của địa phương khi “mua tận gốc, bán tận ngọn”. Với các lý do trên, các nhà thuốc tư nhân trên địa bàn tỉnh sẽ khó cạnh tranh với chuỗi nhà thuốc. Về lâu dài, một số nhà thuốc có thể đóng cửa do doanh thu thấp, không bù được chi phí phát sinh”.

 

 SƠN CA

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.