Gia Lai: Quyết liệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Văn phòng UBND tỉnh Gia Lai vừa có Thông báo số 109/TB-VP truyền đạt kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Phước Thành tại cuộc họp nghe báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án; nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn trong thời gian đến. Ảnh: Minh Nguyễn
Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, dự án; nâng cao tỷ lệ giải ngân vốn trong thời gian đến. Ảnh: Minh Nguyễn
Thông báo nêu rõ, ngày 24-8, đồng chí Hồ Phước Thành-Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2022; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Sau khi nghe báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính và ý kiến của các sở, ngành, địa phương, đồng chí Hồ Phước Thành-Phó Chủ tịch UBND tỉnh kết luận: Triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh đã kịp thời phân bổ các nguồn vốn đầu tư và đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, chủ đầu tư, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn thành thủ tục, sớm triển khai dự án. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn toàn tỉnh đạt thấp (tính đến ngày 20-8 đạt 27,42% kế hoạch), cụ thể một số ngành, địa phương chưa giải ngân và giải ngân rất thấp như: Sở Thông tin và Truyền thông 0%, Sở Giáo dục và Đào tạo 0%, Sở tài nguyên và Môi trường 0%, Sở Khoa học và Công nghệ 1,8%, huyện Phú Thiện 5,1%, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn 17,8%...
Việc chậm tiến độ ngoài nguyên nhân khách quan do quy trình thủ tục triển khai các dự án khởi công mới kéo dài, giá vật tư, vật liệu xây dựng biến động thì nguyên nhân chủ quan là do sự phối hợp giữa các địa phương, các chủ đầu tư với các sở, ngành từ khâu triển khai các thủ tục chuẩn bị đầu tư đến thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế, dự toán còn lúng túng, chưa chặt chẽ; công tác giải phóng mặt bằng chậm; việc lựa chọn đơn vị tư vấn thiết kế, giám sát, nhà thầu thi công chưa đáp ứng yêu cầu; năng lực một số ban quản lý dự án yếu; một số chủ đầu tư chưa phát huy hết trách nhiệm của mình trong công tác quản lý dự án, giám sát tiến độ công trình và kể cả công tác phối hợp với các địa phương trong giải phóng mặt bằng, đôn đốc tiến độ, cũng như đôn đốc giải ngân theo tiến độ.
Thời gian đến, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành kế hoạch đầu tư công năm 2022, Phó chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ngành, đơn vị, chủ đầu tư, ban quản lý; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 và chỉ đạo của UBND tỉnh tại các văn bản số 09/TB-VP ngày 13-1-2022; văn bản số 175/UBND-KTTH ngày 26-1-2022, 288/UBND-KTTH ngày 17-2-2022, 33/TB-VPUB ngày 28-2-2022, 530/UBND-KTTH ngày 22-3-2022, 563/UBND-KTTH ngày 25-3-2022, 641/UBND-KTTH ngày 4-4-2022, 750/UBND-KTTH ngày 16-4-2022, 1804/UBND-KTTH ngày 12-8-2022, 1906/UBND-KTTH ngày 23-8-2022; trong đó cần tập trung vào một số nhiệm vụ chủ yếu sau:
Các sở, ban, ngành, địa phương, chủ đầu tư, ban quản lý khẩn trương rà soát kỹ từng thủ tục, từng khâu trong quá trình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư của từng dự án cụ thể để xác định được khó khăn, vướng mắc, kịp thời xử lý, tháo gỡ, đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn; tập trung chỉ đạo quyết liệt về giải phóng mặt bằng, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng, bảo đảm đúng quy định.
Rà soát, đề xuất các khó khăn, vướng mắc của từng dự án cụ thể để báo cáo về Sở Kế hoạch và Đầu tư trước ngày 28-8-2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đề xuất, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 30-8-2022.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các chủ đầu tư rà soát, đề xuất cấp có thẩm quyền cắt giảm, điều chuyển vốn đối với các dự án triển khai chậm; bổ sung vốn cho các dự án có khối lượng hoàn thành cao, bảo đảm giải ngân hết kế hoạch được giao, báo cáo về UBND tỉnh trước ngày 1-9-2022, xử lý nghiêm các trường hợp để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản.
Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng Sở Giao thông-Vận tải, Ban Dân tộc tỉnh theo chức năng nhiệm vụ được giao, phối hợp với các sở, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành các thủ tục liên quan để trình HĐND tỉnh tại kỳ họp chuyên đề xem xét để triển khai thực hiện vốn 3 chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo đúng quy định pháp luật.
Phó chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu Ban Quản lý các dự án đầu tư và xây dựng tỉnh khẩn trương làm việc với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng đối với các dự án do ban quản lý làm chủ đầu tư.
Đối với các công trình, dự án sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài: Yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, đề xuất cụ thể các khó khăn, vướng mắc gửi về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ, thủ tục liên quan đến công tác đầu tư xây dựng cơ bản theo đúng quy trình tại bộ phận một cửa.
TRẦN ĐỨC
 

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.