Khi người dân thay đổi tư duy sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong số 31 sản phẩm/bộ sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022 vừa được công bố mới đây, có 18 sản phẩm là của hộ sản xuất kinh doanh. Điều này cho thấy, người dân ngày càng quan tâm đến việc xây dựng các chứng nhận cho sản phẩm để nâng cao giá trị và thu nhập.
Từ năm 2012 đến nay, định kỳ 2 năm/lần, chương trình bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh được tổ chức nhằm phát hiện và tôn vinh các sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường trong và ngoài nước.  
Để có sản phẩm trà mãng cầu xiêm đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2022, chị Nguyễn Thị Hà-chủ hộ kinh doanh Minh Hưng Phát (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) được các ngành chức năng hướng dẫn quan tâm hướng dẫn từng khâu trong cả quy trình. Chị cho hay: “Năm 2019, từ vườn mãng cầu xiêm của gia đình, tôi tìm hiểu quy trình chế biến trà. Sản phẩm trà mãng cầu xiêm mới đưa ra thị trường đã nhận được phản hồi khá tốt từ người tiêu dùng. Do đó, tôi đã mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư thêm 3 máy sấy có công suất lớn hơn, cùng với đó là xây dựng các tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm”.
Theo chị Hà, để đạt chứng nhận sản phẩm CNNT, người sản xuất phải xây dựng sản phẩm đáp ứng 3 tiêu chí cơ bản: Đáp ứng thị trường và khả năng phát triển sản xuất, trong đó chú trọng khả năng sản xuất hàng loạt, áp dụng công nghệ, thiết bị hiện đại vào sản xuất, khả năng tham gia chuỗi liên kết giá trị sản phẩm; tiêu chí về kinh tế-kỹ thuật-xã hội và môi trường như hiệu quả kinh tế, doanh thu, trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất, chất lượng, mẫu mã sản phẩm, khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý sản xuất và chất lượng sản phẩm, khả năng thu hút giải quyết việc làm, thu nhập bình quân của người lao động, thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong sản xuất; về tính văn hóa, tính thẩm mỹ như sản phẩm có thiết kế mới, độc đáo, hình thức, mẫu mã, bao bì đẹp; cùng với đó là các chứng nhận liên quan đến chất lượng sản phẩm, các giải thưởng, bằng khen đã đạt được, tham gia các hoạt động công ích xã hội.
Chị Nguyễn Thị Hà-chủ hộ kinh doanh Minh Hưng Phát (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) kiểm tra sản phẩm trà mãng cầu xiêm. Ảnh: Vũ Thảo
Chị Nguyễn Thị Hà-chủ hộ kinh doanh Minh Hưng Phát (xã Ia Vê, huyện Chư Prông) kiểm tra sản phẩm trà mãng cầu xiêm. Ảnh: Vũ Thảo
Tương tự, sản phẩm chả cá thác lác của cơ sở chế biến thủy sản Cô Sáu (thôn Thanh Thượng, xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện) cũng vừa đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu. Ông Ngô Viết Giỏi-chủ cơ sở-chia sẻ: “Gắn bó với nghề đánh bắt ở lòng hồ Ayun Hạ gần 20 năm, năm 2010, tôi bắt đầu thành lập cơ sở và chế biến đưa sản phẩm ra thị trường. Mới đầu, tôi làm hoàn toàn bằng thủ công. Sau một thời gian, nhu cầu tiêu thụ cao mà sản lượng không kịp cung ứng nên tôi bắt đầu mua máy lọc xương, máy hút chân không để hỗ trợ thêm trong quá trình sản xuất”. Ông Giỏi cho biết thêm, do có kinh nghiệm từ việc làm hồ sơ thủ tục tham gia Chương trình OCOP nên việc tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu khá thuận lợi.
Ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc Sở Công thương-nhìn nhận: Từ việc tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cho thấy, người dân đã thay đổi tư duy trong sản xuất, mạnh dạn lựa chọn sản phẩm có lợi thế ở địa phương để phát triển. Những năm trước, ít cơ sở sản xuất ở nông thôn tham gia chương trình và chỉ tập trung vào một số nhóm. Năm nay, 31 sản phẩm/bộ sản phẩm đạt chứng nhận chủ yếu thuộc các nhóm chế biến nông-lâm-thủy sản, thực phẩm… Các sản phẩm này đều mang nét đặc trưng, được các cơ sở khai thác dựa trên tiềm năng, thế mạnh vốn có của từng địa phương như: cà phê, mật ong, tiêu, mắc ca, hạt điều, chanh dây, gạo, thịt bò khô, thịt bò một nắng, chả cá thác lác, nhung hươu, các sản phẩm từ dược liệu… Đây là cơ sở để các ngành chức năng có kế hoạch hỗ trợ, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, góp phần thúc đẩy CNNT phát triển.
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.