Pleiku: Nhu cầu mua laptop, Ipad tăng cao

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuần qua, một số trường học trên địa bàn TP. Pleiku đã chuyển sang dạy và học trực tuyến (online). Đây cũng là lý do khiến nhu cầu mua laptop, Ipad tăng cao.

Khan hiếm nguồn hàng

Anh Vũ Việt Hùng-quản lý FPT Shop (39 Trần Phú) cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, nhu cầu mua sắm laptop, Ipad của người dân tăng đột biến. Đợt 1 vào tháng 4-2021. Thời điểm đó, tình hình dịch Covid-19 tại một số thành phố lớn diễn biến phức tạp, phần đông học sinh, sinh viên chuyển từ học trực tiếp sang học online. Tương tự, từ tháng 8 đến nay, có khá nhiều người dân tìm mua các dòng Ipad có giá từ 3-10 triệu đồng và máy tính xách tay ở 2 mức giá: dưới 10 triệu đồng và từ 10-15 triệu đồng. Cụ thể, sức mua trong tháng 8 đối với dòng máy tính xách tay ở 2 mức giá trên tăng 57% so với tháng trước, còn dòng Ipad tăng 80%. Tuy nhiên, do tình hình dịch diễn biến phức tạp nên việc nhập hàng, vận chuyển hàng về rất khó khăn. Đến nay, 6 chi nhánh FPT shop trên toàn tỉnh đều... cháy hàng. Vì không có nhiều lựa chọn nên một số khách hàng cũng tìm hiểu các dòng máy tính ở phân khúc cao hơn. “Ngày 10-9, cửa hàng nhận về 2 máy tính xách tay có giá dưới 15 triệu đồng và đã giao ngay sau đó. Hiện còn khoảng 20 khách hàng đặt hàng”-anh Hùng cho biết.

Nhiều phụ huynh tìm mua máy tính cho con học online. Ảnh: Anh Huy
Nhiều phụ huynh tìm mua máy tính cho con học online. Ảnh: Anh Huy


Để giảm gánh nặng kinh tế trong mùa dịch, thay vì mua máy tính mới, nhiều gia đình lựa chọn tìm mua cho con những chiếc máy tính đã qua sử dụng. Chị Nguyễn Thị Thùy Trang-chủ cửa hàng laptop Đăng Viễn (50 Nguyễn Văn Trỗi) cho hay: Những ngày TP. Pleiku áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15 và Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, nhiều khách hàng gọi điện thoại hỏi mua máy tính cũ có giá dao động từ 5-10 triệu đồng nhưng chúng tôi không có máy để bán. Vì quá trình nhập, vận chuyển hàng hóa qua các khâu đều khó khăn, thậm chí tắc nghẽn. “Hàng khan hiếm, giá cao, thời gian vận chuyển lâu, phí ship cũng tăng gấp 3 lần nên chúng tôi không dám nhận đơn đặt hàng trước. Cửa hàng có cái nào thì bán cái đó. Khách ưng thì nhận hàng, cửa hàng có bảo hành đầy đủ”-chị Trang thông tin.

 Theo chị Trang, ngoài tìm mua máy tính đã qua sử dụng thì sau khi TP. Pleiku hết giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhu cầu sửa chữa máy tính cũng tăng cao. “Từ 8 đến 17 giờ ngày 9-9, cửa hàng tiếp nhận 73 chiếc máy tính mang đến sửa chữa. Ngày tiếp theo, cửa hàng tiếp nhận 40 máy”-chị Trang thông tin thêm.

Thời gian này, cửa hàng Laptop Đăng Viễn còn nhận sửa chữa nhiều máy tính xách tay. Ảnh: Anh Huy
Thời gian này, cửa hàng laptop Đăng Viễn nhận sửa chữa nhiều máy tính xách tay. Ảnh: Anh Huy



Người tiêu dùng không có nhiều chọn lựa

Nhu cầu mua sắm tăng cao nhưng người tiêu dùng lại không có nhiều sự lựa chọn khi tìm mua các dòng laptop, Ipad phù hợp với sở thích cũng như điều kiện kinh tế gia đình. Thậm chí, nhiều khách hàng đã đặt cọc tiền nhưng hết máy hoặc thời gian chờ đợi quá lâu đành phải chuyển sang mua dòng máy khác.

 

Anh Phú đang tham khảo máy tính tại cửa hàng FPT shop. Ảnh: Anh Huy
Anh Nguyễn Văn Phú (tổ 8, phường Thắng Lợi) tham khảo máy tính tại FPT Shop(39, Trần Phú, TP. Pleiku). Ảnh: Anh Huy

Sau khi tìm hiểu khá kỹ chiếc laptop hiệu Lenovo có giá gần 16 triệu đồng tại FPT Shop trên đường Trần Phú, ông Nguyễn Văn Hùng (tổ 5, phường Diên Hồng) chia sẻ: “Chiếc máy tính này màu sắc đẹp, kiểu dáng nhỏ, gọn, rất phù hợp để con gái sử dụng. Tôi tham khảo máy trước, mai sẽ chở cháu lên nếu cháu ưng thì mua luôn. Năm nay cháu học lớp 11, sang năm lớp 12 và tiếp tục là đại học, nên gia đình tính đầu tư luôn 1 lần”. Thời gian này, con gái ông Hùng thường xuyên sử dụng điện thoại để học online. Lịch học dày, điện thoại lại không đáp ứng đủ pin nên việc học hay bị gián đoạn. Vì không dám để con sử dụng điện thoại trong tình trạng vừa sạc pin, vừa học nên nhiều lúc gia đình ông phải huy động tất cả điện thoại chỉ để phục vụ việc học của con.

Trước nhu cầu học online của 2 con (lớp 8 và lớp 4), anh Nguyễn Văn Phú (tổ 8, phường Thắng Lợi) cũng quyết định tìm mua laptop. “Bữa giờ các cháu học bằng điện thoại của bố mẹ. Tôi cũng muốn mua 1 chiếc laptop để 2 cháu thay phiên nhau học chứ màn hình điện thoại nhỏ ảnh hưởng đến mắt, pin điện thoại thì yếu không đáp ứng đủ thời gian”-anh Phú bộc bạch. Tuy nhiên, sau khi khảo sát giá tại một số cửa hàng máy tính, anh Phú khá băn khoăn. Theo dự định ban đầu, anh chỉ muốn tìm mua dòng máy tính có giá từ 10-15 triệu đồng nhưng hầu hết các nơi đều hết hàng. Những dòng máy tính khác thì giá lại khá cao. “Nếu việc học online vẫn kéo dài, có lẽ, tôi cũng phải mua 1 máy nhưng mua theo hình thức trả góp, vì thời gian này kinh tế cũng eo hẹp”-anh Hùng bày tỏ.

 

Để hỗ trợ việc học online nên nhu cầu mua máy tính, ipad tăng cao. Ảnh: Anh Huy
Một buổi học online của học sinh trên địa bàn TP. Pleiku. Ảnh: Anh Huy


Tương tự, gia đình chị Hồ Thị Kim Cương (tổ 3, phường Phù Đổng) cũng đang loay hoay với việc cả 2 con đều học online. Ban đầu, gia đình chị tìm mua 1 chiếc máy tính cũ hơn 6 triệu đồng để 2 con cùng học. Song vì lịch học trùng nhau nên chiếc máy tính được ưu tiên cho chị gái học lớp 8, còn cậu em trai lớp 5 học bằng điện thoại của mẹ. “Mình bán hàng online, mọi giao dịch đều qua điện thoại. Khách hàng gọi điện hoặc nhắn tin đến nếu mình không trả lời thì lỡ việc mà trả lời thì gián đoạn bài học của con”-chị Cương chia sẻ. Cũng vì sự bất tiện ấy, chị quyết định tìm mua thêm 1 chiếc máy tính đã qua sử dụng, giá khoảng 5-6 triệu đồng. “Tôi đi mấy cửa hàng bán máy tính cũ rồi mà không mua được. Nơi thì hết máy, nơi còn máy thì giá cao quá. Thành phố hết giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, có lẽ các cháu cũng sớm quay trở lại trường lớp nên chúng tôi cũng ráng thêm vài ngày nữa xem sao rồi tính tiếp”-chị Cương nói. 
 

ANH HUY
 

Có thể bạn quan tâm

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Bộ Công thương thí điểm tính giá điện 2 thành phần, tiền điện ảnh hưởng ra sao?

Giá bán điện 2 thành phần có nhiều ưu thế vượt trội với mục tiêu tính đúng, tính đủ chi phí mà người tiêu dùng điện gây ra cho hệ thống. Bộ Công thương khẳng định, thí điểm cần thiết để đánh giá, tính toán được khoản tiền điện chênh lệch giữa biểu giá điện hiện hành và biểu giá điện 2 thành phần.