Mỹ mạnh tay chi hơn 5,72 tỷ USD mua loại hạt này, giá cà phê Việt Nam sẽ tăng?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Chỉ 10 tháng đầu năm năm 2021, Hoa Kỳ nhập khẩu 1,35 triệu tấn cà phê, trị giá 5,72 tỷ USD, tăng cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2020. Việt Nam hiện là nước cung cấp cà phê lớn thứ 3 cho thị trường Mỹ và vẫn có "cửa" để bán nhiều cà phê hơn, với giá cà phê tăng cao hơn.

Mỹ mạnh tay chi 5,72 tỷ USD nhập khẩu cà phê

Theo số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), năm nay nước Mỹ tăng nhập khẩu cà phê từ nhiều thị trường. Tổng lượng cà phê nhập khẩu của Hoa Kỳ trong 10 tháng năm 2021 đạt 1,35 triệu tấn, trị giá 5,71 tỷ USD, tăng 5,2% về lượng và tăng 19,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 10 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ tăng nhập khẩu từ hầu hết các nguồn cung chính, ngoại trừ Việt Nam. Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, gây khó khăn trong khâu vận chuyển là nguyên nhân khiến nhập khẩu cà phê của Hoa Kỳ từ Việt Nam giảm.

Theo đó, nước ta đang là nhà xuất khẩu cà phê lớn thứ 3 vào Mỹ (tính theo lượng). Trong 10 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam vào Mỹ đạt xấp xỉ 118,3 nghìn tấn, trị giá 228,11 triệu USD, giảm 15,1% về lượng và giảm 12,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

 

Người dân Đắk Lắk đang bước vào cao điểm vụ thu hoạch cà phê. Hiện giá cà phê giá cà phê trung bình tại Đắk Lắk là 41.500 đồng/kg Ảnh: Duy Hậu
Người dân Đắk Lắk đang bước vào cao điểm vụ thu hoạch cà phê. Hiện giá cà phê giá cà phê trung bình tại Đắk Lắk là 41.500 đồng/kg. Ảnh: Duy Hậu


Cà phê là loại đồ uống phổ biến tại Mỹ. Mức tiêu thụ cà phê của người dân nước Mỹ có sự biến động nhẹ trong những năm gần đây, tuy nhiên vẫn duy trì bình quân ở mức 2 tách cà phê/ngày/người.

Đặc biệt là trong suốt đại dịch COVID-19, mức tiêu thụ cà phê ở Mỹ vẫn giữ ổn định ở mức gần 650 triệu tách mỗi ngày. Nhu cầu nhập khẩu cà phê của Mỹ cũng rất đa dạng và có thể còn tăng mạnh trong thời gian tới, đối với tất cả các dòng sản phẩm từ cà phê chưa rang, cà phê rang, xay hay cà phê uống liền…

Theo khảo sát của Hiệp hội Cà phê Quốc gia Hoa Kỳ, hơn 70% người tiêu dùng thích pha chế cà phê tại nhà và 59% cà phê được tiêu thụ hàng ngày là cà phê dành cho phân khúc cao cấp. Do đó, Hoa Kỳ trở thành thị trường xuất khẩu tiềm năng lớn mà bất kỳ nước sản xuất cà phê đều mong muốn thâm nhập.

Thông tin từ https://www.mordorintelligence.com, thị trường cà phê Hoa Kỳ được dự báo sẽ tăng trưởng 4,8% trong giai đoạn 2020-2025. Do đó, hạt cà phê Việt Nam có nhiều cơ hội để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường lớn này.

 

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, tính chung 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt xấp xỉ 1,4 triệu tấn, trị giá 2,7 tỷ USD, giảm 2,3% về lượng, nhưng tăng 8,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Tháng 11, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt 2.327 USD/tấn, tăng 6,3% so với tháng 10/2021 và tăng 21% so với tháng 11/2020. Tính chung 11 tháng năm 2021, giá xuất khẩu bình quân cà phê ước đạt 1.931 USD/tấn, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2020.

Giá cà phê sẽ tiếp tục tăng?

Theo bà Bùi Kim Thuỳ - Đại diện cấp cao tại Việt Nam – Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam - Hoa Kỳ ngày càng tăng. Ước tính tổng giá trị kim ngạch giữa 2 nước đạt khoảng 90 tỷ USD. Điều đáng chú ý, Hoa Kỳ hiện là thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam, vượt qua cả Trung Quốc, Nhật Bản.

10 tháng qua, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang thị trường này đạt trên 10,8 tỷ USD. Trong thời gian tới, chắc chắn nhu cầu cà phê tại Mỹ sẽ gia tăng khi Mỹ mở cửa trở lại bình thường.

Tuy nhiên, cũng theo bà Thuỳ, người tiêu dùng Hoa Kỳ ngày càng yêu cầu khắt khe về chất lượng các sản phẩm cao cấp.  

Trong khi đó, theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), dự báo giá cà phê sẽ tiếp tục tăng, ít nhất cho đến quý I/2022.  

Hiện tại, do thiếu nguồn cung hạt cà phê arabica, một số nhà rang đang tìm đến phương án phối trộn cà phê arabica và robusta nhằm hạ giá bán. Về lâu dài có thể giúp thay đổi khẩu vị người tiêu dùng và quen hơn với việc uống cà phê robusta rang xay. Điều này được đánh giá là có lợi cho cà phê Việt Nam khi 90% diện tích cà phê là robusta.

Còn theo dự báo của Bộ phận Nông nghiệp nước ngoài (FAS) trực thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trong niên vụ cà phê 2021-2022, Việt Nam sẽ xuất khẩu tăng 980.000 bao cà phê so với niên vụ 2020-2021.

Hiện nông dân các tỉnh Tây Nguyên đã thu hoạch được khoảng một nửa diện tích cà phê. Tổng diện tích cà phê tại khu vực này khoảng 630.000 ha. Trong đó, Ðắk Lắk 209.000 ha, Lâm Ðồng hơn 173.000 ha, Ðắk Nông có 120.000 ha, Gia Lai có hơn 98.400 ha và Kon Tum có hơn 25.000 ha.

Dự kiến mùa thu hoạch cà phê tại Việt Nam kéo dài đến hết tháng 3-4. Trong khi mùa thu hoạch cà phê của các nước ở bán cầu nam (Brazil, Colombia…) thường từ tháng 5 đến tháng 10.

Như vậy, thời điểm này, Việt Nam đang ở thế "một mình một chợ", nên thành hay bại trong xuất khẩu cà phê thời điểm này là tuỳ thuộc vào khả năng điều tiết sản lượng bán ra hợp lí, đàm phán giá cà phê của các doanh nghiệp Việt Nam.

 

https://danviet.vn/my-manh-tay-chi-hon-572-ty-usd-mua-loai-hat-nay-gia-ca-phe-viet-nam-se-tang-20220102221719173.htm

Theo THIÊN HƯƠNG (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.