Xuất khẩu tăng trưởng giữa bối cảnh khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhờ triển khai các giải pháp phù hợp với thực tế nên kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2021 đạt 610 triệu USD, tăng 5,17% so với năm 2020. Các mặt hàng chủ lực vẫn tiếp tục duy trì ở các thị trường truyền thống và mở rộng ra những thị trường lớn.

Chú trọng các mặt hàng chủ lực

Năm 2021, Công ty TNHH xuất nhập khẩu Hoa Trang xuất khẩu hơn 45 ngàn tấn cà phê nhân với kim ngạch khoảng 60 triệu USD. Giám đốc Công ty Nguyễn Văn Thành cho hay: Thị trường xuất khẩu chính của Công ty là châu Âu, Mỹ, Nhật, Thái Lan và Singapore. Trước đây, những tập đoàn rang xay lớn trên thế giới chỉ mua sản phẩm qua các công ty nước ngoài. Tuy nhiên, khoảng 2 năm gần đây, các nhà rang xay lớn dần tiếp cận thị trường tiềm năng của Việt Nam. Đây là cơ hội để doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu. “Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng nhu cầu nhập khẩu cà phê của các nước phương Tây vẫn rất lớn. Do đó, Công ty duy trì ổn định ở khối thị trường châu Âu. Bên cạnh những thuận lợi thì năm 2021 hoạt động xuất khẩu cũng gặp một số khó khăn như: chi phí vận tải biển tăng, hàng lưu kho tại cảng lớn, số lượng các chuyến tàu biển giảm nên nhiều hợp đồng bị chậm trễ”-ông Thành thông tin.

 Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu tại Công ty TNHH một thành viên Nội thất Sesan (lô C41-45, Cụm Công nghiệp Diên Phú, TP. Pleiku). Ảnh: Vũ Thảo
Sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ xuất khẩu tại Công ty TNHH một thành viên Nội thất Sesan (lô C41-45, Cụm Công nghiệp Diên Phú, TP. Pleiku). Ảnh: Vũ Thảo


Năm 2021, trái cây cũng là mặt hàng chiếm tỷ trọng tương đối lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Ông Đinh Văn Tĩnh-Phó Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-Chi nhánh Gia Lai-cho biết: “Năm 2021, tổng sản lượng các mặt hàng xuất khẩu của Công ty gần 32.800 tấn với kim ngạch xấp xỉ 70 triệu USD. So với năm trước, sản lượng hàng xuất khẩu tăng 15% và kim ngạch tăng 25%. Các sản phẩm của Công ty gồm: chanh dây, dứa, xoài, chuối, thanh long NFC xuất sang thị trường EU, Trung Quốc, Bắc Mỹ. Công ty đã xây dựng được vùng nguyên liệu đáp ứng trên 60% nhu cầu của nhà máy”. Theo ông Tĩnh, để đảm bảo nguồn nguyên liệu sản xuất, Công ty tiếp tục mở rộng các hình thức phát triển như tự trồng, ký kết bao tiêu sản phẩm với nông dân, liên kết các hợp tác xã xây dựng vùng nguyên liệu chanh dây đạt 8-10 ngàn ha, dứa 10-15 ngàn ha, cùng với mở rộng diện tích các loại cây khác. Năm 2022, tổng sản phẩm sản xuất của Công ty sẽ đạt khoảng 45 ngàn tấn, kim ngạch đạt 120-130 triệu USD.

Toàn tỉnh có khoảng 30 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Các mặt hàng đã có mặt trên thị trường của gần 40 quốc gia, chủ yếu ở khu vực châu Âu và châu Á. Trong đó, thị trường châu Âu chiếm khoảng 40% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh với mặt hàng chủ yếu là cà phê nhân, sản phẩm gỗ; thị trường châu Á chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch với các mặt hàng như: tiêu hạt, hạt điều, sản phẩm gỗ, cà phê nhân.

Nỗ lực về đích

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 610 triệu USD, tăng 5,17% so với năm 2020. Mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh vẫn là cà phê, cao su, hồ tiêu, rau quả… Trong đó, sản lượng xuất khẩu cà phê đạt 204 ngàn tấn, kim ngạch 323 triệu USD (tăng 2% về lượng, tăng 7,67% so với năm 2020); mủ cao su 5.600 tấn, giá trị 8,69 triệu USD (giảm 13% về lượng, giảm 7% so với cùng kỳ năm trước); sản phẩm gỗ 5,2 triệu USD (giảm 13% so với cùng kỳ năm trước); hàng khác đạt 273 triệu USD (tăng 3,2% so với năm trước).

 Chế biến chanh dây xuất khẩu. Ảnh: Vũ Thảo
Chế biến chanh dây xuất khẩu tại Công ty TNHH một thành viên Nông nghiệp Sesan Gia Lai. Ảnh: Vũ Thảo


Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương-đánh giá: Năm 2021, tình hình kinh tế trong nước và thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc áp dụng các biện pháp kiểm soát, phòng dịch gây khó khăn trong tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Cùng với đó, chi phí vận tải biển, lưu kho tại cảng, thuê container đều tăng, số lượng các chuyến tàu biển giảm dẫn đến chậm tiến độ giao hàng, phát sinh chi phí cho doanh nghiệp. Từ đầu tháng 10-2021, tình hình kiểm soát dịch bệnh trong nước và thế giới chuyển biến khả quan, tạo cơ hội cho thị trường xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng tại một số thị trường chính như EU, Mỹ… đã tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tăng khối lượng xuất khẩu. Việc duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu tương đối thuận lợi do tác động của các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Khối lượng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gia tăng, đặc biệt là cà phê, trái cây do các doanh nghiệp của tỉnh vẫn duy trì ưu thế tại các thị trường truyền thống.

“Bên cạnh những thuận lợi thì hoạt động xuất khẩu của tỉnh cũng gặp một số khó khăn như: sản xuất nông nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều bởi thời tiết, việc áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp chưa nhiều, công nghiệp chế biến chưa phát triển mạnh, chưa xây dựng được nhiều hàng hóa xuất khẩu nên giá trị không cao, khả năng cạnh tranh thấp. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại biên giới còn khó khăn do Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thiếu vốn đầu tư nên chưa có nhiều khởi sắc, việc mua bán trao đổi không thường xuyên, chỉ diễn ra theo thời vụ. Ngoài ra, các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ thiếu vốn nên khả năng đầu tư đổi mới công nghệ còn yếu. Để thích ứng với hội nhập kinh tế quốc tế thì bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực rất lớn”-bà Nguyệt nhận định.

 

 VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.